Hà Văn Thắm muốn thu hồi 500 tỷ đồng cho Trung Dung vay

(BĐT) - Ngày 6/9, phiên tòa sơ thẩm xét xử Hà Văn Thắm và các đồng phạm tiếp tục với phần thẩm vấn của các luật sư. Luật sư Phan Trung Hoài, bào chữa cho bị cáo Phạm Công Danh đã tham gia xét hỏi với những vấn đề xoay quanh việc mua bán Ngân hàng Đại Tín cũng như khoản vay 500 tỷ đồng của Công ty Trung Dung tại OceanBank.

Theo cáo buộc, bị cáo Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch HĐQT OceanBank đã đàm phán với nhóm bà Hứa Thị Phấn, để chuyển nhượng phần vốn góp (có tỷ lệ chi phối). Nhưng sau khi vào xem xét, nhận thấy tình trạng ngân hàng rất xấu, bị cáo Thắm đã giới thiệu cho Phạm Công Danh mua lại Ngân hàng Đại Tín.

Để tăng thanh khoản cho Ngân hàng Đại Tín, nhóm 3 người thống nhất OceanBank sẽ cho Công ty Trung Dung (do Phạm Công Danh thành lập) vay 500 tỷ đồng, bà Phấn cho mượn tài sản bảo đảm. Những tài sản này được xác định là chưa đủ điều kiện pháp lý để dùng làm tài sản bảo đảm. Sau khi được định giá, khối tài sản này chỉ có giá trị hơn 100 tỷ đồng, dẫn đến OceanBank bị thiệt hại hơn 340 tỷ đồng. Nhóm tài sản bảo đảm này được chia thành 2 nhóm gồm cổ phiếu, bất động sản (giá trị bảo đảm 250 tỷ đồng) và vốn điều lệ 250 tỷ đồng của Trung Dung.

Đối với nhóm tài sản gồm cổ phiếu SSG và bất động sản trong đó các biệt thự ở Dự án Sài Gòn Pearl do Tập đoàn SSG làm chủ đầu tư, kết luận điều tra xác định các biệt thự này chưa đủ điều kiện pháp lý để thế chấp vì mới chỉ có quyền góp vốn, chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Bị cáo Hà Văn Thắm cho rằng, các tài sản này đủ điều kiện thế chấp dù chưa có sổ đỏ. Theo bị cáo, tài sản đưa vào thế chấp là quyền đầu tư góp vốn. Bị cáo biết tình trạng chưa có sổ đỏ nên đã yêu cầu SSG (bên có sổ đỏ), ký văn bản đồng ý thế chấp. Việc này đảm bảo khắc phục được thiếu sót pháp lý về sổ đỏ.

Đối với phần vốn điều lệ 250 tỷ đồng của Trung Dung, kết quả điều tra xác định phần vốn góp không có thật, Giám đốc Công ty là nhân viên lái xe của Tập đoàn Thiên Thanh và chỉ đứng tên trên giấy tờ. Lý giải về tài sản không có thật này, bị cáo Hà Văn Thắm cho rằng, khi cho vay đã đánh giá trên toàn bộ tình trạng của Trung Dung chứ không chỉ khoản vốn điều lệ.

“Thế chấp vốn điều lệ của Công ty Trung Dung cũng như thế chấp các cổ phiếu, bất động sản được ghi rõ là thế chấp toàn bộ các quyền lợi phát sinh của tài sản đó. Với cổ phiếu, ngoài giá trị cổ phiếu thì phần phát sinh thêm như cổ tức, cổ phiếu thưởng đều được thế chấp. Với Công ty Trung Dung, toàn bộ các khoản thu của Công ty cũng được thế chấp”, bị cáo Hà Văn Thắm trình bày.

Cũng theo lời khai của Hà Văn Thắm, Công ty Trung Dung đang khai thác mặt bằng hơn 20.000 m2 ở Tô Hiến Thành (TP.HCM) cho thuê trung tâm tiệc cưới và Big C. Bị cáo Thắm ước tính khoản phí cho thuê là vào khoảng 20 USD/m2/năm, ước tính cả năm khoảng 40 tỷ đồng. Và tính cho 5 năm đến nay thì OceanBank đã thu về được gần 250 tỷ đồng, tương đương với giá trị bảo đảm cho khoản vay.

Theo bị cáo Nguyễn Văn Hoàn, cựu Phó Tổng giám đốc OceanBank, tài sản này đủ điều kiện làm tài sản bảo đảm. Các biệt thự chưa có sổ đỏ nhưng tài sản bảo đảm ở đây là quyền góp vốn và đã đăng ký giao dịch bảo đảm tại Trung tâm miền Bắc, có cam kết thế chấp của chủ đầu tư. Đây là nghiệp vụ thông thường của các ngân hàng khi cho vay đối với tài sản hình thành trong tương lai.

Trở lại khoản vay 500 tỷ đồng, khi cho vay, bị cáo Thắm khai, ba bên gồm Trung Dung, Ngân hàng Đại Tín - OceanBank đã ký thỏa thuận, theo đó sau khi OceanBank giải ngân, Ngân hàng Đại Tín sẽ phong tỏa số tiền này và chỉ được giải tỏa khi có sự chấp thuận bằng văn bản của OceanBank. Nhưng khi được hỏi, đại diện Ngân hàng Đại Tín trả lời là không biết gì về văn bản này.

Khoản tiền 500 tỷ đồng đó đã được sử dụng để tất toán cho 5 khoản vay tại Ngân hàng Đại Tín. Bị cáo Hà Văn Thắm đề nghị thu hồi khoản tiền này, trả cho OceanBank.

Hôm nay, phiên tòa sẽ tiếp tục làm việc với phần xét hỏi của các luật sư. Được biết với số lượng bị cáo lên tới 51 người, phiên tòa có khoảng 50 luật sư tham gia.

Chuyên đề