Giảm thủ tục, thời gian chỉ định thầu trường hợp cấp bách

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nhằm giảm bớt thủ tục, rút ngắn thời gian thực hiện chỉ định thầu đối với các trường hợp cấp bách, Điều 78 Nghị định số 24/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu đã quy định các trường hợp thuộc điểm a, b và c Khoản 1 Điều 23 của Luật Đấu thầu được lựa chọn nhà thầu (LCNT) theo quy trình chỉ định thầu rút gọn và không phải phê duyệt trong kế hoạch LCNT.
Thời gian là yếu tố quan trọng đối với các công trình khắc phục sạt lở bờ sông
Thời gian là yếu tố quan trọng đối với các công trình khắc phục sạt lở bờ sông

Theo đó, có 3 trường hợp được áp dụng quy trình chỉ định thầu rút gọn và không cần phê duyệt kế hoạch LCNT. Thứ nhất là gói thầu cấp bách cần triển khai nhằm mục tiêu bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia; gói thầu cần thực hiện để khắc phục ngay hoặc để xử lý kịp thời hậu quả do thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ, sự cố, thảm họa hoặc sự kiện bất khả kháng khác.

Thứ hai là gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, phi tư vấn, hàng hóa, xây lắp cần triển khai ngay để tránh gây nguy hại đến tính mạng và tài sản của cộng đồng dân cư trên địa bàn hoặc để không ảnh hưởng nghiêm trọng đến công trình liền kề.

Cuối cùng là gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, phi tư vấn, thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế, linh kiện, phụ kiện, phương tiện, xây lắp cần triển khai ngay để phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh hoặc duy trì hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp cấp bách; gói thầu mua thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế, linh kiện, phụ kiện để cấp cứu người bệnh trong tình trạng cấp cứu theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không có đủ thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế, linh kiện, phụ kiện; gói thầu mua thuốc, thiết bị y tế chỉ có duy nhất một hãng sản xuất trên thị trường.

Khi áp dụng quy trình chỉ định thầu rút gọn, nhà thầu được giao thực hiện ngay gói thầu và trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày bắt đầu thực hiện gói thầu, các bên mới phải hoàn thiện thủ tục chỉ định thầu (như thương thảo hợp đồng, phê duyệt kết quả chỉ định thầu, ký kết hợp đồng, công khai kết quả chỉ định thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia…). Điều này sẽ giảm bớt thủ tục, rút ngắn thời gian thực hiện chỉ định thầu đối với các trường hợp cấp bách.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Luật Đấu thầu 2023 và Nghị định số 24/2024/NĐ-CP đều có những quy định cụ thể về điều kiện chỉ định thầu và chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm trong việc chỉ định thầu bảo đảm minh bạch, hiệu quả, trách nhiệm giải trình, nên không cần thiết phải thực hiện thủ tục phê duyệt kế hoạch LCNT đối với các trường hợp cấp bách.

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, lãnh đạo Công ty CP Tập đoàn Phú Tài Miền Trung chia sẻ, đối với các công trình khắc phục sạt lở bờ sông, nếu triển khai công trình muộn sau khi xảy ra hiện tượng sạt lở thì đều gây sạt lở trên diện rộng, phải mất rất nhiều tiền của và công sức mới khắc phục được hậu quả. Tại miền Tây, do đặc thù thủy triều lên xuống, đất pha cát dễ ngấm nước, khi sạt lở xảy ra thì hay sạt trượt dây chuyền trong thời gian rất ngắn, nếu không kịp thời ép cọc phía ngoài bờ sông (kè chống sạt lở) thì khi xảy ra sạt lở dây chuyền, trong ruột công trình đường bộ cạnh bờ sông, nhà cửa người dân gần sông dễ xảy ra hiện tượng đất chuyển bên trong giống như động đất, lở và trôi xuống lòng sông. Việc giảm bớt thủ tục, rút ngắn thời gian thực hiện chỉ định thầu đối với các trường hợp cấp bách sẽ “cứu” các công trình có nguy cơ bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ việc sạt lở bờ sông, bảo vệ tính mạng của người dân sử dụng công trình lân cận, giúp tiết kiệm ngân sách nhà nước trong việc sửa chữa, khắc phục sự cố thiên tai.

Đối với ngành y tế, ông Lê Đình Cường, Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết, đối với các trường hợp cấp bách trong y tế do khách quan mang lại (dịch bệnh đột xuất, khó lường…) phải mua thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế, linh kiện, phụ kiện, phương tiện phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh thì việc không phải phê duyệt kế hoạch LCNT sẽ giảm được thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian và tạo thuận lợi cho các đơn vị thực hiện, góp phần bảo vệ kịp thời sức khỏe và tính mạng của con người. Tuy nhiên, để tránh tình trạng thiếu thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế…, các bệnh viện nên chủ động lập kế hoạch về nhu cầu mua sắm sát với thực tiễn để có lộ trình tổ chức đấu thầu bài bản theo định kỳ và phải có dự phòng nguồn cung, không nên trông chờ vào cơ chế chỉ định thầu cấp bách hoặc cạn kiệt nguồn cung mới tổ chức đấu thầu thì sẽ khó chủ động trong việc khám và chữa bệnh.

Theo ông Trần Mai Phong, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn xây dựng và Thương mại Xuân Hợp, quy định mới về việc không phải lập, phê duyệt kế hoạch LCNT đối với gói thầu cấp bách rất thiết thực với những công việc thực sự cần kíp và phải LCNT để làm ngay, giảm thiểu hậu quả và thiệt hại phát sinh khó lường nếu triển khai chậm trễ. Chủ đầu tư nên công tâm lựa chọn và chịu trách nhiệm về việc lựa chọn nhà thầu có đủ năng lực, kinh nghiệm để thực hiện gói thầu, đảm bảo hiệu quả và ý nghĩa của chính sách pháp luật về đấu thầu đối với các trường hợp chỉ định thầu cấp bách.

Chuyên đề