Gấp rút đơn giản thủ tục quản lý đầu tư xây dựng

(BĐT) - Rất nhiều ý kiến cho rằng một số quy định pháp luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh đang chồng chéo, gây khó khăn trong thực hiện. Chính phủ đang rất quyết liệt để xây dựng hệ thống chính sách thuận lợi trong thực thi, trong đó có sửa đổi Nghị định số 59/2015/NĐ-CP về quản lý dự án đầu tư xây dựng.
Một số thủ tục liên quan đến cấp Giấy phép xây dựng đang làm kéo dài thời gian chuẩn bị dự án. Ảnh: Lê Tiên
Một số thủ tục liên quan đến cấp Giấy phép xây dựng đang làm kéo dài thời gian chuẩn bị dự án. Ảnh: Lê Tiên

Còn một số vướng mắc, chồng chéo

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 vừa qua, nhiều ý kiến cho rằng, Nghị định số 59/2015/NĐ-CP (NĐ59) đã góp phần quản lý chặt chẽ, hiệu quản hơn dự án đầu tư xây dựng, nhưng vẫn còn một số vướng mắc, ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ dự án, hoạt động của doanh nghiệp (DN). Đại diện nhiều bộ đề nghị nên mở rộng đối tượng được miễn Giấy phép xây dựng đối với một số loại công trình để đơn giản hóa thủ tục vì đối với những công trình này, Nhà nước đã kiểm soát thông qua việc thẩm định dự án, thẩm định thiết kế xây dựng và kiểm tra công tác nghiệm thu.

Từ góc độ DN, ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty TNHH Địa ốc Đất Lành cho rằng, thủ tục đầu tư xây dựng, trong đó có thủ tục liên quan đến Giấy phép xây dựng, đang làm kéo dài thời gian chuẩn bị, làm tiêu hao tài sản và công sức của DN, dẫn đến dự án chậm khởi công, từ đó ảnh hưởng nhiều đến hiệu quả và giá thành sản phẩm. Nhiều khi thủ tục hành chính quá nhiều, quá lâu, dẫn đến tăng chi phí xây dựng, chủ đầu tư phải bù chi phí bằng cách giảm chất lượng ở phần hoàn thiện dự án.

Ngoài vấn đề Giấy phép xây dựng, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), NĐ59 còn có một số nội dung chưa phù hợp với quy định của pháp luật về đấu thầu.

NĐ59 quy định trường hợp không đủ điều kiện thực hiện công tác thẩm định, cơ quan chuyên môn về xây dựng, người quyết định đầu tư được yêu cầu chủ đầu tư lựa chọn trực tiếp tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện năng lực phù hợp đã đăng ký công khai thông tin năng lực hoạt động xây dựng trên Trang thông tin điện tử của Bộ Xây dựng, Sở Xây dựng để chủ đầu tư ký kết hợp đồng thẩm tra phục vụ công tác thẩm định. Tuy nhiên, theo Bộ KH&ĐT,Khoản 1 Điều 1 Luật Đấu thầu quy định, hoạt động lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ tư vấn của các dự án đầu tư phát triển sử dụng vốn nhà nước (bao gồm cả lựa chọn tư vấn thẩm định) thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu. Do đó, không thể “lựa chọn trực tiếp” như NĐ59, mà phải áp dụng một trong các hình thức lựa chọn nhà thầu quy định tại Luật Đấu thầu. 

Ý kiến từ Bộ KH&ĐT cho rằng, NĐ59 là pháp luật chuyên ngành hướng dẫn thuần túy về hoạt động xây dựng thì không nên đề cập sang hoạt động lựa chọn nhà thầu để tránh chồng chéo, không thống nhất trong quản lý về cùng một lĩnh vực, gây khó khăn trong thực thi.

Gấp rút sửa đổi Nghị định 59

Thủ tục đầu tư xây dựng, trong đó có thủ tục liên quan đến Giấy phép xây dựng, đang làm kéo dài thời gian chuẩn bị, làm tiêu hao tài sản và công sức của DN
Chính phủ đang rất quyết liệt trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, với định hướng sửa đổi hàng loạt quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động này để đảm bảo tạo thuận lợi cho DN, giảm bớt thủ tục hành chính. Trong đó, việc sửa đổi NĐ59 được Chính phủ nhắc đến nhiều lần.

Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 28/4/2016 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia giao Bộ Xây dựng giải quyết các vướng mắc cho DN trong thực hiện thủ tục cấp phép xây dựng theo NĐ59. Tiếp đến, Nghị quyết số 60/NQ-CP ngày 18/7/2016 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2016, Chính phủ tiếp tục giao Bộ Xây dựngrà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung NĐ59.

Gần đây nhất, Nghị quyết Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 giao Bộ Xây dựng chủ trì, trình dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung NĐ59 theo trình tự, thủ tục rút gọn, hoàn thiện dự thảo Nghị định trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ký ban hành trong tháng 9 năm nay. Trong đó, thể hiện rõ sự phân cấp triệt để, hợp lý trong quản lý dự án đầu tư xây dựng giữa các cấp, các ngành, giữa Trung ương và địa phương; xác định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành và các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng; đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho chủ đầu tư, người quyết định đầu tư trong triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng.

Chuyên đề