Hợp đồng EPC không là chìa khóa vạn năng

(BĐT) - Mặc dù việc sử dụng hợp đồng EPC mang lại nhiều lợi ích cho chủ đầu tư - “người tiêu tiền nhà nước”, nhưng nhiều chuyên gia về đấu thầu trong nước và quốc tế khuyến cáo, đây không phải là mẫu số chung cho tất cả các công trình, dự án để chủ đầu tư áp dụng một cách tùy tiện.
Hợp đồng EPC chỉ phù hợp với dự án/công trình quy mô lớn, hạ tầng và các hệ thống phức tạp. Ảnh: Nhã Chi
Hợp đồng EPC chỉ phù hợp với dự án/công trình quy mô lớn, hạ tầng và các hệ thống phức tạp. Ảnh: Nhã Chi

Hợp đồng EPC có nhiều ưu điểm…

Nếu như các hợp đồng thông thường tách riêng rẽ phần thiết kế, mua sắm, xây lắp thi công thì hợp đồng EPC là tổng hợp của tất cả các nội dung công việc này và có sự gắn kết đồng bộ. Nhà thầu trúng gói thầu EPC (tổng thầu EPC) phải chịu trách nhiệm thực hiện dự án hoàn chỉnh, từ giai đoạn thiết kế, mua sắm, xây lắp và chạy thử dự án cho đến khi bàn giao công trình cho chủ đầu tư để vận hành. Trong đó, tổng thầu EPC có thể là một nhà thầu thực hiện tất cả các công đoạn, hoặc là nhà thầu chịu trách nhiệm chính trước chủ đầu tư, còn mỗi công đoạn lại do một nhà thầu phụ trách riêng biệt như nhà thầu thiết kế/tư vấn - E, nhà thầu cung cấp hàng hóa - P, nhà thầu xây lắp, thi công - C… dưới sự điều phối đồng bộ và kiểm soát của tổng thầu.

Theo đánh giá của các chuyên gia đấu thầu thuộc Ngân hàng Thế giới (WB), việc sử dụng hợp đồng EPC mang lại nhiều lợi ích cho chủ đầu tư - “người tiêu tiền”. Thứ nhất là chủ đầu tư ít chịu áp lực về hành chính. Thứ hai là ít có khả năng tranh chấp giữa các bên (nhà thầu thiết kế/tư vấn - nhà thầu cung cấp - nhà thầu xây lắp, thi công), vì giữa các bên có sự tương tác, phối hợp bởi một nhà thầu quản lý. Thứ ba, thay vì chủ đầu tư chịu rủi ro về điều phối hoạt động của các gói thầu (bao gồm các nhà thầu phụ và nhà thầu thiết kế/tư vấn) thì trách nhiệm được chuyển về một đầu mối là tổng thầu EPC. Thứ tư, việc áp dụng hợp đồng EPC có thể giúp chủ đầu tư xác định được chi phí, thời gian thực hiện và chất lượng công trình với mức độ chắc chắn khá cao căn cứ vào phạm vi công việc tại hợp đồng với nhà thầu… Thứ năm, giá hợp đồng cố định và ngày hoàn thành dự án được xác định trước. Thứ sáu là quy định cụ thể về hiệu quả hoạt động, bảo lãnh về hiệu quả vận hành nhà máy, bảo lãnh hiệu quả thực hiện hợp đồng. Thứ bảy là có quy định về bồi thường thiệt hại ước tính (mức phạt) cho bất cứ lỗi nào của nhà thầu…

…nhưng không phải là chìa khóa vạn năng

Mặc dù có nhiều ưu điểm, nhưng theo nhiều chuyên gia, hợp đồng EPC không phải là “chìa khóa vạn năng”. Nếu sử dụng sai cách, hoặc lạm dụng hợp đồng EPC thì không những không mang lại hiệu quả như mong đợi mà chủ đầu tư còn phải gánh chịu chi phí cao không đáng có, gây lãng phí cho ngân sách nhà nước.

Theo chuyên gia của WB, hợp đồng EPC thông thường chỉ phù hợp với dự án/công trình có quy mô cực lớn, có hạ tầng và các hệ thống phức tạp như lĩnh vực năng lượng, dầu khí, khai khoáng… Các hợp đồng thường phức tạp và yêu cầu có trình độ chuyên môn, kiến thức đặc biệt, có các phương án công nghệ linh hoạt, sáng tạo.

Chuyên gia của WB cũng khuyến cáo một số trường hợp không nên áp dụng hợp đồng EPC. Đó là công trình mà chủ đầu tư thực hiện được hầu hết các bước thiết kế hoặc thiết kế do chủ đầu tư cung cấp (chủ đầu tư thuê đơn vị tư vấn riêng đảm nhiệm). Hợp đồng EPC không phù hợp đối với công trình có giá trị tương đối nhỏ; công trình đơn giản hoặc lặp đi lặp lại; công trình thời gian thi công ngắn, khoảng dưới 12 tháng. Trong trường hợp thanh toán từng phần thì chủ đầu tư cũng không nên áp dụng loại hợp đồng này.

Mặt khác, một công trình có thể có nhiều hợp đồng khác nhau tương ứng với mỗi gói thầu, trong đó hợp đồng EPC chỉ là một cấu phần. Do vậy, chủ đầu tư nên cân nhắc, lựa chọn giai đoạn nào, gói thầu nào để áp dụng EPC, chứ không nhất thiết áp dụng một hợp đồng EPC cho toàn bộ công trình. Bên cạnh đó, với quy mô lớn, nhiều hạng mục công việc khác nhau, rủi ro trong hợp đồng EPC là rất cao và chủ đầu tư khó kiểm soát, trong khi tổng thầu EPC lại được giao gần như toàn quyền. Do đó, hợp đồng EPC phải rất chặt chẽ và để quản lý hợp đồng chặt chẽ, tránh sự điều chỉnh tùy tiện thì ngay từ khâu lập HSMT của gói thầu EPC phải thực hiện theo những nguyên tắc chuẩn mực nhất định.

Chuyên đề