Giá cước tăng bằng lần, DN vận tải biển kỳ vọng phục hồi

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Cuộc khủng hoảng ở Biển Đỏ kéo dài không chỉ tác động trực tiếp đến các tuyến vận tải qua khu vực này mà còn gián tiếp tác động tăng giá cước trên thị trường vận tải biển toàn cầu cũng như thị trường thuê tàu biển. Sau một năm nhiều khó khăn do nhu cầu yếu, giá cước giảm thấp, việc giá cước tăng trở lại được kỳ vọng giúp các doanh nghiệp vận tải biển cải thiện kết quả kinh doanh năm 2024.
So với đầu tháng 12/2023, giá cước vận tải biển tính đến ngày 25/1/2024 đã tăng gấp 2,86 lần. Ảnh: Lê Tiên
So với đầu tháng 12/2023, giá cước vận tải biển tính đến ngày 25/1/2024 đã tăng gấp 2,86 lần. Ảnh: Lê Tiên

Đi qua năm 2023 nhiều khó khăn

Theo kết quả kinh doanh vừa được Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) công bố, năm 2023, doanh thu thuần của VIMC giảm 10,6% so với năm 2022, trong khi lợi nhuận trước thuế giảm tới 30,8%, thu về 2.114 tỷ đồng, tương ứng hoàn thành 90% kế hoạch. Trong các lĩnh vực hoạt động của VIMC, hoạt động vận tải (chủ yếu là vận tải biển) ghi nhận doanh thu giảm 27,8% so với năm 2022 và lợi nhuận gộp giảm tới 75%.

Là một trong những doanh nghiệp vận tải lớn nhất cả nước với đội tàu 59 chiếc, bao gồm 4 tàu dầu, 10 tàu container và 45 tàu hàng khô, tổng trọng tải đội tàu khoảng 1,3 triệu DWT, tương đương khoảng 21% trọng tải đội tàu của Việt Nam, kết quả kinh doanh đi xuống của VIMC phản ánh bối cảnh hoạt động nhiều khó khăn của ngành trong năm 2023 với doanh thu, lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp thành viên giảm mạnh.

Chẳng hạn, tại Công ty CP Vận tải biển Việt Nam (VOSCO), báo cáo kết quả kinh doanh năm 2023 cho biết, lợi nhuận sau thuế giảm 68% so với năm 2022, đạt 155 tỷ đồng, là mức lợi nhuận thấp nhất trong 3 năm trở lại đây mặc dù trong năm 2023, Công ty có khoản lợi nhuận khác từ thanh lý tàu Neptune Star lên đến gần 60 tỷ đồng và khoản lãi 89 tỷ đồng từ tái cơ cấu (năm 2022 VOSCO có 90 tỷ đồng lãi từ tái cơ cấu, không có hoạt động thanh lý tàu).

Theo ông Vũ Trường Thọ, đại diện công bố thông tin của VOSCO, thị trường tàu hàng khô và tàu container năm 2023 giảm sút nhiều so với năm 2022 khiến hiệu quả kinh doanh của đội tàu bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Chỉ số tàu hàng khô Baltic Dry Index (BDI) duy trì quanh mức 1.000 điểm, có thời điểm chỉ còn 530 điểm vào tháng 2/2023 trong khi năm 2022 duy trì trên 2.000 điểm, có lúc lên tới 3.300 điểm. Từ cuối quý III/2023, chỉ số BDI có sự cải thiện nhưng chủ yếu nằm ở phân khúc tàu cỡ lớn, nhóm tàu Supramax và Handysize mà Công ty khai thác chưa có chuyển biến nhiều. Nhiều tàu trước đây cho thuê ở nước ngoài đã quay trở lại khai thác nội địa do không tiếp tục cho thuê được, làm cung tàu vận chuyển nội địa tăng, trong khi nhu cầu yếu khiến các hãng cạnh tranh gay gắt, giá cước giảm sâu.

Hoạt động của nhóm tàu dầu đạt hiệu quả hơn khi VOSCO ký được hợp đồng với mức cước tương đối cao. Đặc thù quay vòng nhanh cũng giúp doanh thu của tàu dầu khá lớn. Tuy vậy, số lượng tàu dầu ít, chưa đủ bù đắp cho tình trạng khó khăn của nhóm tàu hàng khô và tàu container. Lợi nhuận gộp trong năm 2023 của VOSCO giảm 3/4 so với năm 2022. Biên lợi nhuận gộp chỉ 5,7% so với mức 30,4% của năm 2022.

