Gói thầu bảo hiểm tại PTC4: Loạt kiến nghị về tiêu chí ưu tiên không được tiếp thu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Với giá trị trên dưới 10 tỷ đồng, gói thầu mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc mỗi năm của Công ty Truyền tải điện 4 (PTC4) thu hút nhiều doanh nghiệp bảo hiểm quan tâm. Gói thầu bảo hiểm năm 2024 đang trong thời gian thực hiện hợp đồng, thu hút tới 14 doanh nghiệp tham gia vào 2 liên danh. Bên cạnh đó, cũng có nhiều kiến nghị phát sinh trong quá trình lựa chọn nhà thầu.
Với giá trị trên dưới 10 tỷ đồng, gói thầu mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc mỗi năm của PTC4 thu hút nhiều doanh nghiệp bảo hiểm quan tâm. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Với giá trị trên dưới 10 tỷ đồng, gói thầu mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc mỗi năm của PTC4 thu hút nhiều doanh nghiệp bảo hiểm quan tâm. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Mỗi nhà thầu muốn tiêu chí ưu tiên khác nhau

Gói thầu Bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc của PTC4 có giá 17,195 tỷ đồng. PTC4 là Chủ đầu tư, trực tiếp mời thầu. Gói thầu được phê duyệt kết quả ngày 20/12/2023.

Trong thời gian phát hành, nhiều nhà thầu kiến nghị về HSMT. Cụ thể, HSMT quy định: trường hợp có 2 nhà thầu trở lên có giá dự thầu sau khi trừ đi giá trị giảm giá (nếu có), sau khi tính ưu đãi (nếu có) tính theo mức phí bảo hiểm quy định của Nghị định số 67/2023/NĐ-CP bằng nhau thì việc xếp hạng nhà thầu được tính trên cơ sở: Nhà thầu có doanh thu thuần hoạt động kinh doanh bảo hiểm bình quân trong 3 năm trở lại đây (2020 - 2022) cao hơn thì được xếp hạng thứ nhất (đối với nhà thầu liên danh, doanh thu thuần hoạt động kinh doanh bảo hiểm được tính là tổng doanh thu của các thành viên trong liên danh).

Theo nhà thầu kiến nghị, với gói thầu này, việc yêu cầu chào phí theo Nghị định 67/2023/NĐ-CP sẽ khiến các nhà thầu chào phí tại mức tối thiểu để bảo đảm cạnh tranh tối đa. Như vậy trường hợp 2 nhà thầu trở lên có giá dự thầu sau khi trừ đi giảm giá bằng nhau có thể xảy ra (nếu có ≥ 2 nhà thầu tham gia). Việc Chủ đầu tư xem xét tiêu chí ưu tiên là doanh thu thuần hoạt động kinh doanh bảo hiểm bình quân trong 3 năm trở lại đây cao hơn vô hình chung đem lại lợi thế cho 1 hoặc một số nhà thầu.

Ngoài ra, Nhà thầu cho rằng, quy định đối với nhà thầu liên danh, doanh thu thuần hoạt động kinh doanh bảo hiểm được tính là tổng doanh thu của các thành viên chưa phù hợp với các gói thầu bảo hiểm, bởi khi thực hiện hợp đồng, chỉ duy nhất công ty bảo hiểm đứng đầu là đơn vị tiếp xúc, làm việc, giải quyết bồi thường với khách hàng. Theo quy định của liên danh, công ty bảo hiểm đứng đầu cũng là đơn vị chuyển tiền bồi thường cho người được bảo hiểm. Như vậy, việc cộng dồn năng lực của các thành viên liên danh không có ý nghĩa đối với năng lực giải quyết và thanh toán bồi thường cho khách hàng.

Để bảo đảm quyền lợi cho khách hàng và tránh đưa ra tiêu chí hạn chế cạnh tranh, Nhà thầu đề xuất việc xếp hạng nhà thầu được tính trên cơ sở ưu tiên như sau: 1. Nhà thầu có phạm vi bảo hiểm rộng hơn sẽ được đánh giá cao hơn; 2. Nhà thầu có tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) cao hơn. Trường hợp liên danh, ROE sẽ được tính là tổng ROE của các thành viên liên danh theo tỷ lệ tham gia.

Một nhà thầu khác có kiến nghị điều chỉnh tiêu chí ưu tiên với lập luận tương tự, nhưng đề xuất tiêu chí ưu tiên hàng đầu là: 1. Nhà thầu có mức quỹ dự phòng nghiệp vụ cao nhất để bảo đảm an toàn cho tài sản lớn của Công ty; sau đó mới đến 2 tiêu chí như nhà thầu trên đề xuất. Một kiến nghị khác đề nghị gia hạn thời điểm đóng thầu để nhà thầu có thêm thời gian thu xếp tái bảo hiểm.

Văn bản phúc đáp của PTC4 ngày 30/11/2023 trả lời thời điểm đóng thầu không thay đổi, nội dung HSMT như yêu cầu tại thông báo mời thầu đã đăng tải.

Theo một chuyên gia đấu thầu, pháp luật về đấu thầu không quy định chi tiết về các tiêu chí ưu tiên trong trường hợp này, tuy nhiên, tinh thần của đấu thầu là minh bạch, cạnh tranh, công bằng và hiệu quả.

1 liên danh bị loại vì MIC có hợp đồng không hoàn thành

Gói thầu có 2 liên danh tham dự, gồm 14 doanh nghiệp.

Liên danh Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt (BHBV) - Tổng công ty CP Bảo hiểm Bưu Điện (PTI) - Tổng công ty CP Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIC) - Tổng công ty CP Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (BSH) – Tổng công ty CP Bảo hiểm Hàng không (VNI) - Công ty CP Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp (ABIC) trúng thầu với giá 12,896 tỷ đồng, giảm khoảng 25% so với giá gói thầu.

Nhà thầu bị loại là Liên danh Bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc của PTC4 (Tổng công ty Bảo hiểm PVI - Tổng công ty CP Bảo Minh - Tổng công ty CP Bảo hiểm Petrolimex - Tổng công ty CP Bảo hiểm Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - Tổng công ty CP Bảo hiểm Toàn cầu - Tổng công ty CP Bảo hiểm Bảo Long - Công ty CP Bảo hiểm Viễn Đông - Tổng công ty CP Bảo hiểm Quân đội) do không đáp ứng yêu cầu về năng lực kinh nghiệm.

Cụ thể theo Báo cáo đánh giá hồ sơ đề xuất kỹ thuật, từ ngày 1/1/2020 đến thời điểm đóng thầu, Tổng công ty CP Bảo hiểm Quân đội (MIC) có lịch sử không hoàn thành hợp đồng với PTC4. Cụ thể là tranh chấp về bồi thường tổn thất 2 máy biến áp thuộc Trạm biến áp 220 kV Cai Lậy bị sự cố theo Hợp đồng bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc số 10852/HĐ-PTC4 cho Gói thầu Bảo hiểm cháy nổ bắt buộc thuộc PTC4 từ ngày 1/1/2020 đến ngày 1/1/2021 giữa PTC4 và MIC.

Do đó, báo cáo đánh giá nêu rõ, MIC có hợp đồng nêu trên rơi vào trường hợp hợp đồng không hoàn thành do lỗi của nhà thầu, không thỏa mãn yêu cầu quy định tại HSMT.

Chuyên đề