Gỡ vướng trong đấu thầu mua thuốc

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Hiện còn không ít địa phương, cơ sở y tế băn khoăn vì không tìm được đơn vị tư vấn thẩm định giá, không biết lựa chọn mức giá trung bình, cao nhất hay thấp nhất trong báo giá để lập giá gói thầu, hay lúng túng với gói thầu có giá trị lớn, nhiều mặt hàng… Theo ông Hoàng Cương, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính thuộc Bộ Y tế, những vướng mắc này chủ yếu ở khâu tổ chức thực hiện vì pháp luật về đấu thầu hiện hành đã trao quyền chủ động cho các chủ đầu tư.
Theo quy định pháp luật về đấu thầu, có nhiều cách để lập giá gói thầu mua sắm thuốc. Ảnh minh họa: Lê Tiên
Theo quy định pháp luật về đấu thầu, có nhiều cách để lập giá gói thầu mua sắm thuốc. Ảnh minh họa: Lê Tiên

Phân chia gói thầu phù hợp với nhu cầu thực tế

Gần đây, nhiều địa phương, đơn vị trong ngành y tế phản ánh gặp khó khăn trong tổ chức lựa chọn nhà thầu cho những gói thầu lớn với hàng trăm mặt hàng tương ứng với các phần/lô.

Tại Hội nghị tập huấn về đấu thầu mua sắm với trên 200 điểm cầu trực tuyến trên toàn quốc ngày 17/10, đại diện Khoa Dược Bệnh viện Nhi Trung ương cho rằng, vì gói thầu quá lớn nên các nhà thầu có hợp đồng nhỏ lẻ không thể đáp ứng về giá trị hợp đồng tương tự. Bệnh viện Phụ sản Hà Nội thì cho rằng, vì gói thầu có hàng trăm mặt hàng nên thời gian lựa chọn nhà thầu kéo dài, không đáp ứng kịp thời nhu cầu khám chữa bệnh.

Theo ông Hoàng Cương, những khó khăn này chủ yếu là do kỹ thuật tổ chức thực hiện. Để khắc phục, trước khi triển khai gói thầu mua thuốc, chủ đầu tư cần tiến hành khảo sát sơ bộ thị trường, năng lực của các nhà thầu, từ đó phân chia gói thầu cho phù hợp. Ví dụ, thay vì một gói thầu 200 tỷ đồng chỉ có một nhà thầu đáp ứng, thì có thể chia thành nhiều gói thầu để có nhiều nhà thầu tham dự.

Tương tự, đối với những mặt hàng thuốc cần sử dụng trước thì có thể tách ra thành một gói thầu riêng để tổ chức đấu thầu trước, thay vì chờ đợi đánh giá xong lần lượt hàng trăm mặt hàng. Hoặc cùng một mặt hàng thuốc, thay vì gom chung trong một gói thầu với số lượng 3 triệu viên thì có thể chia thành 2 - 3 gói thầu, mỗi gói thầu 1 - 1,5 triệu viên…

Nhiều cách thức lập giá gói thầu

Theo ông Hoàng Cương, trước đây, các cơ sở y tế thường đẩy trách nhiệm cho tư vấn thẩm định nên ưa chuộng phương pháp thẩm định giá theo quy định tại Thông tư số 58/2016/TT-BTC, Thông tư số 68/2022/TT-BTC. Tuy nhiên, một số đơn vị tư vấn làm sai đã phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và chủ đầu tư là người ký vào văn bản phê duyệt kết quả thẩm định giá nên cũng không thể đứng ngoài cuộc. Khi hàng loạt đơn vị tư vấn thẩm định giá sai phạm bị phát hiện, rơi vào vòng lao lý thì gần như kênh thẩm định giá không thể thực hiện được.

Theo đại diện Vụ Kế hoạch - Tài chính thuộc Bộ Y tế, thẩm định giá chỉ là một kênh thông tin để tham khảo. Để lập giá gói thầu, theo quy định pháp luật về đấu thầu, có nhiều cách tham khảo như báo giá, giá trúng thầu được cập nhật thường xuyên trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia…, tạo sự chủ động hơn trong việc tổ chức mua sắm.

Liên quan đến lấy báo giá, quy định của Luật Đấu thầu năm 2023 có sự khác biệt lớn so với Luật Đấu thầu năm 2013. Thay vì quy định phải có 3 báo giá, pháp luật về đấu thầu hiện nay cho phép chủ đầu tư có thể lấy 1 báo giá, trong trường hợp có nhiều hơn 1 báo giá thì chủ đầu tư dựa vào yêu cầu chuyên môn và khả năng tài chính của đơn vị để lựa chọn báo giá phù hợp để xác định giá gói thầu.

Tuy nhiên, trong khi nhiều chủ đầu tư tổ chức lấy báo giá công khai, minh bạch, đăng tải thông báo mời báo giá trên cả website của đơn vị và trên Báo Đấu thầu, thì một số đơn vị thông báo mời báo giá trên website của đơn vị để chụp màn hình lưu hồ sơ rồi gỡ, khi các nhà thầu tìm kiếm thì không còn thấy thông báo mời báo giá đó…

“Giá gói thầu, giá dự toán chỉ là dự trù kinh phí, hiệu quả đấu thầu phụ thuộc nhiều vào quy trình mua sắm, lựa chọn nhà thầu có đảm bảo tính cạnh tranh, có hạn chế nhà thầu hay không…”, ông Cương nhấn mạnh.

Thực tế, vẫn có không ít chủ đầu tư/bên mời thầu cài cắm điều kiện trong hồ sơ mời thầu dẫn đến hạn chế cạnh tranh. Chẳng hạn, yêu cầu nhà thầu phải có đủ các bản cam kết về kỹ thuật, chất lượng, tiến độ giao hàng…, nếu thiếu một bản cam kết thì sẽ bị loại. Trong khi đó, các yêu cầu ràng buộc trách nhiệm thực hiện hợp đồng của nhà thầu đã được nhà thầu cam kết trong đơn dự thầu, bao gồm cả về kỹ thuật, chất lượng, tiến độ giao hàng…

Hiện nay, nhiều địa phương đã chủ động thành lập các tổ giám sát hoạt động đấu thầu để phòng chống tiêu cực, tham nhũng. Đơn cử, Sở Y tế TP.HCM được giao giám sát hoạt động đấu thầu tại 3 gói thầu thuộc Dự toán Mua sắm thuốc năm 2024 - 2025 (lần 3) hơn 548,606 tỷ đồng do Bệnh viện Lê Văn Thịnh làm chủ đầu tư; Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Tuyên Quang được giao giám sát hoạt động đấu thầu 2 gói thầu thuộc Dự toán Mua thuốc năm 2024 - 2026 (24 tháng) cho các cơ sở y tế công lập trên địa bàn (625,177 tỷ đồng) do Sở Y tế tỉnh Tuyên Quang làm chủ đầu tư…

Chuyên đề