Khai thác tốt nhất các tiềm năng khu vực có lợi thế kinh tế vượt trội

(BĐT) - Tại phiên họp ngày 17/3/2017, sau khi nghe Ban Cán sự Đảng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thừa ủy quyền Ban Cán sự Đảng Chính phủ báo cáo về các đề án xây dựng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa) và Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), ý kiến của các cơ quan liên quan, Bộ Chính trị đã thảo luận và kết luận:

1. Đề án xây dựng các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt là đề án lớn, có nhiều vấn đề mới và khó, nhưng đã được trình bày cụ thể, rõ ràng, Bộ Chính trị đánh giá cao việc chuẩn bị Đề án. Đây là chủ trương lớn của Đảng đã được thông qua nhiều kỳ đại hội, do vậy cần quyết tâm triển khai thực hiện, làm từng bước vững chắc, vừa làm vừa rút kinh nghiệm.

2. Đồng ý cho thành lập ba đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt: Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa) và Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) trực thuộc cấp tỉnh, nhằm khai thác tốt nhất các tiềm năng khu vực có lợi thế kinh tế vượt trội, thu hút mạnh nguồn vốn đầu tư, công nghệ cao, phương thức quản lý mới tiên tiến, hình thành khu vực tăng trưởng cao, tạo thêm nguồn lực và động lực, góp phần thúc đẩy nhanh phát triển và tái cơ cấu kinh tế cho tỉnh, vùng và cả nước. Cơ cấu, mô hình tổ chức chính quyền đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt quy định.

3. Đồng ý thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về xây dựng các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; giao Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng Ban Chỉ đạo, thành viên là đại diện các bộ, ngành, các địa phương có đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và các chuyên gia tham gia.

4. Giao Ban Cán sự Đảng Chính phủ:

- Chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương xây dựng Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt áp dụng chung cho ba đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt: Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc, để sớm trình Quốc hội. Trong Luật có tính đến đặc thù của từng đơn vị. Các nội dung, cơ chế, chính sách ưu đãi về kinh tế - xã hội phải được quy định trong Luật và bảo đảm tính vượt trội, đủ sức cạnh tranh với khu vực và quốc tế.

- Chỉ đạo các tỉnh Quảng Ninh, Khánh Hòa và Kiên Giang, trong thời gian xây dựng Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt trình Quốc hội, với chủ trương đã có, các tỉnh chủ động xây dựng quy hoạch, đề án, định hướng phát triển, định hướng đầu tư, tập trung phát triển những ngành, nghề, lĩnh vực chủ đạo phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới, tiềm năng, lợi thế so sánh và điều kiện thực tế của từng địa phương, chuẩn bị tốt công tác cán bộ để khi Luật ban hành là triển khai thực hiện được ngay.

- Chỉ đạo các Bộ: Quốc phòng, Công an chủ động xây dựng các đề án bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội trong các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

- Chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến Bộ Chính trị, hoàn thiện đề án và tài liệu liên quan sớm cung cấp cho Quốc hội để các đại biểu Quốc hội sớm tiếp cận tài liệu, nghiên cứu và đóng góp ý kiến.

5. Giao Đảng đoàn Quốc hội lãnh đạo Quốc hội xem xét, thông qua Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và quyết định thành lập các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa) và Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang).

6. Giao Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Văn phòng Trung ương Đảng theo dõi, kiểm tra việc thực hiện và định kỳ báo cáo Bộ Chính trị. Trong quá trình triển khai, nếu có vấn đề phát sinh, báo cáo Bộ Chính trị tiếp tục cho ý kiến.

Kết luận của Bộ Chính trị về các đề án xây dựng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa) và Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) 

Khu hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn phải giải quyết tốt nhất 3 điểm nghẽn về thể chế, hạ tầng, nguồn nhân lực… Phải coi nơi này là “phòng thí nghiệm thể chế của Việt Nam” để phát triển. Mục tiêu là cải thiện môi trường kinh doanh, với câu hỏi đặt ra là làm sao các tỷ phú thế giới phải đến Vân Đồn.

(Trích phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Quảng Ninh về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh, tháng 12/2016)

Khu kinh tế Bắc Vân Phong là mô hình mới, lạ ở nước ta. Tôi sẽ đề nghị Trung ương xem xét, ban hành quy định riêng cho khu kinh tế này. Trung ương tạo điều kiện về cơ chế và tỉnh Khánh Hòa phải xác định làm thành công trong nhiệm kỳ này.

(Trích phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Khánh Hòa về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh, tháng 2/2017)

Phấn đấu để Phú Quốc là một viên ngọc quý, viên ngọc lớn, là trung tâm du lịch giải trí độc đáo, không phải là để cạnh tranh với các địa phương khác ở Việt Nam mà phải thu hút các nhà đầu tư lớn để cạnh tranh với quốc tế. Phú Quốc có diện tích chỉ kém Singapore một chút. Chúng ta ước mơ phát triển Phú Quốc xứng tầm toàn cầu, và điều đó hoàn toàn có thể làm được.

(Trích phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Kiên Giang về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh và của huyện đảo Phú Quốc, tháng 4/2017)

Chuyên đề