Gói thầu bảo hiểm của Công ty Điện lực Bình Thuận: Nhà thầu kiến nghị tiêu chí hạn chế cạnh tranh

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Gói thầu Mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc tập trung thuộc Công ty Điện lực Bình Thuận năm 2024 đang vấp phải kiến nghị của một nhà thầu cho rằng, hồ sơ mời thầu (HSMT) đưa tiêu chí được công bố trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia là hành vi hạn chế cạnh tranh đối với gói thầu dịch vụ phi tư vấn.
Gói thầu Mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc tập trung thuộc Công ty Điện lực Bình Thuận năm 2024 đang vấp phải kiến nghị HSMT đưa tiêu chí được công bố là hành vi hạn chế cạnh tranh đối với gói thầu dịch vụ phi tư vấn. Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Gói thầu Mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc tập trung thuộc Công ty Điện lực Bình Thuận năm 2024 đang vấp phải kiến nghị HSMT đưa tiêu chí được công bố là hành vi hạn chế cạnh tranh đối với gói thầu dịch vụ phi tư vấn. Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Cụ thể, tại Mục 3. Tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật có tiêu chí đánh giá năng lực nhà thầu: “Nhà thầu được xếp hạng tín nhiệm theo A.M. Best, Standard & Poor’s hoặc kết quả xếp hạng tương đương của các tổ chức xếp hạng khác tính tới thời điểm đóng thầu”, theo đó nếu không có xếp hạng sẽ bị chấm 0 điểm. Đây là tiêu chí hạn chế cạnh tranh đối với gói thầu dịch vụ phi tư vấn đã được đăng tải trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.

Ngoài ra, theo quan sát của một số nhà thầu khác, tại Mục 3 của HSMT còn đưa ra nhiều tiêu chí khác về năng lực tài chính, kinh nghiệm, như lợi nhuận sau thuế hoạt động kinh doanh bảo hiểm tính từ 1/1/2022 đến 31/12/2022 (≥ 50 tỷ đồng được 6 điểm, từ 8 tỷ đến dưới 50 tỷ đồng được 3 điểm, < 8 tỷ đồng chấm 0 điểm); tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm gốc bình quân trong vòng 3 năm (2020 - 2022) nếu ≥ 7,5% được 5 điểm, từ 5% đến dưới 7,5% được 2 điểm, dưới 5% được 0 điểm; hệ số khả năng thanh toán nợ ngắn hạn trong vòng 3 năm gần đây, nếu hàng năm đều ≥ 1,2 được 3 điểm, có 1 năm < 1,2 chấm 0 điểm; doanh thu phí bảo hiểm gốc ≥ 4.000 tỷ đồng được 7 điểm, từ 1.000 tỷ đồng đến dưới 4.000 tỷ đồng được 4 điểm, < 1.000 tỷ đồng được 1 điểm; số năm nhà thầu thực hiện công tác bảo hiểm phi nhân thọ...

Nhà thầu kiến nghị cho rằng, hiện chỉ có 5 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đã thực hiện xếp hạng quốc tế. Và qua tìm hiểu về số liệu theo báo cáo tài chính công khai của 5 doanh nghiệp này, HSMT đang tạo lợi thế cho 1 doanh nghiệp đạt được mức điểm tối đa đối với các tiêu chí để chấm điểm năng lực nhà thầu.

Ngày 8/12/2022, Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia đã công bố một số hành vi hạn chế cạnh tranh đối với gói thầu dịch vụ phi tư vấn. Trong đó có hành vi: HSMT các gói thầu bảo hiểm đấu thầu rộng rãi trong nước đưa ra yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm như: “Nhà cung cấp bảo hiểm đạt được xếp hạng tài chính ở mức an toàn bởi một trong các tổ chức xếp hạng quốc tế như A.M Best, Standard & Poor’s, Moody’s, Fitch” và coi đây là tiêu chí để loại bỏ nhà thầu nếu không đáp ứng.

Thực tế, HSMT của Công ty Điện lực Bình Thuận không đưa đây là tiêu chí để loại nhà thầu, nhưng khoảng cách sẽ là 6 điểm giữa nhà thầu có xếp hạng từ B++ trở lên và không có xếp hạng. Theo một chuyên gia về bảo hiểm, đây là một tiêu chí không cần thiết để đánh giá khả năng triển khai gói thầu bảo hiểm trong nước. Bên cạnh đó, theo chuyên gia về đấu thầu, với gói thầu phi tư vấn áp dụng chào hàng cạnh tranh, pháp luật hiện hành không yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm, nhà thầu tham dự thầu phải cam kết có đủ năng lực, kinh nghiệm để thực hiện gói thầu (nội dung về cam kết được thực hiện cùng với đơn dự thầu khi nhà thầu nộp HSDT). Với gói thầu nhỏ, pháp luật đã rất tạo điều kiện tăng cạnh tranh, tạo thuận lợi cho nhà thầu tham gia. HSMT lại đưa các tiêu chí về năng lực tài chính, kinh nghiệm như doanh thu, lợi nhuận, vốn chủ sở hữu vào tiêu chuẩn kỹ thuật để đánh giá là chưa phù hợp.

Trước đó, tháng 12/2023, Công ty Điện lực Bình Thuận đã công bố mời thầu Gói thầu Mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc tập trung năm 2024 với dự toán 1.200.863.897 đồng. HSMT gói thầu này cũng có nhiều tiêu chí tương tự tại Tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật. Gói thầu đã phải hủy theo quyết định hủy thầu ngày 4/1/2024 vì không có nhà thầu đáp ứng, dù có cả doanh nghiệp lớn trên thị trường tham gia. Trong đó, Liên danh Tổng công ty CP Bảo hiểm Petrolimex - Tổng công ty Bảo hiểm PVI bị loại vì HSDT không hợp lệ (bảo lãnh dự thầu không hợp lệ); Tổng công ty CP Bảo hiểm Bảo Long, Tổng công ty CP Bảo hiểm Quân đội và Tổng công ty CP Bảo Minh đều không đạt yêu cầu về kỹ thuật.

Phóng viên Báo Đấu thầu đã nhiều lần liên hệ với Công ty Điện lực Bình Thuận trong chiều ngày 10/4/2024 để ghi nhận thêm thông tin, nhưng không có người nghe máy.

Gói thầu Mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc tập trung thuộc Công ty Điện lực Bình Thuận năm 2024 có dự toán 1,141 tỷ đồng, mở thầu ngày 28/3/2024 với 6 nhà thầu tham dự. Trong đó, nhà thầu chào giá thấp nhất là Tổng công ty CP Bảo hiểm quân đội (839.517.282 đồng); tiếp theo là Tổng công ty CP Bảo hiểm Hàng không (839.517.284 đồng); Tổng công ty CP Bảo Minh và Tổng công ty CP Bảo hiểm Bảo Long cùng chào giá 856.450.089 đồng; Tổng công ty CP Bảo hiểm Petrolimex chào giá 858.004.205 đồng; Tổng công ty CP Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội chào giá 1.114.268.395 đồng. Cho đến chiều ngày 10/4/2024, Gói thầu chưa công bố kết quả lựa chọn nhà thầu.

Chuyên đề