EVN lỗ gần 26.236 tỷ đồng trong năm 2022

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Đây là thông tin được Bộ Công Thương nhấn mạnh tại Họp báo Công bố kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tổ chức cuối giờ chiều 31/3/2023, tại Hà Nội.
Bộ Công Thương tổ chức cuộc họp báo công bố kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam ngày 31/3/2023.
Bộ Công Thương tổ chức cuộc họp báo công bố kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam ngày 31/3/2023.

Đề cập cụ thể về tình hình chi phí, doanh thu và kết quả sản xuất kinh doanh điện của EVN trong năm 2022, đại diện Cục Điều tiết điện lực thuộc Bộ Công Thương cho hay, tổng chi phí khâu phát điện trong năm là 412.243,53 tỷ đồng, tương ứng với giá thành khâu phát điện theo điện thương phẩm là 1.698,45 đ/kWh.

"So với năm 2021, chi phí khâu phát điện năm 2022 tăng 72.855,58 tỷ đồng", đại diện Cục Điều tiết điện lực nhấn mạnh.

Tổng chi phí khâu truyền tải điện là 16.854,57 tỷ đồng, tương ứng với giá thành khâu truyền tải điện theo điện thương phẩm là 69,44 đ/kWh. Tổng chi phí khâu phân phối - bán lẻ điện là 62.543,78 tỷ đồng, tương ứng với giá thành khâu phân phối - bán lẻ điện theo điện thương phẩm là 257,68 đ/kWh.

Tổng chi phí khâu phụ trợ , quản lý ngành là 1.623,41 tỷ đồng, tương ứng với giá thành khâu phụ trợ, quản lý ngành theo điện thương phẩm là 6,69 đ/kWh. Tổng khoản bù giá cho chi phí sản xuất kinh doanh điện tại các xã, huyện đảo chưa nối lưới điện Quốc gia là 387,55 tỷ đồng.

Như vậy, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2022 của EVN lỗ 36.294,15 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong năm, Tập đoàn còn có thu nhập từ các hoạt động có liên quan đến sản xuất kinh doanh điện trong năm 2022 là 10.058,36 tỷ đồng.

"Tổng cộng hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2022 và các hoạt động liên quan đến sản xuất kinh doanh điện bao gồm thu nhập từ hoạt động tài chính và từ tiền bán công suất phản kháng năm 2022 của EVN ghi nhận lỗ 26.235,78 tỷ đồng (không tính tới thu nhập từ sản xuất khác)", Bộ Công Thương nhấn mạnh.

Cũng theo cơ quan này, theo kết quả kiểm tra, còn nhiều khoản chưa hạch toán vào giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2022. Trong đó, chênh lệch tỷ giá (CLTG) trong giai đoạn từ năm 2019 đến năm 2022 lên tới hơn 14.720 tỷ đồng.

Cụ thể, phần còn lại khoản CLTG thực hiện theo hợp đồng mua bán điện của các đơn vị phát điện năm 2019 với số tiền khoảng 3.015,8 tỷ đồng; khoản CLTG theo hợp đồng mua bán điện năm 2020 với số tiền khoảng 4.566,94 tỷ đồng; khoản CLTG theo hợp đồng mua bán điện năm 2021 khoảng 3.702,257 tỷ đồng; khoản CLTG theo hợp đồng mua bán điện phát sinh năm 2022 khoảng 3.440,83 tỷ đồng.

Chuyên đề