Công ty CP Vận tải biển Vinaship (Vinaship) cũng báo cáo kết quả kinh doanh 2023 với doanh thu 593,8 tỷ đồng, giảm 43,5% so với năm 2022; lợi nhuận trước thuế 45,1 tỷ đồng, giảm 85,6%. Đáng chú ý, phần lớn lợi nhuận của Vinaship đến từ thu nhập tài chính và thu nhập từ xử lý tái cơ cấu khoản vay với ngân hàng, còn lợi nhuận gộp thu về từ hoạt động kinh doanh chính không đủ bù đắp các khoản chi phí bán hàng, chi phí quản lý.

Tại Công ty CP Vận tải và Xếp dỡ Hải An, lợi nhuận trước thuế năm 2023 giảm 64% so với năm 2022, chỉ đạt 463,4 tỷ đồng. Riêng quý IV/2023, lợi nhuận giảm 72% so với cùng kỳ năm trước, chỉ còn 66,4 tỷ đồng - mức lợi nhuận theo quý thấp nhất 3 năm gần đây. Công ty lý giải, giá cước vận tải biển giảm mạnh, giá cho thuê tàu giảm dẫn tới lợi nhuận hoạt động khai thác tàu giảm mạnh là một nguyên nhân khiến kết quả kinh doanh đi xuống trong năm qua.

Trong khi nhóm tàu hàng khô, hàng rời, tàu container gặp nhiều khó khăn do sức cầu yếu, cạnh tranh gay gắt và giá cước giảm sâu ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh, thì nhóm tàu dầu, tàu chở khí hóa lỏng (LPG) là phân khúc hiếm hoi vẫn duy trì hiệu quả kinh doanh khả quan nhờ nhu cầu cao trên thị trường năng lượng và mặt bằng giá dầu cao giúp giá cước vận tải và giá cho thuê tàu định hạn ở mức tốt. Chẳng hạn, Tổng công ty CP Vận tải Dầu khí (PVTrans) kết thúc năm tài chính 2023 với doanh thu ước đạt 9.600 tỷ đồng, tăng 6% so với năm 2022; lợi nhuận trước thuế đạt 1.460 tỷ đồng, tương đương năm 2022.

Kỳ vọng phục hồi nhờ giá cước vận tải tăng cao

Xung đột leo thang từ cuối năm 2023 đến nay tại Biển Đỏ - khu vực có vị trí chiến lược trong tuyến hàng hải qua kênh đào Suez, vốn chiếm tới 15% tổng lưu lượng giao thông toàn cầu đã và đang đẩy giá cước vận tải biển liên tục leo thang.

Theo dữ liệu về chỉ số giá cước vận tải container quốc tế được theo dõi bởi Drewry (Drewry World Container Index - WCI), giá cước vận tải biển cho container 40 foot đến ngày 25/1/2024 đã tăng lên 3.964 USD/40ft, tăng 5% so với tuần trước đó. So với đầu tháng 12/2023, giá cước đã tăng gấp 2,86 lần, hiện là mức chỉ số giá cước cao nhất kể từ tháng 10/2022 và cao hơn 179% so với mức trung bình năm 2019 (trước đại dịch Covid-19).

Căng thẳng tại khu vực Biển Đỏ cũng làm tăng thời gian vận chuyển hàng hóa từ khu vực châu Á sang châu Âu và bờ Đông (Bắc Mỹ), tương ứng làm giảm vòng quay của các tàu. Điều này xảy ra ở giai đoạn đầu năm, khi nhu cầu hàng hóa xuất nhập khẩu từ châu Á tăng mạnh trong bối cảnh Tết Nguyên đán đến gần, không chỉ ảnh hưởng tới các tuyến vận tải biển đi qua khu vực này mà còn gián tiếp tác động đến các tuyến vận tải biển khác trên toàn cầu.

Đối với thị trường thuê tàu biển, Công ty CP Vận tải và Xếp dỡ Hải An cập nhật, thị trường thuê tàu container đã bắt đầu năm 2024 một cách sôi động với nhu cầu mạnh mẽ ở hầu hết các cỡ tàu cho thuê, ngoại trừ các loại nhỏ. Việc hầu hết các hãng vận tải tránh khu vực Biển Đỏ đã góp phần vào hoạt động sôi nổi của thị trường, với trọng tải tăng thêm để bù đắp cho thời gian vận chuyển kéo dài hơn qua mũi Hảo Vọng để kết nối khu vực châu Á với bất kỳ khu vực nào bên bờ Tây kênh đào Suez.

Trong khi giá cước vận tải tăng cao là mối lo ngại ảnh hưởng lớn đến chi phí, thời gian giao hàng của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, thì ngược lại, các doanh nghiệp ngành vận tải biển lại kỳ vọng phục hồi kết quả kinh doanh sau một năm 2023 nhiều khó khăn.

Chuyên đề