Hà Nội: Phát hiện cơ sở sản xuất bột ngọt Ajinomoto và Miwon giả

Khám xét khẩn cấp chỗ ở của Phạm Văn Lập, cơ quan cảnh sát điều tra (PC46) đã phát hiện và thu giữ hàng trăm gói bột ngọt mang nhãn hiệu Ajinomoto và Miwon giả.
Toàn bộ số bột ngọt làm giả được cơ quan thu giữ và tiêu huy theo đúng quy định của pháp luật.
Toàn bộ số bột ngọt làm giả được cơ quan thu giữ và tiêu huy theo đúng quy định của pháp luật.

Ngày 12.1, Cơ quan Cảnh sát điều tra (PC46), Công an Hà Nội cho biết, đã ra lệnh bắt khẩn cấp Phạm Văn Lập (SN 1966, trú tại xóm Liên Thành, thôn Mã Kiều, xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, Hà Nội) về hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả theo điều 156 BLHS.  

Theo đó, vào lúc 18 giờ ngày 10.1, tại khu vực đê sông Đáy (địa phận xã Cao Dương, huyện Thanh Oai, Hà Nội), đội Chống hàng giả (Phòng Cảnh sát kinh tế) phối hợp với Phòng bảo vệ chính trị 2 - Công an TP Hà Nội kiểm tra xe máy mang biển kiểm soát 33K7 – 8476 do Phạm Văn Lập chở theo hai bao tải có dấu hiệu nghi vấn. 

Quá trình kiểm tra, tổ công tác phát hiện trong bao tải có 105 gói bột ngọt nhãn hiệu Ajinomoto và 100 gói bột ngọt nhãn hiệu Miwon có dấu hiệu làm giả. Xác minh nhanh, đại diện công ty Ajinomoto khẳng định, toàn bộ số bột ngọt nhãn hiệu trên đều là hàng giả, không phải do công ty này sản xuất và phân phối trên thị trường. Sau đó, Cơ quan cảnh sát điều tra (PC46) đã tiến hành khám xét khẩn cấp chỗ ở của Lập, thu giữ hàng trăm gói bột ngọt mang nhãn hiệu Ajinomoto, Miwon giả. Ngoài ra, cơ quan công an cũng thu giữ nhiều công cụ phục vụ sản xuất hàng giả như máy dán nhiệt, cân đĩa, máy đóng hạn sử dụng…

Cũng tại nhà riêng của Lập, cơ quan điều tra còn phát hiện thu giữ hàng trăm vỏ, nắp chai nước mắm Chin-Su Nam Ngư có dấu hiệu được Lập dùng để sản xuất hàng giả. 

Bước đầu Lập thừa nhận hành vi sản xuất, bán hàng giả của mình. Lập khai thu mua nguyên liệu bột ngọt có xuất xứ từ Trung Quốc, mua vỏ bao có nhãn hiệu Ajinomoto, Miwon… sau đó mang về đóng gói thành phẩm, rồi đưa đi tiêu thụ tại các huyện lân cận. 

Cơ quan điều tra khám xét khẩn cấp các điểm tiêu thụ hàng do Lập sản xuất nằm trên các huyện Ứng Hòa, Chương Mỹ, Mỹ Đức thu giữ hàng trăm gói bột ngọt giả. 

Trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra (PC46) đã bắt khẩn cấp đối với Nguyễn Thị Bích Hảo (sinh năm 1972) là phó giám đốc Công ty thương mại tổng hợp Thống Hải tại thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh về hành vi buôn bán hàng giả. Theo đó, nhận thấy sản phẩm keo chuyên dụng Titebond dùng để dán gỗ, kim loại, gạch, bê tông… được sử dụng nhiều nên Hảo đã trực tiếp đặt sản xuất, mua keo từ biên giới Trung Quốc sau đó mang về tiêu thụ. Cảnh sát đã thu giữ gần 3.000 ống keo giả trị giá hơn 200 triệu đồng.

Chuyên đề