Phối cảnh Nhà ga hành khách CHKQT Long Thành. |
Gói thầu số 4.8 có giá 11.419,944 tỷ đồng, do ACV làm chủ đầu tư, trực tiếp mời thầu. Ngày 12/8/2024, Gói thầu được mở hồ sơ đề xuất về kỹ thuật với sự tham dự của 2 nhà thầu. Trong đó, Liên danh Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn - Công ty CP Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành - Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam - Tổng công ty Xây dựng số 1 - Công ty CP Kỹ thuật công nghiệp Á Châu - Công ty CP Ứng dụng và Phát triển công nghệ thông tin - Công ty CP Phát triển đầu tư xây dựng Việt Nam - Công ty TNHH Đầu tư xây dựng DACINCO - Công ty CP Xây lắp 368 (liên danh 9 thành viên) là nhà thầu duy nhất vượt qua vòng đánh giá kỹ thuật với 861,32 điểm, được mở hồ sơ đề xuất tài chính. Theo biên bản mở thầu, nhà thầu này có giá dự thầu 11.369,973 tỷ đồng. Nhà thầu công bố trong đơn dự thầu thuộc hồ sơ đề xuất tài chính việc giảm giá 0% tại gói thầu này.
Trong khi đó, Liên danh Công ty CP Xây dựng và Lắp máy Trung Nam - Công ty CP Xây dựng hạ tầng Bắc Trung Nam - Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả - Công ty CP LIZEN - Công ty CP Hải Đăng - Công ty TNHH Hòa Hiệp - Tổng công ty Thăng Long bị đánh giá không đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật do tổng điểm kỹ thuật (731,91 điểm) không đáp ứng yêu cầu tối thiểu (800 điểm). Cụ thể, Nhà thầu không đáp ứng yêu cầu về tính hợp lý và khả thi của các giải pháp kỹ thuật với 331,41 điểm, thấp hơn điểm tối thiểu (350 điểm).
Sau khi Bên mời thầu công bố danh sách nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật, liên danh này liên tục có đơn kiến nghị với 2 nội dung chính: chưa đồng thuận với kết quả đánh giá kỹ thuật, khẳng định các giải pháp kỹ thuật mà Liên danh đề xuất hoàn toàn đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời thầu (HSMT); đề nghị Bên mời thầu tạm dừng mở hồ sơ đề xuất tài chính để đánh giá lại, cho phép Liên danh giải trình, thuyết minh căn cứ vào hồ sơ dự thầu (HSDT) đã nộp. Đồng thời cho biết giá dự thầu của Liên danh giảm 1.300 tỷ đồng so với giá gói thầu.
Tiếp theo, Liên danh kiến nghị về việc đảm bảo cạnh tranh trong đấu thầu khi cho rằng tư vấn quản lý dự án và thành viên Liên danh đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật có chung cơ quan chủ quản.
Ngoài ra, Liên danh phản ánh, HSMT yêu cầu kinh nghiệm thực hiện hợp đồng xây lắp tương tự đối với các hạng mục thi công xây dựng hệ thống cấp điện nguồn là công trình đường dây, trạm biến áp cấp IV trở lên có giá trị từ 1.200 tỷ đồng trở lên. Nhưng theo ghi nhận của đại diện Liên danh, cả nước hiện chưa có nhiều dự án đường dây và trạm biến áp có quy mô lớn như yêu cầu của HSMT.
Cụ thể, Dự án trạm biến áp 500kV Trung Nam - Thuận Nam là một trong số ít các dự án có quy mô tương đương. Tại dự án này, Công ty CP Xây dựng và Lắp máy Trung Nam là nhà thầu duy nhất thi công cung cấp và lắp đặt thiết bị cho Dự án nên có đủ cơ sở sử dụng hồ sơ Dự án để chứng minh kinh nghiệm thực hiện hợp đồng xây lắp tương tự. Ngoài ra, chủ đầu tư dự án hạ tầng điện trên chưa ban hành văn bản chấp thuận về việc sử dụng nhà thầu phụ nào khác. Do đó, nếu có một nhà thầu khác sử dụng hồ sơ dự án điện trên để chứng minh kinh nghiệm thực hiện hợp đồng tương tự theo yêu cầu của HSMT thì cần xem lại tính phù hợp của nhà thầu này.
Tính đến trước ngày mở hồ sơ đề xuất tài chính Gói thầu 4.8, Nhà thầu kiến nghị vẫn bảo lưu quan điểm và cho rằng các nội dung kiến nghị cần được trả lời thấu đáo, chính xác thông qua 2 văn bản khẩn gửi ACV (ngày 7/10/2024) về việc xác định tính pháp lý của hợp đồng tương tự hạng mục thi công xây dựng hệ thống cấp điện nguồn. Cùng ngày 7/10/2024, ACV có văn bản phúc đáp. Chủ đầu tư và Bên mời thầu khẳng định đã đủ cơ sở đánh giá năng lực, kinh nghiệm của các nhà thầu tham gia dự thầu đáp ứng các tiêu chí của HSMT. Tại Công văn phúc đáp ngày 7/10/2024, một lần nữa, Chủ đầu tư khẳng định Bên mời thầu, Tổ chuyên gia đã đánh giá HSDT của các nhà thầu tham dự một cách kỹ lưỡng, khách quan, công bằng, tuân thủ các tiêu chí trong HSMT và quy định pháp luật, phản ánh đúng thực chất của HSDT.