Hệ thống e-GP nâng cao hiệu lực, hiệu quả của pháp luật về đấu thầu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trên chặng đường 15 năm kể từ năm 2009 Việt Nam được Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tài trợ xây dựng Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia (e-GP), đấu thầu qua mạng (ĐTQM) đã có nhiều bước tiến nhảy vọt và dự kiến hoàn tất lộ trình đấu thầu “một cửa” vào cuối năm 2024.
Từ nay đến cuối năm 2024, Hệ thống e-GP sẽ hoàn thiện tính năng đấu thầu “một cửa”. Ảnh: Lê Tiên
Từ nay đến cuối năm 2024, Hệ thống e-GP sẽ hoàn thiện tính năng đấu thầu “một cửa”. Ảnh: Lê Tiên

Nguyễn Thị Thúy Hằng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) chia sẻ, những kết quả mà ĐTQM đã đạt được và định hướng hoàn thiện các chức năng của Hệ thống e-GP sắp tới, nhằm nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả của pháp luật về đấu thầu.

Bà Nguyễn Thị Thúy Hằng Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu

Nguyễn Thị Thúy Hằng

Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu

Xin bà cho biết một số kết quả mà ĐTQM đạt được trên chặng đường 15 năm qua?

Có thể nói, công tác ĐTQM trong 15 năm qua đã có những thay đổi mang tính chất căn bản, là sự chuyển biến rất lớn về mặt pháp lý và kỹ thuật từ việc ĐTQM chỉ mang tính chất thí điểm, sau đó chính thức thực hiện theo lộ trình và đến tháng 1/2025, tất cả các gói thầu (trừ một số gói thầu đặc thù) phải được tổ chức hoàn toàn qua môi trường mạng theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 50 Luật Đấu thầu 2023.

Ban đầu, Hệ thống e-GP do Hàn Quốc tài trợ khá hạn chế đối với các gói thầu phức tạp chia phần, phân lô, gói thầu áp dụng đơn giá điều chỉnh... Tuy nhiên, những “nút thắt” này đã được giải quyết trên Hệ thống e-GP mới từ ngày 16/9/2022. Đến nay, sau 2 năm triển khai, Hệ thống e-GP mới đã đưa công cuộc ĐTQM ở Việt Nam phát triển vượt bậc. Kết quả thể hiện ở tỷ lệ số lượng gói thầu đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế, chào hàng cạnh tranh trong nước (không tính gói thầu EPC) thực hiện ĐTQM đến tháng 8/2024 đạt 100%, tỷ lệ giá trị gói thầu thực hiện ĐTQM đạt 98,517% và tổng giá trị gói thầu được ĐTQM 8 tháng đầu năm 2024 đạt 541.804 tỷ đồng với 283.357 gói thầu được ĐTQM. Số lượng người dùng mới liên tục tăng mạnh theo thời gian, số lượng trung bình nhà thầu tham dự tại mỗi gói thầu cũng tăng đáng kể.

Đặc biệt, kể từ khi Luật Đấu thầu 2023 được thông qua và có hiệu lực thi hành, Hệ thống e-GP đã được hoàn thiện thêm về hạ tầng để đáp ứng các quy định mới của chính sách pháp luật về đấu thầu, ngày càng phục vụ tốt hơn công tác đấu thầu của các chủ thể, đáp ứng các đòi hỏi khắt khe và nhu cầu ngày càng cao của thực tiễn. Hiệu quả ĐTQM mang lại cho đất nước rất rõ ràng, việc công khai, minh bạch thông tin được thực hiện tối đa, giảm thiểu thủ tục hành chính, giúp tiết kiệm chi phí cho các chủ thể tham gia, góp phần khắc phục tiêu cực trong đấu thầu.

Là công cụ đắc lực thực thi chính sách pháp luật về đấu thầu, xin bà chia sẻ một số tính năng ưu việt của e-GP giúp nâng cao hiệu lực, hiệu quả của pháp luật về đấu thầu?

Kể từ khi đưa vào vận hành ngày 16/9/2022 đến nay, Hệ thống e-GP mới không ngừng được nâng cấp, hoàn thiện và liên tục bổ sung nhiều tính năng mới của phân hệ Cổng thông tin. Hệ thống e-GP đã tăng cường công khai thông tin đấu thầu, không chỉ là quá trình lựa chọn nhà thầu mà còn công khai cả kết quả, chất lượng thực hiện hợp đồng của nhà thầu, chất lượng của hàng hóa đã sử dụng, hướng đến những giá trị cốt lõi trong sân chơi đấu thầu là công bằng và minh bạch. Hệ thống e-GP là cơ sở dữ liệu tin cậy, hữu ích để chủ đầu tư, bên mời thầu, nhà thầu tra cứu và tìm kiếm các thông tin liên quan, phục vụ tốt hơn, thuận tiện hơn cho quá trình tham gia hoạt động đấu thầu.

