Gói thầu bảo hiểm của Quân chủng phòng không - không quân: Lợi thế nghiêng về 1 nhà thầu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Gói thầu số 01 Bảo hiểm vận chuyển quốc tế và nội địa cho các trang bị, vật tư (giá gói thầu 8.007.815.589 đồng) do Bộ Tham mưu Quân chủng Phòng không không quân làm Bên mời thầu đã đóng thầu ngày 23/9/2023. Trong thời gian phát hành hồ sơ mời thầu (HSMT), nhiều nhà thầu đã có văn bản làm rõ, đề nghị sửa đổi HSMT vì cho rằng những tiêu chí HSMT đưa ra chỉ có 1 doanh nghiệp đáp ứng, loại đi nhiều doanh nghiệp lớn trên thị trường.
Gói thầu số 01 Bảo hiểm vận chuyển quốc tế và nội địa cho các trang bị, vật tư do Bộ Tham mưu Quân chủng Phòng không không quân làm Bên mời thầu đã đóng thầu ngày 23/9/2023. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Gói thầu số 01 Bảo hiểm vận chuyển quốc tế và nội địa cho các trang bị, vật tư do Bộ Tham mưu Quân chủng Phòng không không quân làm Bên mời thầu đã đóng thầu ngày 23/9/2023. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Cụ thể là tiêu chí “vốn điều lệ tại thời điểm 31/12/2022 ≥ 1.291.282.016.304 đồng” và “tốc độ tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm gốc của từng năm trong 3 năm 2020, 2021, 2022 ≥ 5%”, mới được đánh giá “đạt”. Theo phân tích của các nhà thầu, với tiêu chí vốn điều lệ, có 4 đơn vị bảo hiểm trên thị trường có thể đạt gồm: Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt (2.900 tỷ đồng), Tổng công ty Bảo hiểm PVI (3.300 tỷ đồng), Tổng công ty CP Bảo hiểm Quân đội - MIC (1.644 tỷ đồng), Công ty TNHH Bảo hiểm HD (1.800 tỷ đồng). Tuy nhiên, trong 4 doanh nghiệp này, chỉ còn 1 doanh nghiệp đạt tiêu chí “tốc độ tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm gốc” như HSMT yêu cầu, do Bảo Việt có 2 năm 2020 và 2021 có tốc độ tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm gốc < 5%, PVI năm 2020 < 5%, Bảo hiểm HD mới thành lập tháng 5/2020.

Bên cạnh đó, HSMT yêu cầu “trong trường hợp liên danh, áp dụng đối với thành viên đứng đầu liên danh”. Như vậy, các nhà thầu khác muốn tham gia bắt buộc phải liên danh với doanh nghiệp duy nhất đáp ứng cả 2 tiêu chí trên là MIC.

Nhiều nhà thầu đề nghị phía Chủ đầu tư xem xét và điều chỉnh các tiêu chí trên nhằm mở rộng cho các công ty bảo hiểm có thể tham gia chào thầu cạnh tranh.

Phúc đáp nhà thầu, Bên mời thầu giữ nguyên các tiêu chí trên và khẳng định các tiêu chí đưa ra phù hợp với quy mô, tính chất gói thầu, giá trị hàng hóa được bảo hiểm rất lớn… Tiêu chí này để bảo đảm lựa chọn được nhà thầu đứng đầu liên danh (nếu là liên danh) có uy tín, đáp ứng được tiêu chí về kỹ thuật nêu trong HSMT, có quy trình tổ chức thực hiện bảo hiểm rõ ràng, đáp ứng được phạm vi yêu cầu bảo hiểm, thời gian bảo hiểm và đặc biệt là đủ khả năng tài chính khi có tổn thất xảy ra. Trong trường hợp nhà thầu không đủ năng lực tham gia thì có thể liên danh với nhà thầu khác để đáp ứng tiêu chuẩn về kỹ thuật của HMST.

