Giải pháp nào để thu hồi tài sản sau thi hành án?

(BĐT) - Có một thực tế hiện nay là quá trình thi hành án dân sự gặp nhiều khó khăn, số lượng tài sản thu hồi được chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với con số phải thi hành án. Xoay quanh câu chuyện này, phóng viên Báo Đấu thầu đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Thế Truyền, Giám đốc Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh.
Còn hơn 88 tỷ đồng khó thi hành trong vụ án Tổng công ty Hàng hải Việt Nam. Ảnh: Gia Khoa
Còn hơn 88 tỷ đồng khó thi hành trong vụ án Tổng công ty Hàng hải Việt Nam. Ảnh: Gia Khoa

Ông đánh giá thế nào về thực trạng thu hồi tài sản sau khi thi hành các vụ án dân sự thời gian qua, nhất là các vụ án tham nhũng?

Thời gian qua, cùng với những nỗ lực của Đảng và Chính phủ trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, nhiều vụ án kinh tế trọng điểm được đưa ra xét xử. Thực tế cho thấy, thiệt hại trong các vụ án tham nhũng lên tới hàng nghìn tỷ đồng nhưng số thu hồi được cho Nhà nước chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Đơn cử, theo bản án của Cục Thi hành án dân sự Hà Nội, số tiền phải thu hồi từ tài sản tham nhũng trong vụ án Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) của Dương Chí Dũng, nguyên Chủ tịch HĐQT Vinalines là 110 tỷ đồng do phạm 2 tội là "tham ô" và "cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng". Thế nhưng đến nay mới chỉ thi hành được trên 21 tỷ đồng, khoản còn lại hơn 88 tỷ đồng sẽ khó thi hành vì qua xác minh của Cục Thi hành án dân sự, Dương Chí Dũng không còn tài sản nào khác nên đã ra quyết định chưa có điều kiện thi hành án với khoản tiền trên.

Và mới đây, chiều 26/6/2018, sau 2 ngày nghị án, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã đưa ra phán quyết đối với ông Đinh La Thăng (nguyên Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) ngoài mức án 18 năm tù, còn phải bồi thường 600 tỷ đồng. Dư luận cho rằng, số tiền bồi thường 600 tỷ đồng này là rất khó thu hồi vì đến thời điểm hiện tại, cơ quan tố tụng chưa có động thái kê biên, phong tỏa tài sản của ông Thăng.

Giải pháp nào để thu hồi tài sản sau thi hành án? ảnh 1
Luật sư Nguyễn Thế Truyền
Theo ông, nguyên nhân nào khiến cho việc thu hồi tài sản sau thi hành án gặp khó khăn?

Theo tôi, nguyên nhân đầu tiên là do các đối tượng trong các vụ án tham nhũng thường tìm mọi cách để tẩu tán, che giấu, hợp lý hóa tài sản từ trước khi vụ việc được đưa ra xét xử. Trong khi đó, cơ quan thi hành án dân sự chỉ có thể căn cứ vào tình trạng pháp lý hiện hành của tài sản để xử lý mà không có thẩm quyền điều tra, chứng minh nguồn gốc tài sản do phạm tội mà có.

Hiện nay, việc kê khai tài sản, công khai thu nhập của các đối tượng nằm trong diện phải kê khai còn quá hình thức, gần như là kê khai tài sản xong rồi để đấy mà không ai xác minh điều đó đúng hay sai. Trên thực tế, khi đưa ra xét xử các vụ việc, một số trường hợp không có tài sản, tiền, thu nhập để thi hành án hoặc gia đình, người thân không có khả năng hỗ trợ thi hành án. 

Ông có đề xuất gì để tăng cường việc thu hồi tài sản sau thi hành án, đặc biệt là các vụ án tham nhũng?

Để tăng cường việc thu hồi tài sản sau thi hành án, chúng ta cần giải quyết bài toán từ gốc, nghĩa là phải có chế tài giám sát và thực hiện việc kê khai đầy đủ tài sản của các đối tượng nằm trong diện phải kê khai. Chỉ có kê khai đầy đủ thì khi đưa ra xét xử các vụ án mới có tài sản để thi hành án, nhất là việc thu hồi tài sản từ các vụ án tham nhũng. Theo quy định hiện nay, nếu ông A kê khai đầy đủ tài sản theo quy định thì cũng phải kê khai cả tài sản của những người thân (vợ, con ông A). Tôi cho rằng, chừng nào việc kê khai và minh bạch tài sản đi vào thực chất thì mới có thể tăng cường thu hồi tài sản sau thi hành án. Theo đó, số lượng tài sản bị biến động, thất thoát, bị che giấu, bị tẩu tán cũng sẽ hạn chế hơn.

Về phía các cơ quan chức năng, tôi cho rằng, để tăng cường thu hồi tài sản sau thi hành án, các cơ quan thi hành án dân sự cần được tham gia cùng với các cơ quan liên quan khác trong quá trình tiến hành tố tụng. Đồng thời, cần phối hợp chặt chẽ để có biện pháp sớm phong tỏa tài sản của đối tượng buộc phải thi hành án, giảm thiểu việc tẩu tán các tài sản tham nhũng. 

Chuyên đề