Việc xem xét sửa đổi một số quy định hướng đến đẩy nhanh đàm phán, ký kết các dự án sử dụng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài. Ảnh: Lê Tiên |
Góp ý cho Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật PPP, Luật Đấu thầu, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư - KH&ĐT) Trần Hào Hùng cho biết, qua rà soát toàn bộ quy định của Luật Đấu thầu 2023 và thực tiễn công tác lựa chọn nhà thầu cho thấy, hiện khung pháp lý về đấu thầu vẫn cần tiếp tục được nghiên cứu, sửa đổi 3 nhóm vấn đề lớn, gồm: một số hoạt động đấu thầu được thực hiện trước khi dự án, điều ước quốc tế được phê duyệt, ký kết; về lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt; về việc áp dụng hình thức đấu thầu quốc tế, đấu thầu hạn chế.
Theo ông Trần Hào Hùng, Luật Đấu thầu 2023 chưa có quy định về việc thực hiện trước một số hoạt động đấu thầu. Theo quy định hiện hành, việc lựa chọn nhà thầu cung cấp hàng hóa, dịch vụ phi tư vấn, xây lắp để phục vụ công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, di dời công trình hạ tầng… chỉ được thực hiện sau khi có quyết định phê duyệt dự án. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, trong quá trình chuẩn bị đầu tư vẫn có thể tổ chức lựa chọn nhà thầu thực hiện các gói thầu nêu trên trước khi dự án được phê duyệt để đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian tổ chức lựa chọn nhà thầu. Để tháo gỡ những vướng mắc nêu trên, cần xem xét sửa đổi, bổ sung quy định tại Điều 42 Luật Đấu thầu 2023 theo hướng cho phép chủ đầu tư được thực hiện trước toàn bộ các hoạt động lựa chọn nhà thầu, bao gồm cả việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu trước khi quyết định đầu tư được phê duyệt.
Ông Hoàng Mạnh Phương - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ KH&ĐT) cho biết, Điều 42 Luật Đấu thầu 2023 quy định, đối với gói thầu sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ thì chủ đầu tư được thực hiện một số hoạt động trước khi điều ước quốc tế, thỏa thuận về vốn ODA, vốn vay ưu đãi được ký kết, nhưng chỉ giới hạn việc thực hiện các hoạt động này trong việc lập, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, hồ sơ mời thầu, xác định danh sách ngắn, không bao gồm việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu và ký hợp đồng. Tuy nhiên, hiện nay, một số nhà tài trợ, đặc biệt là các nhà tài trợ song phương châu Âu (Đan Mạch, Hungary, Áo, Bỉ, Phần Lan, Tây Ban Nha…) có yêu cầu phải ký kết trước hợp đồng thương mại như một điều kiện ràng buộc để đàm phán, ký kết điều ước quốc tế, thỏa thuận vay. Nếu vướng mắc này không được giải quyết thì việc huy động nguồn vốn từ đa số các nước châu Âu sẽ không thể thực hiện được (ước tính giá trị vốn theo cam kết tại các hiệp định khung và các đề xuất dự án khoảng 550 triệu USD trong 3 - 5 năm tới).
Do đó, ông Phương cho rằng, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật PPP, Luật Đấu thầu cần thiết nghiên cứu và ban hành quy định để gói thầu thuộc dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài đã được chủ đầu tư và nhà tài trợ nước ngoài thống nhất được phép thực hiện đấu thầu trước một số hoạt động liên quan.
Theo quy định hiện hành, việc lựa chọn nhà thầu phục vụ công tác giải phóng mặt bằng chỉ được thực hiện sau khi có quyết định phê duyệt dự án. Ảnh: Lê Tiên |
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cho biết, Điều 29 Luật Đấu thầu 2023 quy định một số gói thầu được áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, gói thầu có yêu cầu cấp bách và có tính đặc thù, riêng biệt mà không thể áp dụng các hình thức lựa chọn nhà thầu đã được quy định. Tuy nhiên, quá trình thực hiện Luật Đấu thầu 2023 ở một số bộ, ngành, cơ quan Trung ương như Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội phát sinh yêu cầu phải xem xét bổ sung một số trường hợp khác cần được áp dụng lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt như: gói thầu tổ chức các hội nghị, hội thảo có yêu cầu cấp bách; gói thầu phục vụ đón đoàn khách cấp cao nước ngoài thăm chính thức và làm việc tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về nghi lễ đối ngoại… Ở nhiều cuộc họp, các bộ, ngành, địa phương và Trung ương đã kiến nghị bổ sung các trường hợp này vào các trường hợp đặc biệt trong lựa chọn nhà thầu nhằm tạo sự linh hoạt, chủ động, đơn giản hóa thủ tục, tiết kiệm thời gian trong đấu thầu cho chủ đầu tư, bên mời thầu.
Bên cạnh đó, theo bà Nguyễn Thị Thúy Hằng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, để hài hòa với quy định của các nhà tài trợ, góp phần tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh quá trình đàm phán, ký kết các dự án sử dụng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài, cần xem xét sửa đổi quy định tại Điều 11 và Điều 22 Luật Đấu thầu 2023 theo hướng cho phép áp dụng các hình thức đấu thầu quốc tế, đấu thầu hạn chế trong trường hợp nhà tài trợ vốn cho dự án, gói thầu có yêu cầu áp dụng các hình thức này như là điều kiện ràng buộc trong đàm phán, ký kết điều ước quốc tế, thỏa thuận vay.
Đấu thầu quốc tế, đấu thầu hạn chế là điều kiện tiên quyết của một số đối tác phát triển để tài trợ vốn cho Việt Nam và điều kiện này được đặt ra ngay trong quá trình đàm phán điều ước quốc tế, thỏa thuận vay. Tuy nhiên, Điều 11 và Điều 22 Luật Đấu thầu 2023 quy định, đấu thầu quốc tế, đấu thầu hạn chế chỉ được thực hiện khi đáp ứng điều kiện nhà tài trợ vốn cho dự án, gói thầu có yêu cầu tổ chức đấu thầu quốc tế, đấu thầu hạn chế trong điều ước quốc tế, thỏa thuận vay. Còn đối với trường hợp có quy định về đấu thầu khác hoặc chưa được quy định tại Luật Đấu thầu 2023 thì phải báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến (Điều 3 Luật Đấu thầu 2023).
Theo bà Hằng, việc không cho phép đấu thầu hạn chế, đấu thầu quốc tế đối với các gói thầu, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi sẽ làm vô hiệu các nguyên tắc cơ bản về ODA ràng buộc và ODA không ràng buộc đã được quy định tại Luật Quản lý nợ công. Nếu không xử lý được vấn đề này, các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội, TP.HCM đang sử dụng vốn vay của Nhật Bản, các dự án dự kiến sử dụng nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Hàn Quốc (trong giai đoạn 2026 - 2030 là 2 tỷ USD) phải thực hiện các thủ tục trình duyệt các cấp có thẩm quyền, phát sinh nhiều thủ tục hành chính và thời gian, làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án.
Chia sẻ với Báo Đấu thầu, một số chuyên gia, doanh nghiệp hoan nghênh Bộ KH&ĐT đã nỗ lực rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn triển khai hoạt động đấu thầu cũng như công tác quy hoạch, thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh, đầu tư theo theo phương thức đối tác công tư. Việc đề xuất xây dựng 1 luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 4 Luật (gồm Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư, Luật Quy hoạch, Luật PPP) cho thấy tinh thần cầu thị, sát sao của cơ quan xây dựng chính sách trước các vấn đề thực tiễn, thể hiện đúng vai trò của Chính phủ kiến tạo, đẩy mạnh cải cách chính sách để huy động, khơi thông và giải phóng các nguồn lực cho phát triển nền kinh tế.