Hoàn tất xem xét nhiều nội dung quan trọng trình QH tại kỳ họp thứ 2

0:00 / 0:00
0:00
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, 5/6 dự án luật được cho ý kiến tại phiên họp đủ điều kiện để tiếp thu, hoàn chỉnh trình Quốc hội xem xét lần đầu tại Kỳ họp thứ 2.
Quang cảnh bế mạc phiên họp thứ ba của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: TTXVN
Quang cảnh bế mạc phiên họp thứ ba của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: TTXVN

Sau 8 ngày làm việc khẩn trương, hiệu quả, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ chương trình Phiên họp thứ 3 (từ ngày 13-22/9), trong đó có điều chỉnh, bổ sung thêm một số nội dung quan trọng và cấp bách.

Đây là phiên họp thường kỳ dài nhất trong năm, tập trung xem xét rất nhiều nội dung quan trọng, trình Quốc hội vào Kỳ họp thứ 2, dự kiến khai mạc vào ngày 20/10 tới.

5/6 dự án luật trình Quốc hội lần đầu tại kỳ họp thứ 2

Trong công tác lập pháp, tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe, cho ý kiến 6/7 dự án luật trình kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.

Qua thảo luận, 5/6 dự án luật được cho ý kiến tại phiên họp đủ điều kiện để tiếp thu, hoàn chỉnh trình Quốc hội xem xét lần đầu tại Kỳ họp thứ 2.

Đó là các dự án Luật: Luật Cảnh sát cơ động, Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), Luật Điện ảnh (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng Hình sự.

Riêng với dự án Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục-Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục hoàn thiện dự án này theo hướng bên cạnh phụ lục về các chỉ tiêu thống kê, rà soát để có thể đề xuất với Quốc hội cho sửa đổi, bổ sung một số vấn đề hết sức quan trọng như: cách tính quy trình thẩm quyền trong tính toán phân bổ các chỉ tiêu thống kê địa phương của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nhất là các chỉ tiêu về kinh tế vĩ mô, GRDP, bình quân đầu người; bổ sung những nội dung liên quan đến việc điều chỉnh nội hàm khi điều chỉnh lại tổng lượng GDP…

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét cho ý kiến lại nội dung này vào Phiên họp tháng 10 tới.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất bổ sung dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 2 theo quy trình rút gọn tại một kỳ họp.

Mục đích là sớm thể chế hóa các cam kết của Việt Nam đối với các Hiệp định Thương mại tự do mà Việt Nam đã tham gia.

Các dự án luật được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 3 có ý nghĩa rất quan trọng trong việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, bảo đảm sự đồng bộ, đáp ứng yêu cầu thi hành các cam kết của Việt Nam trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã được ký kết như CPTPP, EVFTA, góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong các hoạt động như kinh doanh bảo hiểm, điện ảnh, thống kê.

Công tác chuẩn bị, thẩm tra các dự án luật đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuẩn bị từ rất sớm, rất xa đúng theo tinh thần chỉ đạo của người đứng đầu Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, sau phiên họp này, cơ quan soạn thảo phối hợp với cơ quan thẩm tra, các cơ quan hữu quan nghiên cứu kỹ lưỡng các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tiếp tục hoàn thiện, tập trung nâng cao chất lượng các dự án luật thêm một bước nữa, đảm bảo tính thuyết phục, tạo sự đồng thuận cao khi trình Quốc hội.

Phát triển nhanh, bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét các báo cáo về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội; công tác năm 2021 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước, công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, thi hành án và phòng chống tham nhũng, giải quyết khiếu nại tố cáo năm 2021; kết quả triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 theo Nghị quyết 88 của Quốc hội khóa XIV; tình hình giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri kết quả tiếp công dân, tiếp nhận xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội tính đến 8/2021.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc. Ảnh: TTXVN

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc. Ảnh: TTXVN

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, hầu hết các nội dung trên là những báo cáo thường niên mà các cơ quan phải báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm về những hoạt động thuộc phạm vi, lĩnh vực của mình theo quy định của pháp luật.

Tại phiên họp, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung cho ý kiến về một số vấn đề chủ yếu gồm: Các hồ sơ, tài liệu đã tuân thủ đúng theo yêu cầu của pháp luật chưa, đánh giá về mức độ rõ ràng, hợp lý của các nhận định, tính cụ thể, thống nhất của số liệu trong mỗi báo cáo, giữa các báo cáo với nhau, vấn đề gì cần sửa đổi, bổ sung, cố gắng lọc ra kết quả nổi trội, những tồn tại, hạn chế, yếu kém, những điểm mới, trọng tâm, cần lưu ý.

Qua thảo luận Báo cáo của Chính phủ về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao nỗ lực, trách nhiệm của Chính phủ trong năm qua khi gặp nhiều khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19, chuẩn bị tổng kết cuối nhiệm kỳ, Đại hội Đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Trong bối cảnh có rất nhiều công việc như vậy, công tác tổ chức thi hành pháp luật đặt ra những yêu cầu mới khác các năm trước.

Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự đồng hành, phối hợp chặt chẽ của Quốc hội, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, linh hoạt, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, công tác thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết trong năm qua được Chính phủ, các bộ, ngành, các cơ quan phối hợp thực hiện tốt, nghiêm túc, có hiệu quả, có nhiều điểm mới trong các vấn đề: cụ thể hóa Hiến pháp, xây dựng trình các đạo luật, phổ biến, tuyên truyền pháp luật, trong công tác ban hành văn bản quy định chi tiết và kiểm tra thi hành văn bản, giám sát thực hiện văn bản.

Cho ý kiến vào Báo cáo của Chính phủ về kết quả triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 theo Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội đề nghị nhanh chóng kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình từ Trung ương đến địa phương; chú trọng đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, phân cấp cho địa phương theo tỷ lệ tự chủ ngân sách, thống nhất với các chương trình khác.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cần nhìn nhận Chương trình này trong tổng thể các Chương trình mục tiêu quốc gia. Mục tiêu là người dân thực sự được hưởng các quyền lợi từ Chương trình, đồng thời phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng và tinh thần tự lực vươn lên của đồng bào các dân tộc để phát triển nhanh, bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Cho ý kiến 4 chuyên đề giám sát

Về công tác giám sát, tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về kế hoạch chi tiết và đề cương giám sát của các chuyên đề thuộc nhiệm vụ giám sát tối cao của Quốc hội và giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong năm 2022 gồm 4 chuyên đề quan trọng: “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành;” “Việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021;” “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021;” “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1/7/2016 đến ngày 1/7/2021.”

Chủ tịch Quốc hội cho biết đổi mới công tác giám sát, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác giám sát là một trọng điểm trong việc đổi mới, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của Quốc hội trong nhiệm kỳ khóa XV này. Qua thảo luận, Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao sự vào cuộc từ rất sớm của lãnh đạo Quốc hội, Chủ nhiệm các Ủy ban, nhất là những cơ quan được phân công, cơ quan hữu quan phối hợp chặt chẽ.

Tiếp thu các ý kiến đóng góp, Tổng Thư ký Quốc hội, Trưởng các đoàn có trách nhiệm hoàn thiện phê duyệt những kế hoạch này để tổ chức triển khai. Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất sau khi triển khai nếu cần thiết sẽ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc để vừa triển khai, vừa đôn đốc thực hiện các chương trình giám sát. Kiểm toán Nhà nước tham gia giám sát. 63 Đoàn đại biểu Quốc hội được huy động; Hội đồng Nhân dân các tỉnh, thành phố được hướng dẫn, chỉ đạo để cùng tổ chức giám sát./.

Chuyên đề