Bộ Y tế được giao kiểm tra, có các giải pháp bảo đảm cung ứng đầy đủ thuốc, vật tư y tế cho công tác khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Ảnh: Tường Lâm |
Trước đó, Văn phòng Chính phủ đã có Báo cáo số 2195/BC-VPCP ngày 9/6/2024 nêu, nhiều bệnh nhân đang nằm điều trị tại bệnh viện công lập của tỉnh Bình Dương phản ánh với báo chí về tình trạng bệnh nhân có bảo hiểm y tế nhưng vẫn phải ra ngoài mua vật tư y tế hoặc thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương Nguyễn Hồng Chương cũng thừa nhận, trong thời gian qua đã xảy ra trường hợp thiếu thuốc, vật tư y tế, không chỉ tại Bệnh viện Đa khoa Tỉnh mà còn ở các cơ sở y tế công lập khác. Việc thiếu một vài thuốc cục bộ có thể xảy ra do các đơn vị hết số lượng thuốc trúng thầu, hoặc do đứt chuỗi cung ứng nên nhà thầu không cung cấp đủ thuốc. Tình trạng thiếu hóa chất xét nghiệm, vật tư y tế chủ yếu xảy ra ở Bệnh viện Đa khoa Tỉnh.
Theo đại diện Sở Y tế Bình Dương, nguyên nhân là do thời gian để các cơ sở y tế tổ chức đấu thầu vật tư, sinh phẩm y tế thường mất khoảng 4 - 6 tháng. Trong khi đó, thời gian qua, các văn bản hướng dẫn như nghị định, thông tư liên tục thay đổi về cơ chế đấu thầu mua sắm vật tư, sinh phẩm, nên các đơn vị cần thời gian để thực hiện từng bước theo quy định với nhiều thủ tục mới, dẫn đến chậm. Bình Dương là một trong các tỉnh đấu thầu được thuốc sớm nhất theo thông tư mới.