Tuy nhiên, một nhà thầu cho biết không đồng tình với nội dung trả lời vì nếu liên danh thì chỉ có thể liên danh với MIC mới đáp ứng yêu cầu. Bên mời thầu nói rằng muốn lựa chọn những doanh nghiệp có năng lực tốt, nhưng HSMT lại loại thẳng các đơn vị thuộc nhóm đầu trên thị trường bảo hiểm, nếu không liên danh với MIC.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, một cán bộ của Bên mời thầu cho biết, số vốn điều lệ 1.291.282.016.304 đồng tại HSMT là tính theo “giá trị hàng hóa được bảo hiểm” (860.854.677.536 tỷ đồng) x 1,5 lần. Về tốc độ tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm gốc, qua tham khảo số liệu thị trường, có rất nhiều DN tăng trưởng cao hơn mốc 5%. Khi phóng viên nêu lại phản ánh của nhà thầu là khi kết hợp với tiêu chí 2 tiêu chí trên thì chỉ còn 1 doanh nghiệp đáp ứng, Bên mời thầu nói rằng không biết được hết số liệu tài chính của các doanh nghiệp.

Cán bộ của Bên mời thầu cho biết, thực tế có 2 nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu (HSDT). “Chúng tôi chưa đánh giá HSDT nên chưa biết thông tin tài chính của các nhà thầu ra sao. Nếu lựa chọn được nhà thầu tiết kiệm nhiều cho ngân sách thì rất tốt”, cán bộ này chia sẻ.

Theo biên bản mở thầu, có 2 nhà thầu tham dự là Liên danh PJICO - PTI và Liên danh MIC - PVI với giá dự thầu lần lượt là 3.958.209.808 đồng và 8.001.644.228 đồng.

Theo tìm hiểu, vốn điều lệ của PJICO là 1.108 tỷ đồng còn vốn điều lệ của PTI là 804 tỷ đồng, hiện thấp hơn yêu cầu tại Gói thầu.

Theo một chuyên gia bảo hiểm, việc quy định mức vốn điều lệ như trên là không có cơ sở. Vốn điều lệ cũng không phải tiêu chí then chốt đánh giá năng lực tài chính hiện tại của doanh nghiệp bảo hiểm có khả năng xử lý khi rủi ro xảy ra với gói thầu. Tiêu chí “tốc độ tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm gốc” cũng không phải chỉ tiêu đánh giá năng lực tài chính của doanh nghiệp theo hướng dẫn của Bộ Tài chính. Ví dụ như Bảo Việt, PVI, quy mô doanh thu phí bảo hiểm gốc năm 2020 là lớn nhất thị trường, nhưng tính về tốc độ tăng trưởng so với năm trước đó thì đều < 5% và thấp hơn rất nhiều những doanh nghiệp có quy mô doanh thu phí bảo hiểm gốc chỉ bằng 1/3, 1/4 so với 2 doanh nghiệp này.

Chuyên gia này cũng cho rằng, đối với các tiêu chí liên quan đến vốn, doanh thu, HSMT nên yêu cầu cộng gộp năng lực của các thành viên liên danh, tính theo tỷ lệ tham gia thì mới thể hiện được ý nghĩa của việc liên danh.

Theo một chuyên gia về đấu thầu, việc quy định vốn điều lệ tại HSMT sẽ loại đi nhiều doanh nghiệp. Trong trường hợp năng lực nhà thầu không đủ thì có thể liên danh với nhà thầu khác để dự thầu. Tuy nhiên, nếu 1 bộ HSMT đưa ra mà chỉ có 1 nhà thầu đáp ứng yêu cầu, loại đi những nhà thầu lớn khác, thì HSMT đó đã vi phạm quy định của pháp luật về đấu thầu, gây ra cạnh tranh không bình đẳng. Chủ đầu tư sẽ phải chịu trách nhiệm về việc xây dựng HSMT, cũng như kết quả của quá trình lựa chọn nhà thầu của mình.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư