“Ỉm” kết quả chọn nhà thầu và “điểm mù thông tin”

(BĐT) - Công khai kết quả lựa chọn nhà thầu (KQLCNT) không chỉ giúp minh bạch thông tin về việc lựa chọn nhà thầu, mà còn hỗ trợ nhà thầu cũng như các cơ quan liên quan tăng cường giám sát, phát giác những trường hợp có dấu hiệu không trung thực, “bất thường” trong lựa chọn nhà thầu. 
“Ỉm” kết quả chọn nhà thầu và “điểm mù thông tin”

Do đó, bưng bít KQLCNT đã và đang kéo giảm mức độ công khai, minh bạch của công tác đấu thầu. 

Làm khó cho các bên mời thầu

Tính hợp lệ, độ tin cậy của hợp đồng tương tự khi nhà thầu cung cấp trong hồ sơ dự thầu (HSDT) luôn khiến nhiều tư vấn đấu thầu, bên mời thầu mất nhiều thời gian, công sức để đánh giá chính xác. Một tư vấn đấu thầu lâu năm trên địa bàn TP.HCM từng chia sẻ với phóng viên Báo Đấu thầu: “Các hợp đồng tương tự là một trong những tài liệu dễ bị các nhà thầu làm giả, làm khống, “tô vẽ” nhất hiện nay. Hành vi của các nhà thầu ngày càng tinh vi. Do đó, bên mời thầu phải thực sự tỉnh táo, giỏi chuyên môn và công tâm mới đánh giá khách quan được”.

Điều khó khăn nhất hiện nay lại là tình trạng “điểm mù thông tin” trong các KQLCNT có liên quan đến hợp đồng tương tự mà nhà thầu cung cấp trong HSDT. “Dù đã kiểm tra nhiều kênh, đặc biệt là từ Báo Đấu thầu và Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia (muasamcong.mpi.gov.vn) để đánh giá độ tin cậy của các hợp đồng tương tự mà nhà thầu kê khai. Nhưng có rất nhiều gói thầu, hợp đồng được nhà thầu kê khai trong 5 năm trở lại đều “trống trơn” KQLCNT trên các kênh thông tin chính thống”, một bên mời thầu than thở.

Thông tư 03/2015/TT-BKHĐT có nêu: “Số lượng tối thiểu các hợp đồng tương tự theo mô tả dưới đây mà nhà thầu đã hoàn thành toàn bộ hoặc hoàn thành phần lớn với tư cách là nhà thầu chính (độc lập hoặc thành viên liên danh) hoặc nhà thầu phụ hoặc nhà thầu quản lý trong vòng 05 năm trở lại đây”. Theo các bên mời thầu, chính những hướng dẫn này đã giúp nhiều bên mời thầu, chủ đầu tư chủ động được trong khâu “sàng lọc” độ tin cậy của những hợp đồng tương tự được nhà thầu kê khai trong HSDT từ việc kiểm tra dữ liệu trên các kênh thông tin đấu thầu chính thống. “Nếu nhà thầu kê khai hợp đồng tương tự đã hoàn thành với tư cách nhà thầu chính (độc lập hoặc liên danh) thì chỉ cần đối chiếu với những KQLCNT được công bố là các bên mời thầu đã đảm bảo được phần nào độ xác thực của tài liệu. Tuy nhiên, tình trạng trắng thông tin KQLCNT của nhiều gói thầu, tại nhiều ban quản lý dự án, ở nhiều địa phương… thời gian qua đã khiến việc đánh giá HSDT của các bên mời thầu gặp không ít khó khăn, trở ngại. Đó là những chia sẻ với Báo Đấu thầu từ một số chủ đầu tư muốn đánh giá khách quan HSDT.

Làm khó cho cả nhà thầu

Theo quy định của pháp luật về đấu thầu hiện hành, kết quả mời quan tâm, kết quả sơ tuyển (danh sách ngắn), kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư phải được công khai trên Báo Đấu thầu và Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia trong vòng 7 ngày làm việc kể từ khi có quyết định phê duyệt kết quả. Bên mời thầu cũng phải gửi văn bản thông báo kết quả này tới các nhà thầu tham gia (kể cả nhà thầu được lựa chọn và nhà thầu không được lựa chọn). Theo các nhà thầu, quy định này không chỉ hữu ích cho các bên mời thầu khi đánh giá HSDT, mà còn hỗ trợ rất nhiều cho chính các nhà thầu khi dự thầu.

Quy định là vậy nhưng thực tế các đơn vị được giao nhiệm vụ tổ chức lựa chọn nhà thầu lại đang có phần coi nhẹ quy định này. Các KQLCNT cũng phản ánh phần nào năng lực, kinh nghiệm và khả năng bỏ giá của các nhà thầu. Theo chia sẻ của một số nhà thầu với Báo Đấu thầu, khi tham gia đấu thầu, các nhà thầu cực kỳ coi trọng việc đánh giá năng lực của đối thủ. “Chúng tôi cũng chọn các kênh thông tin đấu thầu chính thống để tìm hiểu về lịch sử, năng lực cũng như những gói thầu mà đối thủ từng tham gia, trúng thầu. Nếu KQLCNT được công khai đầy đủ, các nhà thầu có cơ hội biết rõ hơn về đối thủ của mình. “Chúng tôi nhận thấy, trong số các KQLCNT hiện nay được công bố, nhiều nhất vẫn là các gói thầu chỉ định thầu, giá trị thấp. Nhiều KQLCNT vẫn đang bị bên mời thầu giấu giếm một cách bất minh”, một nhà thầu tại TP.HCM phản ánh.

Ngược lại, trong trường hợp nhà thầu cố tình kê khai không trung thực các hợp đồng tương tự, lại được bên mời thầu dung túng, KQLCNT được công khai sẽ là kênh đối chứng quan trọng để các nhà thầu khác kiến nghị.

Trong cả hai trường hợp nêu trên, việc bưng bít KQLCNT đều làm khó cho nhà thầu ở nhiều mặt. Vừa không có thông tin về năng lực đối thủ, vừa khó khăn khi kiến nghị về độ tin cậy của các hợp đồng tương tự có dấu hiệu gian dối,...

Chuyên đề