Thông qua Hệ thống e-GP, chủ đầu tư có thể thuận tiện tra cứu giá gói thầu, giá trúng thầu của các gói thầu tương tự, từ đó chủ động và tự tin trong việc lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu; đồng thời có thể sử dụng kết quả mua sắm các gói thầu tương tự của một số chủ đầu tư khác để mua sắm trực tiếp, giúp tiết kiệm và rút ngắn thời gian lựa chọn nhà thầu. Hệ thống e-GP ghi nhận nhiều gói thầu mua sắm hàng hóa được ĐTQM đã thu hút được số lượng lớn nhà thầu tham gia và có tỷ lệ tiết kiệm qua đấu thầu khá lớn. Thực tế cho thấy, những gói thầu có tỷ lệ cạnh tranh càng cao thì số tiền tiết kiệm được cho ngân sách nhà nước càng lớn.

Bên cạnh đó, Hệ thống e-GP là công cụ tăng cường chức năng giám sát công tác đấu thầu bằng việc thường xuyên cập nhật và công khai các hồ sơ mời thầu (HSMT) có kiến nghị về tiêu chí hạn chế nhà thầu, công khai danh sách bên mời thầu/chủ đầu tư không trả lời yêu cầu làm rõ HSMT, kiến nghị của nhà thầu. Hệ thống cũng công khai danh sách các chủ đầu tư đăng tải muộn kế hoạch lựa chọn nhà thầu; chủ đầu tư/bên mời thầu có số lượng gói thầu có yêu cầu làm rõ HSMT nhiều nhất; chủ đầu tư có tỷ lệ số gói thầu có kiến nghị về HSMT/tổng số gói thầu cao nhất; chủ đầu tư có số gói thầu có kiến nghị về kết quả lựa chọn nhà thầu nhiều nhất…

Hệ thống e-GP còn cập nhật thông tin để biểu dương những địa phương, chủ đầu tư có tỷ lệ tiết kiệm trong đấu thầu cao, thời gian thực hiện ngắn và chỉ ra những địa phương, chủ đầu tư có tỷ lệ tiết kiệm qua đấu thầu thấp, tính cạnh tranh không cao, số lượng nhà thầu trung bình tham gia 1 gói thầu thấp… Đây là cơ sở thông tin tham chiếu quan trọng để các cơ quan liên quan, cơ quan chức năng ở địa phương giám sát và chấn chỉnh công tác đấu thầu nề nếp hơn, chuyên nghiệp hơn…

Bộ KH&ĐT đang lấy ý kiến hoàn thiện Dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư số 06/2024/TT-BKHĐT hướng dẫn cung cấp, đăng tải thông tin về lựa chọn nhà thầu và mẫu hồ sơ đấu thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia và Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật PPP, Luật Đấu thầu. Theo đó, dự kiến sẽ bổ sung thêm một số hình thức lựa chọn nhà thầu so với quy định hiện nay. Hệ thống e-GP sẽ tiếp tục cải tiến như thế nào để đáp ứng các quy định mới, thưa bà?

Để đáp ứng tốt hơn nhu cầu thực tế và phù hợp, tương thích với các quy định mới của pháp luật về đấu thầu thời gian tới, Hệ thống e-GP đang xây dựng và sẽ hoàn thành, đưa vào ứng dụng thêm chức năng mua sắm trực tuyến và chào hàng trực tuyến trong năm 2024. Theo đó, Hệ thống sẽ cho phép các bệnh viện thực hiện mua thuốc, hóa phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng để bán lẻ tại các nhà thuốc bệnh viện thông qua hình thức chào giá trực tuyến (đấu giá ngược).

Đối với hình thức này, chủ đầu tư được nêu rõ nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại của hàng hóa, đáp ứng tốt hơn, đa dạng và sâu sát hơn nhu cầu của người bệnh với các loại mức giá khác nhau. Nhà thầu cũng thực hiện chào hàng trực tuyến trong vòng 24h để được cung cấp các mặt hàng mà chủ đầu tư yêu cầu và nhà thầu nào có giá chào trực tuyến thấp hơn sẽ trúng thầu. Hình thức đấu thầu này sẽ đáp ứng kịp thời và rất hữu ích đối với hoạt động bán lẻ thuốc, hóa phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng trong các nhà thuốc bệnh viện mà không phải làm các thủ tục rườm rà, tiết kiệm thời gian cho các bên tham gia. Hệ thống e-GP sẽ đóng vai trò như sàn giao dịch điện tử nhanh gọn, hiệu quả cho cả chủ đầu tư lẫn nhà thầu.

