Gói thầu xây trụ sở Chi cục Hải quan Phú Quốc: Những “hạt sạn” gây tranh cãi

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Công ty TNHH Tư vấn kiến trúc và xây dựng AiZiCi Group vừa công bố mời thầu Gói thầu số 12 Thi công xây lắp, cung cấp và lắp đặt thiết bị các hạng mục công trình (không bao gồm thang máy, máy phát điện và nội thất) thuộc Dự án Đầu tư xây dựng trụ sở Chi cục Hải quan Phú Quốc. Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đấu thầu, nhiều tiêu chí của hồ sơ mời thầu (HSMT) thể hiện bất cập, có thể gây khó khăn cho nhà thầu.
Gói thầu số 12 Thi công xây lắp, cung cấp và lắp đặt thiết bị các hạng mục công trình thuộc Dự án Đầu tư xây dựng trụ sở Chi cục Hải quan Phú Quốc có giá hơn 37 tỷ đồng. Ảnh: Dương Hùng Cường
Gói thầu số 12 Thi công xây lắp, cung cấp và lắp đặt thiết bị các hạng mục công trình thuộc Dự án Đầu tư xây dựng trụ sở Chi cục Hải quan Phú Quốc có giá hơn 37 tỷ đồng. Ảnh: Dương Hùng Cường

Gói thầu nêu trên có giá 37,237 tỷ đồng trên tổng mức đầu tư của Dự án là 60,955 tỷ đồng, phát hành HSMT từ ngày 27/12/2023 đến ngày 17/1/2024, do Cục Hải quan Kiên Giang làm Chủ đầu tư, giao Công ty TNHH Tư vấn kiến trúc và xây dựng AiZiCi Group lập HSMT, Công ty TNHH MTV Xây dựng Thương mại Quang Huy Hoàng thẩm định HSMT.

Về hợp đồng tương tự, HSMT yêu cầu, nhà thầu đã hoàn thành tối thiểu 2 công trình có loại kết cấu công trình xây dựng dân dụng. Trong 2 hợp đồng phải có ít nhất 1 hợp đồng có giá trị các phần: hạ tầng kỹ thuật, phòng chống mối mọt; hệ thống phòng cháy chữa cháy (PCCC); hệ thống camera an ninh; mạng tin học, điện thoại, âm thanh; lắp đặt trạm biến áp, cấp III. Theo các nhà thầu, yêu cầu trên là quá chi tiết, không đúng với hướng dẫn tại Thông tư số 08/2022/TT-BKHĐT về hợp đồng tương tự (chỉ nêu loại kết cấu, cấp công trình).

Nội dung gây bàn cãi nhất của HSMT liên quan đến nhân sự chủ chốt khi yêu cầu 12 nhân sự với hàng loạt chứng chỉ hành nghề không đúng theo Nghị định số 15/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng. Cụ thể, từ chỉ huy trưởng, kỹ thuật thi công xây dựng, kỹ thuật phụ trách lập hồ sơ hoàn công, thanh quyết toán, cán bộ quản lý PCCC, cán bộ phụ trách thi công cấp thoát nước, cán bộ phụ trách thi công điện đều bắt buộc phải có chứng chỉ hành nghề giám sát thi công công trình dân dụng từ hạng III trở lên.

Riêng cán bộ phụ trách quản lý PCCC, HSMT còn yêu cầu chứng chỉ hành nghề PCCC thuộc các lĩnh vực được cấp như: tư vấn giám sát về PCCC, chỉ huy thi công về PCCC, chứng chỉ/chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ PCCC còn hiệu lực…

Một số nhà thầu cho rằng, các quy định chuyên ngành về xây dựng hiện hành không bắt buộc loạt nhân sự nói trên phải có chứng chỉ hành nghề giám sát thi công. HSMT yêu cầu nhân sự chủ chốt kèm các chứng chỉ như vậy sẽ gây nhiều khó khăn cho nhà thầu khi dự thầu.

Bên cạnh đó, dù là công trình xây dựng dân dụng, HSMT lại yêu cầu loạt nhân sự như: nhân sự phụ trách mạng máy tính, nhân sự phụ trách máy thi công, cán bộ phụ trách hạ tầng kỹ thuật. Riêng với cán bộ phụ trách hạ tầng kỹ thuật, HSMT yêu cầu bằng tốt nghiệp đại học trở lên chuyên ngành kỹ thuật xây dựng, giao thông hoặc tương đương, có chứng chỉ hành nghề giám sát thi công công trình đường bộ và cấp thoát nước (thuộc công trình hạ tầng kỹ thuật) hạng III trở lên còn hiệu lực. Nghị định 15/2021/NĐ-CP không yêu cầu tiêu chuẩn đối với chức danh trên. Theo quy định tại điểm đ khoản 3 Phụ lục 9 ban hành kèm theo Thông tư số 08/2022/TT-BKHĐT, một trong các quy định của HSMT dẫn đến hạn chế sự tham gia của nhà thầu bao gồm yêu cầu về nhân sự chủ chốt đối với các vị trí mà pháp luật về xây dựng không có yêu cầu về tiêu chuẩn đối với chức danh đó hoặc các vị trí kỹ thuật thông thường, công nhân kỹ thuật, lao động phổ thông.

Về phần thiết bị, HSMT yêu cầu máy vận thăng có sức nâng >2 tấn với tài liệu đi kèm là giấy chứng nhận đăng ký xe và kiểm định còn hiệu lực. Theo một số nhà thầu, đây là thiết bị chỉ phục vụ trong công trường, không phải phương tiện cơ giới tham gia lưu thông, nên yêu cầu về đăng ký xe là bất cập. Với thiết bị này, tài liệu cần chứng minh là hóa đơn chứng từ (thể hiện việc mua bán hoặc thuê) và kiểm định của cơ quan đăng kiểm còn hiệu lực.

Ngày 2/1/2024, trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, ông Nguyễn Phước Thịnh, đại diện Công ty TNHH Tư vấn kiến trúc và xây dựng AiZiCi Group cho biết, khi lập HSMT đã tham khảo nhiều HSMT của các gói thầu khác. “Chúng tôi nhận thấy nhiều HSMT đưa ra yêu cầu còn khắt khe hơn HSMT Gói thầu số 12 về hợp đồng tương tự, nhân sự chủ chốt. Một số tiêu chí được đưa ra theo yêu cầu của Chủ đầu tư. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ rà soát lại kỹ càng nội dung của HSMT để báo cáo Chủ đầu tư và cần thiết sẽ điều chỉnh kịp thời”, đại diện này cho biết.

Theo các chuyên gia đấu thầu, việc yêu cầu về nhân sự chủ chốt của gói thầu xây lắp đã được hướng dẫn tại Thông tư số 08/2022/TT-BKHĐT và quy định tại Nghị định số 15/2021/NĐ-CP. Theo đó, bên mời thầu không tùy tiện thay đổi, đưa ra các yêu cầu trái quy định. Việc yêu cầu các chứng chỉ hành nghề mà pháp luật xây dựng không quy định có thể xem là gây khó khăn, hạn chế sự tham gia của nhà thầu.

Chuyên đề