Việc lập kế hoạch tổng thể lựa chọn nhà thầu giúp tăng tính khả thi, hiệu quả và bền vững của dự án đầu tư công. Ảnh: Lê Tiên |
Luật Đấu thầu 2023 và Nghị định 24/2024/NĐ-CP đã có cơ chế khuyến khích, trao quyền để chủ đầu tư hoặc cơ quan chuẩn bị dự án trình người có thẩm quyền xem xét, quyết định việc tổ chức lập, phê duyệt kế hoạch tổng thể LCNT cho một số dự án dựa vào quy mô, tính chất công tác đấu thầu.
Theo chuyên gia đấu thầu Lê Văn Tăng, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trước khi Luật Đấu thầu 2023 được ban hành, ở Việt Nam chưa có khái niệm cũng như các hướng dẫn triển khai chiến lược đấu thầu cho các dự án đầu tư phát triển. Đa phần kế hoạch LCNT được lập sau khi báo cáo nghiên cứu khả thi (FS) được phê duyệt, trừ trường hợp đối với dự án quy mô nhỏ có thể lập đồng thời kế hoạch LCNT và quyết định phê duyệt dự án. Riêng các dự án ODA sử dụng vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB) thì có triển khai việc xây dựng chiến lược đấu thầu và lập kế hoạch LCNT khi chuẩn bị FS theo Hướng dẫn đấu thầu mua sắm của WB về chiến lược đấu thầu mua sắm cho các dự án đầu tư phát triển.
Ban hành Nghị định 24/2024/NĐ-CP: Tiếp tục hoàn thiện và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về đấu thầu
Cũng theo ông Lê Văn Tăng, nhiều cuộc thầu chậm, đấu thầu không hiệu quả, đấu thầu nhưng không lựa chọn được nhà thầu, lập kế hoạch LCNT với thời gian thực hiện kéo dài hơn so với tiến độ nêu trong quyết định phê duyệt dự án… có phần nguyên nhân thiếu chiến lược đấu thầu mua sắm, không lập kế hoạch LCNT ngay trong giai đoạn lập, thẩm định và phê duyệt FS.
Tại Điều 36 Luật Đấu thầu 2023 quy định: Căn cứ quy mô, tính chất công tác đấu thầu của dự án, chủ đầu tư hoặc cơ quan chuẩn bị dự án có thể trình người có thẩm quyền xem xét, quyết định việc tổ chức lập, phê duyệt kế hoạch tổng thể LCNT. Kế hoạch tổng thể LCNT được lập đồng thời hoặc độc lập với FS và được phê duyệt sau khi FS được phê duyệt. Kế hoạch tổng thể LCNT bao gồm những nội dung chủ yếu sau đây: xem xét bối cảnh thực hiện dự án đối với công tác đấu thầu; đánh giá năng lực, nguồn lực và kinh nghiệm của chủ đầu tư đối với việc thực hiện các hoạt động đấu thầu của dự án; phân tích thị trường và xác định rủi ro trong đấu thầu; mục tiêu cụ thể của hoạt động đấu thầu. Đề xuất kế hoạch tổng thể LCNT cho dự án bao gồm: phân chia dự án thành các gói thầu; hình thức và phương thức LCNT; loại hợp đồng, nguyên tắc phân chia và quản lý rủi ro; tiến độ thực hiện các công việc chính, gói thầu; nội dung khác cần lưu ý trong soạn thảo hồ sơ mời thầu, quản lý thực hiện hợp đồng.
Điều 14 của Nghị định 24/2024/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết việc lập, trình, thẩm định và phê duyệt kế hoạch tổng thể LCNT cho dự án. Theo đó, chủ đầu tư được thuê tư vấn để lập kế hoạch tổng thể LCNT cho dự án trong trường hợp nhân sự của chủ đầu tư không đủ năng lực để thực hiện. Chủ đầu tư có trách nhiệm trình kế hoạch tổng thể LCNT để người có thẩm quyền xem xét, phê duyệt. Chủ đầu tư chịu trách nhiệm đăng tải kế hoạch tổng thể LCNT trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia chậm nhất là 5 ngày làm việc kể từ ngày văn bản được ban hành.
Lập kế hoạch tổng thể lựa chọn nhà thầu nhằm lựa chọn loại hợp đồng phù hợp và phân chia các gói thầu hợp lý. Ảnh minh họa: Nhã Chi |
Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, một số chuyên gia về đấu thầu cho biết, đây là lần đầu tiên pháp luật về đấu thầu tại Việt Nam đưa nội dung về kế hoạch tổng thể LCNT cho dự án. Tại nhiều hội thảo khoa học quốc tế, các chuyên gia từ WB, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đều khuyến cáo về việc cần thiết lập, thẩm định và phê duyệt tổng thể kế hoạch LCNT để hướng tới đấu thầu bền vững và hiệu quả, có sự cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đầu tư dự án, đánh giá được năng lực, nguồn lực và tính khả thi của dự án trong quá trình thực hiện. Quá trình lập và phê duyệt tổng thể kế hoạch LCNT buộc phải phân tích, tham vấn thị trường, đánh giá rủi ro và cơ hội về thị trường đối với hình thức LCNT đang xem xét; khả năng tham dự của nhà thầu; thị trường hàng hóa, dịch vụ có khả năng cung cấp cho dự án; xu thế của thị trường trong thời gian thực hiện dự án... Đây cũng là bước ràng buộc thêm trách nhiệm của chủ đầu tư, cấp có thẩm quyền đối với dự án dự kiến đầu tư, giúp giảm được việc đưa ra các hình thức hợp đồng không phù hợp với các gói thầu (chẳng hạn không lựa chọn hình thức hợp đồng trọn gói với các gói thầu quy mô lớn, phức tạp và thời gian thực hiện dài), phân chia các gói thầu hợp lý hơn (tránh tình trạng chia nhỏ gói thầu để chỉ định thầu hoặc gói toàn bộ công việc của dự án trong một gói thầu để giảm sự cạnh tranh)…
Mặc dù quy định pháp luật của Việt Nam mới dừng ở bước khuyến khích và trao quyền quyết định cho chủ đầu tư, cấp có thẩm quyền trong việc lập và phê duyệt tổng thể kế hoạch LCNT, nhưng đây là bước chuyển lớn, khẳng định tầm quan trọng và vai trò của tổng thể kế hoạch LCNT đối với việc triển khai các dự án đầu tư phát triển ở Việt Nam.
Ông Trần Kỳ Sơn, nguyên Chánh thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, thực tế đã có những công trình/dự án vừa hoàn thành, đưa vào sử dụng đã lỗi thời, lạc hậu, không đáp ứng được nhu cầu cuộc sống. Chẳng hạn một số đoạn cao tốc chỉ có 2 làn xe, tốc độ lưu thông chỉ đạt 50 - 60 km, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Một số công trình xây dựng khu chợ mới thì không thu hút được tiểu thương và người dân sử dụng, rồi những công trình cầu đường chỉ đáp ứng nhu cầu của rất ít người dân… gây lãng phí ngân sách. Chính vì thế, với các dự án quy mô lớn, vốn đầu tư lớn thì công tác lập và phê duyệt tổng thể kế hoạch LCNT là rất cần thiết, giảm thiểu tình trạng khi lập kế hoạch, chuẩn bị đầu tư dự án thì làm nhanh nhưng đến triển khai thực hiện thì bị tắc, làm lâu và làm sai…, thậm chí là lãng phí nguồn lực ngân sách nhà nước thực hiện đầu tư dự án.