Từ nay đến cuối năm 2024, Hệ thống e-GP sẽ hoàn thiện chức năng đấu thầu “một cửa” thông qua kết nối với Hệ thống thuế điện tử, Hệ thống đăng ký kinh doanh, Kho bạc Nhà nước và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam để đáp ứng hạ tầng triển khai mọi công tác trong quá trình lựa chọn nhà thầu trên môi trường mạng, như lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu, thông báo mời thầu, đánh giá hồ sơ dự thầu, thực hiện bảo lãnh điện tử, ký hợp đồng điện tử, thanh toán điện tử... Việc chia sẻ, lưu chuyển thông tin giữa các hệ thống quản lý của Nhà nước sẽ giúp nhà thầu, chủ đầu tư thực hiện mọi công tác trong quá trình lựa chọn nhà thầu, kể cả ký hợp đồng, thanh toán hợp đồng… chỉ bằng click chuột. Điều này giúp giảm thiểu việc phải lưu trữ thông tin, sao y các loại tài liệu, đơn giản hóa thủ tục hành chính và đảm bảo công khai, minh bạch toàn diện cho công tác lựa chọn nhà thầu.

Bên cạnh đó, Hệ thống e-GP sẽ bổ sung các mẫu mới đối với việc lựa chọn nhà thầu EPC, EP, PC qua mạng; bổ sung các mẫu mới về máy đặt, máy mượn (lựa chọn nhà thầu theo số lượng dịch vụ kỹ thuật) theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 55 Luật Đấu thầu 2023. Theo đó, việc lựa chọn nhà thầu/nhà cung cấp sẽ theo đầu ra của chất lượng dịch vụ, tăng tính công bằng, minh bạch, hiệu quả, giúp tiết kiệm chi phí cho người bệnh cũng như tạo thuận lợi cho các chủ đầu tư/bệnh viện trong quá trình lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ.

Với vai trò là lãnh đạo Cục Quản lý đấu thầu đơn vị được Bộ KH&ĐT - cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu ở Trung ương - giao quản lý, vận hành Hệ thống e-GP, bà có thông điệp gì muốn gửi tới cấp có thẩm quyền ở địa phương, các chủ đầu tư, bên mời thầu, nhà thầu khi tham gia Hệ thống e-GP?

Hiện nay, tất cả các thông tin về quá trình lựa chọn nhà thầu, tiền đấu thầu và hậu đấu thầu đều được công khai trên Hệ thống e-GP. Với nhiều tính năng ưu việt cho phép thực hiện chế độ tìm kiếm nâng cao; tự động công khai kết quả thống kê, phân tích các thông tin trong quá trình lựa chọn nhà thầu, Hệ thống e-GP là công cụ hữu hiệu giúp cấp có thẩm quyền, cơ quan quản lý nhà nước thực hiện chức năng giám sát hoạt động đấu thầu và rất hữu ích đối với tổng thể quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu tại chủ đầu tư/bên mời thầu. Cục Quản lý đấu thầu mong muốn cấp có thẩm quyền, các cơ quan quản lý liên quan dựa vào công cụ công khai, minh bạch thông tin toàn diện của Hệ thống e-GP phát huy vai trò, trách nhiệm giám sát hoạt động đấu thầu, từ đó có giải pháp chấn chỉnh, xử lý kịp thời để công tác đấu thầu trên địa bàn, trong phạm vi quản lý ngày càng tốt hơn. Đặc biệt, các địa phương, bộ, ngành có tỷ lệ ĐTQM chưa đáp ứng yêu cầu, con số tiết kiệm qua đấu thầu đạt thấp, tỷ lệ cạnh tranh trung bình mỗi gói thầu chưa cao cần nghiên cứu kỹ các chính sách pháp luật về đấu thầu, sử dụng tài khoản được cấp riêng để thực hiện tốt hơn nữa chức năng giám sát hoạt động đấu thầu thông qua Hệ thống e-GP, có giải pháp căn cơ cải thiện chất lượng công tác đấu thầu trong phạm vi quản lý của mình.

Đối với các chủ đầu tư, bên mời thầu, cần tăng cường trang bị kiến thức về đấu thầu, tăng tính chuyên môn, chuyên nghiệp cho công tác đấu thầu, giảm thiểu khiếu kiện, khiếu nại của nhà thầu, góp phần làm cho công tác đấu thầu thực sự đi vào chiều sâu, đảm bảo công khai, minh bạch và đem lại hiệu quả khi sử dụng nguồn lực của Nhà nước.

Các nhà thầu cần củng cố thêm kiến thức về đấu thầu, tìm hiểu kỹ các quy định pháp luật về đấu thầu, sử dụng Hệ thống e-GP để tìm kiếm, hiện thực hóa các cơ hội đấu thầu tiềm năng; kịp thời phát hiện các tiêu chí hạn chế cạnh tranh trong HSMT, có biện pháp kịp thời để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Trân trọng cảm ơn bà!

Chuyên đề