Gói thầu mua sắm hàng hóa: Đổi mới trong đánh giá năng lực, kinh nghiệm

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Thông tư 08/2022/TT-BKHĐT có hiệu lực ngày 1/8/2022 sẽ phân tách rõ tiêu chuẩn đánh giá về năng lực, kinh nghiệm (NLKN) trong gói thầu mua sắm hàng hóa đối với 2 đối tượng nhà thầu là nhà thầu thương mại, đại lý phân phối và nhà thầu là nhà sản xuất. Cùng với đó, sẽ dùng mã phân loại hàng hóa của hải quan để xác định tính chất tương tự.
Quy định rõ hơn trong việc xác định hàng hóa tương tự sẽ tạo thuận lợi để đánh giá hợp đồng tương tự và tăng tính cạnh tranh cho gói thầu mua sắm hàng hóa. Ảnh: Tiên Giang
Quy định rõ hơn trong việc xác định hàng hóa tương tự sẽ tạo thuận lợi để đánh giá hợp đồng tương tự và tăng tính cạnh tranh cho gói thầu mua sắm hàng hóa. Ảnh: Tiên Giang

Hoạt động mua sắm hàng hóa, nhất là thiết bị giáo dục trong thời gian qua phát sinh không ít bất cập từ việc gom chung nhiều mặt hàng tạo thành một hợp đồng tương tự (HĐTT), cách đánh giá tính chất tương tự… của bên mời thầu (BMT).

Đơn cử, tại quận Gò Vấp (TP.HCM), một gói thầu thiết bị trường mầm non có giá trị 3,850 tỷ đồng, với danh mục 7 mặt hàng. Nhà thầu cung cấp 1 hợp đồng có giá trị 5,029 tỷ đồng với đầy đủ các mặt hàng theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu (HSMT). Nhà thầu còn cung cấp thêm 5 hợp đồng, mỗi hợp đồng đều có một số mặt hàng đáp ứng yêu cầu của HSMT. Tuy nhiên, BMT cho rằng “5 hợp đồng mà nhà thầu cung cấp, mỗi hợp đồng đều không có đầy đủ 7 mặt hàng mà Gói thầu yêu cầu. Do đó, hồ sơ dự thầu (HSDT) bị đánh giá không đáp ứng”.

Tại một địa phương thuộc các tỉnh phía Nam, HSMT một gói thầu mua sắm thiết bị giáo dục đưa ra yêu cầu: “Số lượng hợp đồng bằng 2 hoặc khác 2, ít nhất 1 hợp đồng cung cấp, lắp đặt thiết bị phục vụ công tác giảng dạy và học tập bao gồm các loại thiết bị sau: bàn ghế (học sinh + giáo viên), bàn vi tính, tủ (kệ), bảng phấn từ, máy vi tính, máy in, máy photocopy, máy chiếu, bảng tương tác, đàn organ, thiết bị âm thanh có giá trị 3,450 tỷ đồng; mỗi hợp đồng đều phải bao gồm đầy đủ các thiết bị nói trên”.

Yêu cầu về HĐTT nêu trên cùng với cách đánh giá HSDT của BMT, tổ chuyên gia đã khiến các nhà thầu bức xúc và có không ít khiếu nại, khiếu kiện xảy ra thời gian qua.

Mẫu HSMT gói thầu mua sắm hàng hóa tại Thông tư 08/2022/TT-BKHĐT hướng dẫn cung cấp, đăng tải thông tin về đấu thầu và lựa chọn nhà thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia (TT08) vừa được ban hành có một số nội dung đổi mới liên quan tới tiêu chuẩn đánh giá về NLKN.

Theo đó, trong mẫu HSMT phân tách rõ 2 bảng tiêu chuẩn đánh giá NLKN. Một bảng dành cho nhà thầu không phải là nhà sản xuất ra hàng hóa thuộc phạm vi của gói thầu (tức nhà thầu thương mại, đại lý phân phối…), do đó có tiêu chí về kinh nghiệm thực hiện hợp đồng cung cấp hàng hóa tương tự. Một bảng tiêu chuẩn đánh giá NLKN dành cho nhà thầu là nhà sản xuất, khi đó tiêu chí đánh giá sẽ là năng lực sản xuất hàng hóa của nhà thầu (thay cho kinh nghiệm thực hiện HĐTT). TT08 cũng nêu rõ cách đánh giá NLKN trong trường hợp nhà thầu vừa là nhà sản xuất, vừa là nhà cung cấp.

Ngoài ra, trong cách xác định hàng hóa tương tự về tính chất, mẫu HSMT dùng mã Chương, mã Nhóm trong Hệ thống hài hòa mô tả và mã hóa hàng hóa theo Hệ thống phân loại hàng hóa do Tổ chức Hải quan thế giới WCO phát hành (gọi chung là mã HS) để xác định tính chất tương tự của hàng hóa dự thầu. Mã HS căn cứ theo Thông tư số 65/2017/TTBTC của Bộ Tài chính.

Đối với gói thầu mua trang thiết bị y tế, mã HS được xác định theo Thông tư số 14/2018/TT-BYT của Bộ Y tế (TT14), hàng hóa tương tự là trang thiết bị y tế cùng nhóm hàng hóa theo mã HS (tương ứng với 4 số đầu của bộ mã) nêu tại TT14…

Về quy mô của HĐTT thì TT08 quy định rõ hơn, trường hợp gói thầu bao gồm nhiều loại hàng hoá khác nhau thì tùy theo tính chất, quy mô gói thầu để đưa ra yêu cầu về quy mô tương tự trên cơ sở các loại hàng hoá chính của gói thầu (phải nêu rõ các hàng hóa chính) hoặc yêu cầu về quy mô tương tự trên cơ sở tất cả hàng hoá của gói thầu.

Theo một chuyên gia đấu thầu, TT08 sử dụng mã HS theo quy định của cơ quan hải quan là một tiêu chí định lượng rõ ràng trong việc xác định hàng hóa có tính chất tương tự sẽ tạo thuận lợi hơn trong việc xác định tính chất hàng hóa, đánh giá HĐTT của nhà thầu cũng như mở rộng cơ hội tham dự thầu của các nhà thầu có khả năng cung ứng các sản phẩm có cùng 4 số đầu của mã HS, giúp gói thầu tăng tính cạnh tranh.

Chuyên đề