Gói thầu 315 tỷ đồng tại Hải Dương: Giải mã giá thấp bất thường của Liên danh Pecom - Ngũ Thường

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Ban Quản lý dự án phát triển tổng hợp các đô thị động lực, TP. Hải Dương sắp hoàn tất lựa chọn nhà thầu Gói thầu HD-PW-05 Xây dựng Nhà máy xử lý nước thải + thiết bị. Một nhà thầu có giá dự thầu 213,393 tỷ đồng (bằng 67,6% giá gói thầu) bị Bên mời thầu đánh giá là thấp bất thường. Trong khi đó, nhà thầu khẳng định, với giá dự thầu trên, nhà thầu vẫn có lãi, giá dự toán của Bên mời thầu rất cao so với các gói thầu tương tự và quy định của Bộ Xây dựng.
Gói thầu HD-PW-05 Xây dựng Nhà máy xử lý nước thải + thiết bị tại TP. Hải Dương có giá dự toán 315,641 tỷ đồng. Ảnh minh họa: Tiên Giang
Gói thầu HD-PW-05 Xây dựng Nhà máy xử lý nước thải + thiết bị tại TP. Hải Dương có giá dự toán 315,641 tỷ đồng. Ảnh minh họa: Tiên Giang

Gói thầu nêu trên sử dụng nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB), do UBND TP. Hải Dương làm Chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án phát triển tổng hợp các đô thị động lực, TP. Hải Dương làm Bên mời thầu. Nhà máy xử lý nước thải có công suất 12.000 m3/ngày đêm với công nghệ bùn hoạt tính (SBR).

Gói thầu được đấu thầu rộng rãi qua mạng, đóng thầu ngày 26/6/2023. Có 4 nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu (HSDT) gồm: Liên danh Công ty CP Bơm châu Âu - Công ty CP Kỹ thuật - Xây dựng Ngũ Thường (Liên danh Pecom - Ngũ Thường, giá dự thầu 213,393 tỷ đồng); Liên danh Công ty TNHH Swater Kankyo - Tổng công ty Xây dựng Bạch Đằng (245,099 tỷ đồng); Công ty CP Xây dựng số 5 (305,997 tỷ đồng); Liên danh Công ty CP Đầu tư và Xây dựng số 18.3 - Công ty TNHH Ecoba công nghệ môi trường (310,417 tỷ đồng).

Theo phản ánh của Liên danh Pecom - Ngũ Thường, trong 3 tháng đánh giá HSDT vừa qua, Bên mời thầu đã 5 lần yêu cầu Nhà thầu giải trình, làm rõ HSDT vì cho rằng giá chào thầu của Nhà thầu thấp bất thường. Với công suất của nhà máy là 12.000 m3/ngày đêm, giá dự thầu của Nhà thầu là 213,393 tỷ đồng, tương đương suất vốn đầu tư là 17,78 triệu đồng/m3. Liên danh khẳng định, giá dự thầu này là hợp lý và cao hơn suất vốn đầu tư theo Quyết định số 610/QĐ-BXD ngày 13/7/2022 và Quyết định số 451/QĐ-BXD ngày 21/4/2015. Với giá dự thầu này, Liên danh hoàn toàn có đủ kinh phí và lợi nhuận để thực hiện tốt Dự án.

Để chứng minh giá dự thầu trên không thấp bất thường, Nhà thầu dẫn chứng, các dự án xử lý nước thải tương tự sử dụng vốn vay của WB, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đều có suất vốn đầu tư thấp hơn suất vốn đầu tư theo giá dự thầu của Nhà thầu tại Gói thầu HD-PW-05.

Cụ thể, giá trúng thầu Gói thầu Xây dựng mở rộng, nâng công suất Nhà máy Xử lý nước thải Nhơn Bình (Quy Nhơn) từ 12.000 m3/ngày lên 28.000 m3/ngày là 168,814 tỷ đồng (trúng thầu năm 2021), tương đương suất vốn đầu tư 10,8 triệu đồng/m3. Tại Dự án Xử lý nước thải TP. Bắc Giang công suất 10.000 m3/ngày, giá trúng thầu Gói thầu xây lắp là 127,604 tỷ đồng, tương đương suất vốn đầu tư 12,7 triệu đồng/m3…

Trong khi đó, theo Nhà thầu, Gói thầu HD-PW-05 xây dựng nhà máy xử lý nước thải công suất 12.000 m3/ngày đêm (không bao gồm các trạm bơm trên tuyến mạng) có giá dự toán 315,641 tỷ đồng, tương đương suất vốn 26,3 triệu đồng/m3 là rất cao so với các gói thầu tương tự đã trúng thầu và suất vốn đầu tư theo quy định của Bộ Xây dựng.

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, một số nhà thầu, nhà đầu tư trong lĩnh vực xử lý nước thải cho biết, suất vốn đầu tư trung bình mỗi m3 của công trình xử lý nước thải sinh hoạt bằng công nghệ bùn hoạt tính ở các tỉnh phía Bắc chỉ tối đa khoảng 20 triệu đồng (đã bao gồm thuế, các loại chi phí dự phòng). Như vậy, với công suất 12.000 m3/ngày đêm thì giá dự toán của công trình chỉ khoảng 240 tỷ đồng.

Một chuyên gia về đầu tư cho biết, theo quyết định mới nhất của Bộ Xây dựng công bố suất vốn đầu tư xây dựng công trình và giá xây dựng tổng hợp bộ phận kết cấu công trình năm 2022 (Quyết định số 510/QĐ-BXD ngày 19/5/2023), suất vốn đầu tư xây dựng công trình xử lý nước thải sinh hoạt bằng công nghệ bùn hoạt tính có công suất thiết kế từ 10.000 - 30.000 m3/ngày là 17,747 - 19,965 triệu đồng/m3 (cao hơn so với các quy định trước). Hải Dương là địa phương được phân vào Vùng 2 (cả nước có 8 vùng) nên hệ số điều chỉnh vùng đối với công trình xử lý nước thải là 0,939. Tổng giá trị thực hiện sẽ xoay quanh suất vốn đầu tư nhân với hệ số vùng rồi nhân với công suất thiết kế của công trình xử lý nước thải. Theo cách tính trên, giá thành đầu tư Nhà máy xử lý nước thải TP. Hải Dương sẽ trong khoảng 199,9 - 224,9 tỷ đồng.

Ngày 27/9/2023, cán bộ của Ban Quản lý dự án phát triển tổng hợp các đô thị động lực, TP. Hải Dương cho biết, Ban đã hoàn tất việc đánh giá HSDT, đã báo cáo WB, đang trình UBND TP. Hải Dương thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu (đã trình nhà thầu trúng thầu dự kiến).

Cán bộ này cho rằng, suất vốn đầu tư công trình xử lý nước thải mà Bộ Xây dựng ban hành là cơ sở để tính tổng mức đầu tư của Dự án. Còn việc lập giá dự toán của Gói thầu dựa trên hồ sơ thiết kế được duyệt. Việc xây dựng Nhà máy xử lý nước thải trên nền địa chất khó khăn, nhà thầu phải san lấp mặt bằng ao sâu 6 - 7 m, yêu cầu phải dùng cọc lớn, chi phí san lấp mặt bằng nhiều nên không thể áp theo suất vốn đầu tư mà Bộ Xây dựng công bố để so sánh với giá dự toán của công trình. Theo quy định của WB, giá dự thầu của nhà thầu nếu thấp hơn 20% giá dự toán thì Bên mời thầu sẽ xem xét và đề nghị nhà thầu làm rõ giá chào thầu thấp bất thường.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư