Một số phiên đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường tại miền Trung có giá trúng đấu giá gấp hàng nghìn lần giá khởi điểm. Ảnh minh họa: Nhã Chi |
Những bước giá… phi nước đại
Tháng 5/2024, Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản Thanh Hóa công bố kết quả đấu giá mỏ cát 160D tại huyện Quan Hóa. Mỏ cát được đưa ra đấu giá có diện tích khảo sát 9,56 ha, tài nguyên dự báo 49.399 m3, giá khởi điểm 500 triệu đồng, giá trúng đấu giá của Công ty TNHH Xây dựng Nam Sông Mã là 500 tỷ đồng, cao gấp 1.000 lần giá khởi điểm. Với giá trúng đấu giá nêu trên, giá thành 1 m3 cát chưa bao gồm các chi phí khác là 10,158 triệu đồng.
Tại Quảng Nam, cuối tháng 10 vừa qua, thị xã Điện Bàn tổ chức đấu giá điểm mỏ ĐB2B, diện tích 6,04 ha, tài nguyên dự kiến 159.000 m3 cát. Cuộc đấu giá kéo dài từ 8h sáng hôm trước đến 4h sáng hôm sau mới kết thúc. Sau 20 tiếng với 200 vòng đấu, kết quả “chốt hạ” Công ty CP MT Quảng Đà trúng đấu giá với giá hơn 370,5 tỷ đồng, tăng tới 1.534,6% so với giá khởi điểm (1,4 tỷ đồng). Theo một số chuyên gia, mức giá trúng cao chót vót đó tương ứng khoảng 2,3 triệu đồng/m3 cát.
Tiếp bước Thanh Hóa, Quảng Nam, cuối tháng 10/2024, Hà Tĩnh tổ chức phiên đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường đợt 1, mỏ cát khu vực Cụp Bàu, diện tích khảo sát 49,68 ha, tài nguyên dự báo gần 2.000 m3 tại phường Kỳ Phương (thị xã Kỳ Anh). Có 16/20 hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá hợp lệ. Kết quả, Công ty Trọng Tín trúng đấu giá 134,152 tỷ đồng, gấp 15 lần giá khởi điểm (9,5 tỷ đồng).
Rà soát và… hủy kết quả
Sau khi có kết quả đấu giá mỏ cát 160D tại huyện Quan Hóa, UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo Sở Tư pháp, Công an Tỉnh và Thanh tra Tỉnh vào cuộc làm rõ động cơ, mục đích; tính khả thi khi thực hiện dự án; đánh giá ảnh hưởng, tác động sâu rộng của kết quả trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản nêu trên đến an ninh kinh tế, trật tự xã hội trên địa bàn...
Theo báo cáo từ cơ quan chức năng, Công ty TNHH Xây dựng Nam Sông Mã đưa ra mức giá đấu cao là do chưa có kinh nghiệm và nhận thức đầy đủ trong việc tính giá tiền theo hệ số R. Theo đó, Nam Sông Mã nhầm lẫn trong khâu bấm trả giá hệ số R nên đã nhảy lên số 5.016,3%. Ngoài ra, hồ sơ doanh nghiệp thể hiện năng lực tài chính của Nam Sông Mã không khả thi để thực hiện dự án. Rốt cục, lãnh đạo UBND tỉnh Thanh Hóa đã quyết định hủy kết quả đấu giá quyền khai thác khoáng sản tại mỏ cát này.
Tương tự, đối với việc “nhảy số” đấu giá mỏ cát tại Quảng Nam, sau khi kết thúc phiên đấu giá, ông Lê Văn Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo, yêu cầu các Sở Tài nguyên và Môi trường, Tư pháp, Xây dựng, Tài chính, Công an tỉnh và UBND thị xã Điện Bàn kiểm tra dấu hiệu bất thường. Trong đó, ông Dũng yêu cầu cơ quan chức năng kiểm tra các vấn đề về năng lực tài chính, vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp tham gia đấu giá và những bất cập trong việc thực hiện quy trình, thủ tục đấu giá quyền khai thác khoáng sản trên địa bàn. Trong thời gian chờ các ngành chức năng kiểm tra, xử lý, UBND thị xã Điện Bàn tạm thời chưa ban hành quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản tại điểm mỏ ĐB2B.
Theo luật sư Phạm Ngọc Hải, Đoàn luật sư TP. Đà Nẵng, tại điểm c khoản 2 Điều 53 Luật Khoáng sản 2010 sửa đổi năm 2018 quy định, tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép khai thác khoáng sản phải có vốn chủ sở hữu ít nhất bằng 30% tổng số vốn đầu tư của dự án đầu tư khai thác khoáng sản. Nếu vốn chủ sở hữu của MT Quảng Đà chỉ 100 tỷ đồng, tương đương vốn điều lệ thì ở thời điểm hiện tại, MT Quảng Đà chưa đủ điều kiện để được cấp phép khai thác mỏ cát được trả giá 370 tỷ đồng này.
Với phiên đấu giá tại Hà Tĩnh, sau khi rà soát kết quả đấu giá, ông Võ Trọng Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh ký văn bản hỏa tốc gửi Công an Tỉnh, Thanh tra Tỉnh, Sở Tư pháp, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính… yêu cầu tạm thời chưa ra quyết định công nhận kết quả, mà rà soát, kiểm tra việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản, báo cáo tham mưu hướng xử lý.
Theo một số chuyên gia, việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nhằm tạo nguồn cung cho các dự án phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, giảm hiện tượng khai thác khoáng sản trái phép ở một số địa phương. Tuy nhiên, hiện tượng các mỏ khoáng sản cát, đất được đưa ra đấu giá gần đây bị đẩy giá lên hàng trăm, hàng nghìn lần là một diễn biến bất thường. Có nhiều nguyên nhân được chỉ ra, nhưng đáng lo ngại nhất là giá khởi điểm quá thấp so với mặt bằng giá thị trường, doanh nghiệp tham gia đấu giá “bắt tay nhau” đẩy giá cao, sau đó bỏ cọc. Giá trúng đấu giá được đẩy lên cao sẽ tạo mặt bằng giá mới chi phối giá thị trường tại địa phương, khu vực, gây nhiều hệ lụy.
Để cuộc đấu giá thực sự công bằng, minh bạch và tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước, chuyên gia đấu giá cho rằng, cần quy định chặt chẽ và cụ thể phương pháp xác định giá khởi điểm để đảm bảo giá này phản ánh đúng giá trị thị trường; bổ sung quy định đánh giá năng lực của các doanh nghiệp tham gia đấu giá... Đặc biệt, cần xây dựng chế tài nghiêm khắc đối với các hành vi bắt tay thao túng giá, gian lận, để buộc các chủ thể phải tự ý thức thực hiện nghiêm, làm đúng quy định khi tham gia đấu giá.