Hồ sơ mời thầu yêu cầu nhân sự vừa phải đăng ký hành nghề kiểm toán tại doanh nghiệp dự thầu, vừa phải có chứng chỉ hành nghề trong lĩnh vực xây dựng. Ảnh minh họa: Chu Vui |
Gói thầu số 6 có giá dự toán gần 1 tỷ đồng, trên tổng mức đầu tư của Dự án là 300 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách trung ương, phát hành HSMT rộng rãi qua mạng từ ngày 10/2 - 2/3/2022, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp làm chủ đầu tư, trực tiếp mời thầu.
Theo phản ánh của một nhà thầu, HSMT bộc lộ khá nhiều bất cập trong các tiêu chuẩn đánh giá về nhân sự tại Chương III. Theo đó, đối với vị trí Trưởng đoàn kiểm toán, HSMT quy định phải có Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán tại đơn vị dự thầu; đồng thời, có các loại chứng chỉ hành nghề chuyên ngành sau đây: khảo sát địa hình; đấu thầu; giám sát xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý dự án.
Tại vị trí Tổ trưởng kiểm toán về pháp lý, HSMT yêu cầu có Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán tại đơn vị dự thầu; các chứng chỉ hành nghề: quản lý dự án, định giá xây dựng hạng II, đấu thầu. Vị trí Tổ trưởng tổ kiểm toán về kỹ thuật cũng bao hàm các tiêu chuẩn đánh giá vừa nêu, trong đó có bổ sung thêm yêu cầu về chứng chỉ hành nghề khảo sát địa hình và chứng chỉ hành nghề giám sát xây dựng công trình.
Theo Nhà thầu, Khoản 4, Điều 15 Luật Kiểm toán độc lập quy định, Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán chỉ có giá trị khi người được cấp có hợp đồng lao động làm toàn bộ thời gian cho một doanh nghiệp kiểm toán. Như vậy, việc HSMT yêu cầu các vị trí nhân sự vừa phải đăng ký hành nghề kiểm toán tại doanh nghiệp dự thầu, vừa phải có chứng chỉ hành nghề trong lĩnh vực xây dựng, là trái với các quy định pháp luật chuyên ngành, chưa kể đến việc một số loại chứng chỉ chuyên ngành không thực sự cần thiết cho công tác kiểm toán dự án đang mời thầu.
Trước phản ánh nêu trên, Bên mời thầu xác nhận quan điểm của nhà thầu là phù hợp với thực tế. Tuy nhiên, Bên mời thầu cho rằng tiêu chuẩn đã quy định tại HSMT được áp dụng đánh giá theo thang điểm, trong đó, điểm ưu tiên chiếm 25% tỷ trọng điểm cho mỗi vị trí chủ chốt, không đủ lớn để mang tính chất khống chế điểm và hạn chế nhà thầu. Trường hợp nhà thầu muốn đạt điểm đánh giá tối đa, thì phải đề xuất được nhân sự đáp ứng ở mức độ cao nhất. Mặt khác, Gói thầu lựa chọn nhà thầu theo phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ, trong đó tiêu chí đánh giá về năng lực kỹ thuật được quan tâm ưu tiên (chiếm 75% tổng điểm), do đó, Bên mời thầu chú trọng việc xây dựng các tiêu chí đánh giá kỹ thuật.
Theo ông Phan Việt Hiếu, Phó Tổng giám đốc Khối Kiểm toán dự án đầu tư xây dựng - Công ty TNHH Kiểm toán KMF, Luật Kiểm toán độc lập không có quy định kiểm toán viên hành nghề phải có các bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn trong lĩnh vực xây dựng, luật hoặc các lĩnh vực khác. Đồng thời, Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 1000 - Kiểm toán báo cáo quyết toán dự án hoàn thành (Ban hành kèm theo Thông tư số 67/2015/TT-BTC ngày 8/5/2015 của Bộ Tài chính) cũng quy định chung kiểm toán viên bao gồm kiểm toán viên hành nghề và cả kỹ thuật viên, là các cá nhân có kỹ năng, kinh nghiệm và kiến thức chuyên môn về kinh tế, kỹ thuật xây dựng… (các kỹ sư chuyên ngành). Do đó việc HSMT xây dựng tiêu chuẩn “kép” tại các vị trí nhân sự là không phù hợp với thực tiễn, không phù hợp với quy định pháp luật chuyên ngành. “Việc bổ sung yêu cầu về bằng cấp, chứng chỉ chuyên ngành chỉ nên áp dụng cho các “kỹ thuật viên” khi thực sự cần thiết, không lạm dụng dẫn đến hạn chế sự tham gia của nhà thầu, gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng”, ông Hiếu nhấn mạnh.
Hiện tại, Bên mời thầu đang trong thời gian đánh giá hồ sơ dự thầu của 2 nhà thầu tham dự, gồm: Công ty TNHH Kiểm toán Tư vấn Định giá ACC Việt Nam; Công ty TNHH Kiểm toán Hùng Vương. Thời gian thực hiện hợp đồng đề xuất lần lượt là 6 tháng và 4 tháng.