Sau hơn 1 năm, Gói thầu Xây dựng nhà máy xử lý nước thải và trạm bơm tại Lạng Sơn vẫn chưa chọn được nhà thầu. Ảnh: Hoài Đức |
Bảo lãnh dự thầu có hợp lệ?
Đơn kiến nghị mới đây của một nhà thầu tham dự gói thầu nêu trên cho biết, hồ sơ dự thầu (HSDT) của Liên danh Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Khang Nguyên - Công ty CP Hà Đô 1 - Công ty CP Bơm châu Âu - Công ty CP Cơ khí môi trường ETM (gọi tắt Liên danh KHPE) có những vấn đề hết sức nghiêm trọng về thời gian nộp bảo lãnh dự thầu. Cụ thể, ngày 30/5/2017, Liên danh KHPE đã nộp bảo lãnh dự thầu số 239051649 trong HSDT. Tuy nhiên, sau khi hết hạn nộp HSDT 4 ngày, liên danh này lại thay đổi bảo lãnh dự thầu trong HSDT bằng một bảo lãnh dự thầu với nội dung khác. “Hành vi của Liên danh KHPE đã vi phạm quy định tại Khoản 3 Điều 14 Nghị định 63/2014/NĐ-CP. Nghĩa là, bất kỳ tài liệu nào được nhà thầu gửi đến sau thời điểm đóng thầu để sửa đổi, bổ sung HSDT đã nộp đều không hợp lệ, trừ tài liệu nhà thầu gửi đến để làm rõ HSDT theo yêu cầu của bên mời thầu hoặc tài liệu làm rõ, bổ sung nhằm chứng minh tư cách hợp lệ, năng lực và kinh nghiệm của nhà thầu”, Đơn kiến nghị nhấn mạnh.
Phúc đáp kiến nghị, Công ty CP Cấp thoát nước Lạng Sơn cho biết, đúng là Bên mời thầu có nhận được hai bảo lãnh dự thầu của nhà thầu. Thứ nhất là bảo lãnh số 239051649 trước thời điểm đóng thầu. Hai là bảo lãnh số 239971959 sau thời điểm đóng thầu do Ngân hàng ACB phát hành. Tuy nhiên, cả hai bảo lãnh này có giá trị giống nhau, chỉ có khác biệt về ngôn ngữ tiếng Anh và tiếng Việt.
“Ban đầu, quan điểm của Bên mời thầu và tư vấn cũng có sự khác biệt về đánh giá tính hợp lệ của hai bảo lãnh dự thầu nêu trên, do đó, Chủ đầu tư phải tham khảo thêm ý kiến từ Ngân hàng Tái thiết Đức - KFW (Đơn vị tài trợ vốn). Các bên đã thống nhất chấp nhận bảo lãnh dự thầu của Liên danh KHPE là hợp lệ, điều này cũng phù hợp với quy định tại Khoản 3, Khoản 4 Điều 3 của Luật Đấu thầu 2013”, đại diện Bên mời thầu giải thích.
Về vấn đề này, một chuyên gia về đấu thầu nêu quan điểm, theo quy định của pháp luật về đấu thầu hiện hành thì bảo lãnh dự thầu phải nộp trước thời điểm đóng thầu mới có giá trị. Trường hợp này, nếu bảo lãnh dự thầu nộp trước thời điểm đóng thầu và sau đóng thầu có cùng giá trị thì chỉ xét bảo lãnh nộp trước đóng thầu là hợp lệ. Tuy nhiên, đây là gói thầu sử dụng vốn vay, do đó, việc lựa chọn nhà thầu thường tuân thủ theo quy định của nhà tài trợ.
Vấn đề kinh nghiệm nhân sự
Cũng theo phản ánh của nhà thầu, trong HSDT của Liên danh KHPE đã khai khống năng lực kinh nghiệm nhân sự. Cụ thể là ông Nguyễn Thanh Tân, sinh năm 1984 được Liên danh KHPE kê khai trong HSDT là đã làm cán bộ của Gói thầu “Thi công xây dựng, cung cấp vật tư thiết bị, lắp đặt vận hành và bảo dưỡng Nhà máy Xử lý nước thải KCN công suất 4.000 m3/ngày đêm” thuộc Dự án Đầu tư xây dựng Nhà máy Xử lý nước thải KCN sông Công. Song, trên thực tế, gói thầu này lại do Công ty CP Xây dựng và Công nghệ cao HTC thực hiện và không có công suất 4.000 m3/ngày đêm và ông Tân không phải là nhân sự thực hiện gói thầu này. “Như vậy, Liên danh KHPE vi phạm quy định tại Điều 89 Luật Đấu thầu về các hành vi bị cấm trong đấu thầu”, Nhà thầu nêu kiến nghị.
Trả lời Báo Đấu thầu, Bên mời thầu thừa nhận: “Qua xác minh Nhà máy Xử lý nước thải KCN sông Công I được thiết kế và thi công với công suất là 2.000 m3/ngày đêm. Giai đoạn I của Dự án do một nhà thầu liên danh thực hiện, trong đó có Công ty CP Đầu tư phát triển môi trường SFC Việt Nam - nơi ông Tân công tác. Tuy nhiên, ông Tân không ký vào hồ sơ hoàn công cũng như các hồ sơ liên quan khác đối với Dự án trên”.
Về kinh nghiệm, năng lực (CV) của ông Tân, Bên mời thầu cho hay, Bên mời thầu và Tư vấn đã có quan điểm khác nhau. Dù vậy, qua xem xét hồ sơ mời thầu (HSMT) thấy rằng, HSMT Gói thầu số 1 không yêu cầu nhân sự phải tham gia dự án là công suất bao nhiêu. “Việc sai khác này không phải là vấn đề trọng yếu làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu nên CV của ông Tân được coi là chấp nhận được”, Bên mời thầu nhấn mạnh và cho biết, tất cả những vấn đề này đã được KWF chấp thuận.