Gói thầu 164 tỷ đồng tại Bình Chánh (TP.HCM): Sửa tiêu chí nhưng chưa hết khó

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Gói thầu Xây dựng công trình thuộc Dự án Xây dựng cầu Láng Le - Bàu Cò (nối đường Bà Tỵ và đường Thế Lữ), huyện Bình Chánh (TP. HCM) đang trong thời gian phát hành hồ sơ mời thầu (HSMT) nhận được yêu cầu làm rõ và kiến nghị của nhà thầu về việc sửa đổi một số tiêu chí. Sau khi tiếp thu kiến nghị, bên mời thầu (BMT) điều chỉnh nội dung HSMT, nhưng một số tiêu chí có thể gây hạn chế cạnh tranh vẫn được bảo lưu.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Gói thầu có giá 164,776 tỷ đồng, phát hành HSMT từ ngày 2/8 - 21/8/2024, Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư phát triển xây dựng Hoàng Quân là BMT.

Theo kiến nghị, Mục “5.3.2: Yêu cầu về an toàn trong thi công xây dựng đối với người thực hiện các hoạt động xây dựng ở công trường” quy định nhà thầu phải cung cấp >=45 người, trong đó phải đáp ứng tối thiểu: 4 thợ vận hành máy; 15 thợ cầu đường; 4 thợ sắt/thép; 2 thợ hàn/cơ khí; 4 thợ nước; 4 thợ cốt pha/ván khuôn; 2 thợ điện; 1 thuyền trưởng hạng 3 trở lên; 1 máy trưởng hạng 3 trở lên; 6 công nhân điều tiết giao thông thủy. Nhà thầu phải đính kèm bảng danh sách công nhân trực tiếp thực hiện Gói thầu, ghi rõ họ tên, năm sinh, ngành nghề đào tạo và chứng chỉ đào tạo ngành nghề kèm theo, thẻ an toàn lao động…

Nhà thầu nêu quan điểm, theo QCVN 18:2021/BXD Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về An toàn trong thi công xây dựng, việc bảo đảm an toàn trong thi công xây dựng công trình cho người thực hiện các hoạt động xây dựng không liên quan tới số lượng nhân sự. Mặt khác, việc đưa yêu cầu về công nhân/lao động, số lượng người lao động cùng với danh sách cụ thể về họ tên, năm sinh, ngành nghề, chứng chỉ… là không phù hợp, không đúng với quy định tại Thông tư số 06/2024/TT-BKHĐT.

Ngoài ra, HSMT yêu cầu nhà thầu có chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng trong đó có phạm vi hoạt động thi công công tác xây dựng: công trình giao thông (đường bộ); công trình giao thông (cầu đường bộ) hạng III trở lên còn hiệu lực. Đối với nhà thầu liên danh: từng thành viên liên danh phải thỏa mãn yêu cầu này. Nhà thầu cho rằng, mỗi thành viên liên danh chỉ thi công phần việc theo chuyên ngành thế mạnh, phần việc này được quy định rõ trong HSDT. Do đó, việc đưa ra yêu cầu như trên là gây hạn chế cạnh tranh.

Cũng theo nhà thầu, HSMT quy định số lượng thiết bị thi công quá mức cần thiết, yêu cầu cả những thiết bị, máy móc thông thường, dễ huy động như máy trộn bê công, máy cắt uốn thép, đầm dùi, máy hàn…

Liên quan tới hợp đồng xây lắp tương tự, HSMT đưa ra yêu cầu đối với 6 hạng mục: 1 hạng mục có tính chất tương tự với hạng mục A1 cầu đường bộ (có dầm bê tông cốt thép dự ứng lực, mố/trụ, móng cầu được đặt trên cọc khoan nhồi và các hạng mục phụ trợ thi công); 1 hạng mục có tính chất tương tự với hạng mục A2 đường bộ (có mặt đường cấp cao A1 bê tông nhựa, nền được gia cố xử lý bằng cọc xi măng đất, đảm bảo giao thông trong quá trình thi công); 1 hạng mục có tính chất tương tự với hạng mục A3 thoát nước cho đường giao thông (có cống đường kính >=600, cửa xả); 1 hạng mục có tính chất tương tự với hạng mục A4 tường chắn bê tông cốt thép; 1 hạng mục có tính chất tương tự với hạng mục A5 chiếu sáng cho đường bộ; 1 hạng mục có tính chất tương tự với hạng mục A6 đảm bảo điều tiết an toàn giao thông đường thủy.

Nhà thầu cho biết, đây là công trình giao thông, cầu đường bộ cấp III. Việc BMT tách công trình thành 6 hạng mục công việc và bổ sung nhiều hạng mục công việc thông thường để yêu cầu đáp ứng hợp đồng tương tự là hạn chế sự tham gia của nhà thầu.

Phúc đáp nhà thầu, BMT cho biết, đã điều chỉnh yêu cầu về năng lực hoạt động xây dựng. Theo đó, từng thành viên liên danh phải có đủ điều kiện năng lực hoạt động theo quy định của pháp luật chuyên ngành tương ứng với phần công việc đảm nhận trong liên danh… Các nội dung khác không thay đổi so với HSMT được phê duyệt.

Theo chuyên gia đấu thầu, đối với yêu cầu 45 người lao động tại HSMT, hiện pháp luật về đấu thầu không có quy định cụ thể về số lượng ở mục này. Ở một số trường hợp, công nhân/người lao động quyết định đến khả năng thực hiện, tiến độ của gói thầu thì có thể yêu cầu cam kết về số lượng mà nhà thầu cần huy động. Tuy nhiên, việc đưa ra số lượng nhân sự quá nhiều, yêu cầu kê khai cụ thể về danh tính, bằng cấp, chứng chỉ trong giai đoạn dự thầu có thể gây khó khăn cho nhà thầu.

Với tiêu chí về thiết bị, máy móc, Thông tư 06/2024/TT-BKHĐT đã hướng dẫn: “Chỉ quy định về thiết bị thi công chủ yếu đối với các thiết bị quan trọng, đặc chủng, đặc thù bắt buộc phải có để triển khai thi công gói thầu". Như vậy, các thiết bị thi công thông thường không yêu cầu cao về an toàn lao động, thiết bị không yêu cầu kiểm định an toàn lao động, vệ sinh môi trường (máy trộn bê tông, máy khoan, máy mài, máy đầm, máy cắt...) đều là những thiết bị tối thiểu, dễ huy động, không cần thiết phải đưa vào HSMT.

Đối với tiêu chí về hợp đồng xây lắp tương tự, chuyên gia cho rằng, Dự án nêu trên là tổ hợp của 2 loại công trình cầu và đường. Căn cứ theo Mẫu 3A E-HSMT được ban hành kèm theo Thông tư số 06/2024/TT-BKHĐT, đây là các công trình theo quy định của pháp luật xây dựng, do đó cần áp dụng quy định về kinh nghiệm thực hiện hợp đồng trong “trường hợp gói thầu gồm tổ hợp nhiều công trình (ví dụ gồm tổ hợp 3 công trình: A1, A2, A3)”. Việc HSMT tách nhỏ làm 6 hạng mục để áp dụng trong “trường hợp gói thầu chỉ bao gồm các hạng mục công việc A1, A2, A3… (không phải là công trình theo pháp luật xây dựng)” là không chuẩn xác, vị chuyên gia nêu quan điểm.

Chuyên đề