Hai gói thầu bảo hiểm đường Vành đai 4 Hà Nội: Sửa tiêu chí, cạnh tranh mạnh về giá

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Hai gói thầu bảo hiểm cho 2 gói thầu xây lắp thuộc Dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội đóng thầu cách đây ít ngày, thu hút 9 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ tham dự, với sự cạnh tranh mạnh về giá. Trước đó, gói thầu gặp nhiều kiến nghị của nhà thầu về một số tiêu chí có thể gây hạn chế cạnh tranh.
Hai gói thầu bảo hiểm thuộc Dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội thu hút 9 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ tham dự. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Hai gói thầu bảo hiểm thuộc Dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội thu hút 9 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ tham dự. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Sửa nhiều tiêu chí để tăng cạnh tranh

Hai gói thầu nêu trên là Gói thầu số 12/TP2-BH Bảo hiểm công trình xây dựng cho Gói thầu xây lắp 08/TP2-XL và 09/TP2-XL; Gói thầu số 13/TP2-BH Bảo hiểm công trình xây dựng cho Gói thầu xây lắp 10/TP2-XL và 11/TP2-XL, thuộc Dự án thành phần 2.1 Xây dựng đường song hành (đường đô thị) địa phận TP. Hà Nội thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội. Cả hai gói thầu đóng thầu ngày 27/7/2023, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP. Hà Nội làm Chủ đầu tư, trực tiếp mời thầu.

Sau khi hồ sơ mời thầu (HMST) được phát hành ngày 7/7/2023, nhiều nhà thầu đã có kiến nghị cho rằng, các tiêu chí đánh giá về kỹ thuật hạn chế sự tham gia của các nhà thầu.

Thứ nhất, tiêu chí về nguồn vốn chủ sở hữu tại thời điểm ngày 31/12/2022, HSMT Gói thầu 12/TP2-BH quy định ≥ 2.803 tỷ đồng, Gói thầu 13/TP2-BH quy định ≥ 1.889 tỷ đồng (trường hợp liên danh, nhà thầu đứng đầu liên danh phải đáp ứng tối thiểu 80% và các thành viên trong liên danh đáp ứng tối thiểu 50% tiêu chí này). Nhà thầu cho rằng, Luật Kinh doanh bảo hiểm và Khoản 2, Điều 42 Nghị định số 73/2016/NĐ-CP quy định: Mức trách nhiệm giữ lại tối đa trên mỗi đơn vị rủi ro hoặc trên mỗi tổn thất riêng lẻ không quá 10% vốn chủ sở hữu. Như vậy, các nhà thầu bắt buộc phải thu xếp tái bảo hiểm cho phần vượt quá 10% vốn chủ sở hữu, vì vậy việc đưa tiêu chí này là không có cơ sở.

Tiếp theo, tiêu chí “Lợi nhuận thuần hoạt động kinh doanh bảo hiểm bình quân trong 3 năm từ năm 2020 đến 2022”, HSMT của 2 gói thầu quy định nhà thầu có lợi nhuận thuần cả 3 năm > 0 (đối với nhà thầu liên danh thì tất cả các thành viên phải đáp ứng yêu cầu này). Với mức yêu cầu này, một nhà thầu chỉ ra, Bảo Việt và PTI không đáp ứng. Nhà thầu cho rằng quy định này không phù hợp và không phản ánh đúng bản chất hoạt động hiệu quả của một doanh nghiệp bảo hiểm và đề nghị loại bỏ tiêu chí này.

Thứ ba là tiêu chí quỹ dự phòng nghiệp vụ tại thời điểm ngày 31/12/2022, HSMT Gói thầu 12/TP2-BH quy định ≥ 2.803 tỷ đồng, Gói thầu 13/TP2-BH quy định ≥ 1.889 tỷ đồng (trường hợp liên danh, nhà thầu đứng đầu liên danh phải đáp ứng tối thiểu 80% và các thành viên trong liên danh đáp ứng tối thiểu 50% tiêu chí này). Theo nhiều nhà thầu, dự phòng nghiệp vụ là khoản tiền mà doanh nghiệp bảo hiểm phải trích lập nhằm thanh toán cho những trách nhiệm bảo hiểm đã được xác định trước. Việc HSMT đưa ra tiêu chí này cho gói thầu dự kiến phát sinh trong tương lai là không phù hợp với Luật Kinh doanh bảo hiểm.

Một số nhà thầu cho rằng, với các tiêu chí như HSMT Gói 13/TP2-BH đang đưa ra, chỉ có 3 nhà thầu là PVI, Bảo Minh và BIC có thể tham gia với tư cách nhà thầu độc lập. Trong trường hợp liên danh, chỉ có 5 nhà thầu PVI, Bảo Minh, BIC, PJICO và MIC có thể tham gia với tư cách thành viên đứng đầu liên danh. Trong trường hợp 5 nhà thầu trên cùng tham gia 1 liên danh, thì chỉ có liên danh đó mới có thể đáp ứng các tiêu chí của HSMT. Với Gói thầu 12/TP2-BH, theo các tiêu chí như tại HSMT thì chỉ PVI có thể tham gia với tư cách nhà thầu độc lập. Trong trường hợp liên danh, cũng chỉ có PVI, Bảo Minh, BIC có thể tham gia với tư cách thành viên đứng đầu liên danh. Trong trường hợp 3 nhà thầu trên cùng tham gia 1 liên danh, thì chỉ có liên danh đó mới có thể đáp ứng các tiêu chí của HSMT.

Ngày 18/7/2023, Chủ đầu tư đã có quyết định sửa đổi HSMT. Theo đó sửa đổi yêu cầu về quỹ dự phòng nghiệp vụ và nguồn vốn chủ sở hữu theo hướng giữ nguyên mức đưa ra như HSMT ban đầu, nhưng sửa điều kiện đối với trường hợp liên danh thì từng thành viên trong liên danh phải đáp ứng yêu cầu tương ứng với tỷ lệ phần trăm giá trị đảm nhận trong thỏa thuận liên danh. Tiêu chí “Lợi nhuận thuần bảo hiểm” thay bằng “Lợi nhuận sau thuế bình quân” trong 3 năm > 0, đối với nhà thầu liên danh thì tất cả thành viên phải đáp ứng yêu cầu này.

Nhiều nhà thầu tham dự, giảm giá sâu

Theo biên bản mở thầu, 9 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ tạo thành 3 liên danh nhà thầu đã tham dự 2 gói thầu.

Gói thầu số 12/TP2-BH có giá dự toán 4,704 tỷ đồng. Liên danh PVI - Tổng công ty CP BIC - BHBV chào giá 2,034 tỷ đồng. Liên danh Bảo Minh - PJICO - MIC là 2,24 tỷ đồng. Liên danh PTI - VBI - BSH chào giá 2,802 tỷ đồng.

Gói thầu số 13/TP2-BH có giá dự toán 3,164 tỷ đồng. Nhà thầu chào giá thấp nhất là Liên danh PJICO - BMI - MIC với 1,1 tỷ đồng; Liên danh PTI - VBI - BSH là 1,888 tỷ đồng; Liên danh BHBV - PVI - BIC là 1,891 tỷ đồng.

Hiện tại cả 2 gói thầu đều chưa công bố kết quả lựa chọn nhà thầu. Trước đó, nhiều gói thầu bảo hiểm công trình xây dựng lớn được mời thầu theo hình thức đấu thầu rộng rãi và cũng có tỷ lệ giảm giá rất lớn sau đấu thầu.

Chuyên đề