Hỗ trợ DN vượt qua thử thách sống còn

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Các chỉ số kinh tế vĩ mô đang ở “mùa hè”, nhưng doanh nghiệp (DN) đang trong “mùa đông giá lạnh”. Đó là cách nói của ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) về bức tranh DN hiện nay. Dù tăng trưởng GDP năm 2022 về đích ở mức cao (dự kiến trên 8%), nhưng DN đang gặp rất nhiều khó khăn, đòi hỏi những giải pháp tháo gỡ kịp thời để DN có thể đóng góp tích cực cho tăng trưởng năm 2023.
Trong bối cảnh khó khăn hiện tại, doanh nghiệp cần sự hỗ trợ của Chính phủ để quay trở lại guồng sản xuất, kinh doanh. Ảnh minh họa: Nguyễn Tùng
Trong bối cảnh khó khăn hiện tại, doanh nghiệp cần sự hỗ trợ của Chính phủ để quay trở lại guồng sản xuất, kinh doanh. Ảnh minh họa: Nguyễn Tùng

Doanh nghiệp đang trong “mùa đông giá lạnh”

Tại Hội thảo Động lực phát triển kinh tế Việt Nam 2023 diễn ra ngày 14/12/2022, ông Vũ Tiến Lộc nhận định, trong 11 tháng năm 2022, DN đăng ký thành lập mới đạt kỷ lục, cho thấy tinh thần khởi nghiệp rất cao. Tuy nhiên, cũng có hơn 132 nghìn DN rút khỏi thị trường, tăng 25,8% so với cùng kỳ năm trước, tỷ lệ cao nhất từ trước đến nay, cho thấy DN đang rất khó khăn. Theo ông Lộc, nếu xét về số lượng, cứ 10 DN được thành lập thì có 7 DN rút lui khỏi thị trường, đây là con số rất đáng phải suy nghĩ. Các DN mới bước vào thị trường phần nhiều có quy mô nhỏ, còn số rời khỏi thị trường có nhiều DN lâu đời, quy mô lớn. Đây là một tổn thất lớn, không chỉ về hoạt động của DN, mà còn là vấn đề tăng trưởng, lao động, niềm tin trong nền kinh tế.

Ông Vũ Tiến Lộc phân tích thêm, nếu nhìn sâu vào bức tranh của DN sẽ thấy những khó khăn chồng chất, sự suy kiệt sau 2 năm chống lại dịch Covid-19, nay cộng thêm khó khăn từ nhiều phía: thị trường bị thu hẹp, khó khăn tài chính, lao động, hiệu quả sản xuất, kinh doanh của DN khá thấp so với với tương quan chung của khu vực. Tỷ lệ DN làm ăn thua lỗ cao.

Ông Lê Viết Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu xây dựng TP.HCM, Chủ tịch Hội đồng sáng lập Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình cho biết, sau 2 năm đại dịch, kết hợp thêm những khó khăn khi xung đột tại Đông Âu, các DN gặp nhiều khó khăn và chịu tác động dây chuyền. Trong bối cảnh khó khăn hiện tại, DN cần sự hỗ trợ của Chính phủ để quay trở lại guồng hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Trong một tọa đàm khác, ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, nhiều DN chia sẻ khó khăn hơn 10 năm trước, khi đồng thời cầu bên ngoài giảm sút, giá đầu vào tăng cao hơn, tiếp cận tín dụng, vốn khó khăn. Ngay trong lĩnh vực được thúc đẩy mạnh là đầu tư công, DN gắn với đầu tư công cho biết, làm thì thua lỗ, hao mòn năng lực của DN, mà không làm thì “đóng băng” hoạt động. Nhiều DN cũng phản ánh, so với 10 năm trước những quy định liên quan đến đầu tư, đất đai và các vấn đề khác trở nên khắt khe hơn, khó khăn hơn và chi phí tuân thủ cao hơn…

Thực thi kịp thời, quyết liệt các giải pháp

Theo ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, động lực tạo nên tăng trưởng kinh tế là DN, mà DN đang gặp rất nhiều khó khăn. Giải pháp đưa ra đã nhiều, cần phải hành động, thực thi hiệu quả. Ngoài giải pháp đã có, cần tiếp tục bám sát để kịp thời phát hiện và giải quyết khó khăn, vướng mắc mới phát sinh. Khi giải quyết vấn đề phát sinh mới, cần tránh giải pháp đột ngột, ngoài khả năng dự báo, vì đối với DN, việc chính sách có thể dự báo được là rất quan trọng. Chính phủ cũng cần tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh - mảng việc đang bị chùng lại. Đồng thời, cần sự tham gia có trách nhiệm của tất cả chủ thể từ Nhà nước, DN, người dân, nhà đầu tư.

Ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, giải pháp quan trọng nhất là DN phải nâng cao năng lực cạnh tranh, vượt qua chính mình. Hiện nay vấn đề năng lực cạnh tranh của DN không chỉ quan niệm hạn hẹp là làm thế nào để tăng năng suất, sản phẩm đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng với giá cả hợp lý, mà phải có khả năng chống chịu, thích ứng. Muốn vậy, DN cần có tư duy phát triển bền vững, kinh doanh có trách nhiệm. “Quan sát sức chống chịu của nền kinh tế Việt Nam cho thấy, DN có hướng phát triển bền vững, kinh doanh có trách nhiệm có khả năng trụ vững cao hơn do có sự chia sẻ tốt hơn của đối tác, bạn hàng, người lao động. Người tiêu dùng cũng ngày càng ưa chuộng, tin dùng sản phẩm của DN có trách nhiệm xã hội...”, ông Lộc nhận định.

Ông Hồ Sỹ Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN cũng nhấn mạnh, DN cần tận dụng cơ hội để đổi mới. Tình hình khó khăn, nhưng đây cũng là cơ hội để DN tranh thủ các chính sách hỗ trợ, hoặc điều chỉnh để đổi mới công nghệ, cải tiến sản phẩm, từ đó bứt phá từ sản xuất phân khúc giá trị thấp sang những lĩnh vực có giá trị gia tăng cao. DN, nhà đầu tư nên tái cấu trúc mạnh mẽ, đẩy mạnh chuyển đổi số, tiết giảm chi phí, tăng tính công khai, minh bạch và quản lý rủi ro tốt hơn.

Chuyên đề