Ngành giao thông vận tải vẫn đang còn tồn nợ trên 20.000 tỷ đồng và sẽ phải giải quyết tiếp ở nhiều nhiệm kỳ tới. Ảnh: Tường Lâm |
Do đó, việc phân bổ dự phòng chung ở thời điểm hiện nay là cần thiết, góp phần khắc phục tình trạng giải ngân chậm.
Đồng thuận một số phương án phân bổ của Chính phủ
Theo phương án phân bổ, sử dụng nguồn dự phòng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, nhiều đại biểu bày tỏ ủng hộ phương án của Chính phủ trong việc đề xuất sử dụng 10.000 tỷ đồng cho phòng, chống sạt lở, lũ, lụt... và bố trí một phần để thanh toán nợ giải phóng mặt bằng của Dự án cao tốc Hải Phòng - Hà Nội.
Đại biểu Bùi Văn Xuyển (Thái Bình) cho biết, Dự án cao tốc Hải Phòng - Hà Nội là một trong những dự án trọng điểm quốc gia, có cam kết rõ của Chính phủ trả nợ trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020. Nếu để kéo dài nữa, chắc chắn doanh nghiệp sẽ khó khăn và Chính phủ cũng phải trả số nợ ngày càng lớn.
Đồng thuận với quan điểm bố trí trả nợ cho Dự án cao tốc Hải Phòng - Hà Nội nhưng đại biểu Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) cho rằng, nên dành 8.000 tỷ đồng cho xử lý lũ lụt, đáp ứng nhu cầu cấp bách và dùng 2.000 tỷ đồng để trả nợ cho Dự án cao tốc Hải Phòng - Hà Nội, số còn lại cân đối bằng nguồn khác. Các đại biểu đều nhấn mạnh quan điểm, sử dụng vốn dự phòng chung phải đảm bảo theo nguyên tắc của Nghị quyết số 71/2018/QH14 điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 và Luật Đầu tư công.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) có một góc nhìn khác về nguồn vốn cho đầu tư: thực tế giải ngân từ nguồn trái phiếu chính phủ hiện mới chỉ chiếm khoảng 50% trong khi các dự án đã được phân bổ vốn rõ ràng. Do đó, Chính phủ cần tiếp tục rà soát để lấy vốn của dự án chậm chuyển cho dự án có khả năng triển khai được, như vậy sẽ hiệu quả trong vấn đề sử dụng nguồn vốn và đỡ lo tình hình cân đối ngân sách.
Giải trình thêm về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, hiện chưa thể rà soát để chỉ ra được dự án nào còn thừa bao nhiêu tiền tại thời điểm hiện tại vì các dự án còn hơn 1 năm nữa để thực hiện theo kế hoạch vốn. Do vậy, ở thời điểm năm thứ 4 của kế hoạch và dự án vẫn đang triển khai thì không thể bóc tách chính xác dự án nào phải dừng, dự án nào không triển khai được. “Thời điểm phù hợp nhất là cuối năm nay chúng ta có thể căn cứ điều kiện thực tế của từng dự án và xác định được nguồn là bao nhiêu, khi đó mới phân bổ, dự kiến được theo khả năng nguồn lực thực tế”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Chuẩn bị tốt dự án để giải ngân ngay
Giải trình, làm rõ về việc phân bổ, sử dụng nguồn dự phòng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Chính phủ thống nhất cao với mục tiêu kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được Quốc hội phê duyệt được thực hiện, thực thi một cách hiệu quả và đạt được các yêu cầu của đầu tư công trong giai đoạn này, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng và phát triển của đất nước...
Tuy nhiên, giai đoạn vừa qua, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, kế hoạch đầu tư công trung hạn chỉ tập trung giải quyết các vấn đề tồn tại trước đây. Trong 9.600 dự án mà chúng ta triển khai ở kế hoạch đầu tư năm nay thì 8.000 dự án là chuyển tiếp. Chúng ta chỉ khởi công mới 400 dự án, còn lại là trả nợ và thanh toán.
Tính riêng ngành giao thông, nhiệm kỳ vừa rồi, ngân sách nhà nước đã phải “thắt lưng buộc bụng”, tập trung vào trả nợ, tập trung vào các dự án chuyển tiếp và hạn chế tối đa các dự án khởi công mới. Mặc dù vậy, ngành giao thông vẫn đang còn tồn nợ trên 20.000 tỷ đồng và sẽ còn phải giải quyết tiếp ở nhiều nhiệm kỳ tới; nhu cầu thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản cũng đang còn rất lớn.
Trong khi đó, các bộ, ngành, địa phương lại cần nhiều nguồn lực cho các vấn đề bức xúc như giao thông, hạ tầng xã hội, ứng phó với biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường… Vấn đề đặt ra là giải quyết được những phát sinh cho yêu cầu phát triển của các vùng, địa phương nhưng vẫn đảm bảo được các cân đối của nền kinh tế.
Đặt vấn đề như vậy, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, việc phân bổ dự phòng chung ở thời điểm hiện nay là cần thiết, là bước dự kiến trước kế hoạch vốn để triển khai thực hiện các thủ tục đầu tư, đến khi có nguồn lực là có thể phân bổ ngay và giải ngân ngay. Như vậy sẽ tránh được tình trạng giải ngân chậm diễn ra trong nhiều năm qua.