Ảnh minh họa. Nguồn: Internet |
Trao đổi về một số khó khăn còn vướng mắc trong quá trình hoàn thiện dự thảo Nghị định, đại diện BHXH Việt Nam cho biết, sau khi Luật BHXH (sửa đổi) được Quốc hội thông qua, để kịp thời chuẩn bị nhân lực thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành khi Luật có hiệu lực vào ngày 1/1/2016, trong năm 2015, BHXH Việt Nam đã chủ động phối hợp với Thanh tra Chính phủ tiến hành đào tạo và cấp chứng chỉ thanh tra cho trên 500 cán bộ. Tuy nhiên, dự thảo Nghị định lại quy định thanh tra BHXH phải có chứng chỉ thanh tra chuyên ngành do Bộ LĐ-TB&XH cấp. Để tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho việc chuẩn bị nhân lực thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành BHXH, và không lãng phí hơn 500 cán bộ thanh tra nói trên, BHXH Việt Nam đề nghị Bộ LĐ-TB&XH thống nhất lại điều khoản này.
Tình trạng nợ đọng, trốn đóng BHXH đã xảy ra từ nhiều năm nay, không chỉ làm thiệt hại đối với Quỹ BHXH mà còn tác động đến quyền lợi của người lao động. Năm 2015, tình hình nợ BHXH bắt buộc là 5.692 tỷ đồng, bằng 3,78% tổng số phải thu, giảm 1,04% so với năm 2014, tương ứng với số nợ giảm 936 tỷ đồng. Nợ BH thất nghiệp là 315 tỷ đồng, bằng 3,06% tổng số phải thu, giảm 1,27% so với năm 2014, tương ứng với số nợ giảm 228 tỷ đồng so với năm 2014. Cụ thể, nợ BHXH nhiều nhất là khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh với số nợ lên tới 3.566 tỷ đồng, chiếm 62% so với tổng số nợ BHXH, đứng thứ hai là khối doanh nghiệp nhà nước với số nợ BHXH 819,4 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 14,3% so với tổng số nợ BHXH, bảo hiểm còn lại thuộc các khối thành phần khác. Đó còn chưa kể nợ quá hạn đối với các khoản cho vay đầu tư từ quỹ kết dư, đơn cử theo kết quả kiểm toán, đến 31/12/2011, Công ty Cho thuê tài chính II còn nợ BHXH Việt Nam số nợ gốc 787,5 tỷ đồng và nợ lãi 264,6 tỷ đồng...
Lâu nay, Bộ LĐ-TB&XH là cơ quan quản lý nhà nước về BHXH, BH thất nghiệp, có chức năng thanh tra. Tuy nhiên, những mảng, lĩnh vực Bộ LĐ-TB&XH quản lý quá rộng, còn nhân lực thanh tra lao động lại mỏng. Về phía cơ quan BHXH, tuy là đơn vị thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp nhưng không có chức năng thanh tra mà chỉ được kiểm tra. Do đó, trong thời gian qua, tỷ lệ các cuộc thanh tra về BHXH rất thấp, kết quả chưa được như mong muốn.
Chính vì vậy, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật BHXH (sửa đổi), trong đó tại Khoản 3, Điều 13 quy định: “Cơ quan BHXH thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BH thất nghiệp, BHYT theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan”.