Đưa tiền đa cấp, biết đòi ở đâu?

Không chỉ vỡ mộng làm giàu, nhiều người còn có nguy cơ mất trắng từ vài chục đến vài trăm triệu đồng mà họ đưa cho các công ty đa cấp bất chính.
Hệ thống kinh doanh đa cấp của Công ty CP Liên kết sản xuất thương mại VN (Công ty Liên kết Việt) đã lôi kéo được hơn 45.000 người tham gia
Hệ thống kinh doanh đa cấp của Công ty CP Liên kết sản xuất thương mại VN (Công ty Liên kết Việt) đã lôi kéo được hơn 45.000 người tham gia

Với hàng loạt chi nhánh tại các tỉnh, thành phố, hệ thống kinh doanh đa cấp của Công ty CP Liên kết sản xuất thương mại VN (Công ty Liên kết Việt) đã lôi kéo được hơn 60.000 người tham gia ở 27 tỉnh thành.

Cơ quan công an đã khởi tố và bắt tạm giam nhóm điều hành công ty về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhiều người đang rất lo lắng bởi số tiền mà họ đưa vào để được tham gia hệ thống bán hàng không biết sẽ về đâu.

Qua xác minh tại ngân hàng, số dư trên tài khoản của Chủ tịch HĐQT công ty chỉ còn hơn 45,5 tỷ đồng so với tổng thu gần 2.000 tỷ đồng từ đầu năm 2014 đến tháng 7-2015.

Trao đổi với chúng tôi, anh Hồng Minh (Cần Thơ) cho rằng: “Đây chỉ là một công ty đa cấp bất chính bị xử lý thôi. Vẫn có nhiều công ty khác đang có hoạt động tương tự Liên kết Việt nhưng chưa bị phát hiện. Những người tham gia đa cấp vì muốn lấy lại số tiền mình đã bỏ ra sẽ tiếp tục mời gọi người khác. Người này lừa người kia, cứ thế kéo dài”.

Anh Tuấn Trung (Bến Tre) cho biết một số công ty từng đến địa phương của anh để giới thiệu các sản phẩm được cũng cho là do Bộ Quốc phòng sản xuất. “Họ còn phối hợp với các lãnh đạo thôn ấp để tổ chức hẳn một buổi họp dân. Người dân nghe vậy thì cứ tin theo”- anh Tuấn nói.

Cơ quan cảnh sát điều tra vừa làm rõ, thực tế tổng số tiền mua năm mặt hàng để kinh doanh gồm máy khử độc ozone và bốn loại thực phẩm chức năng của công ty này là gần 7,1 tỉ đồng; số hàng đã bán là hơn 9,6 tỉ đồng nhưng số tiền thu của 60.000 người là 1.900 tỉ đồng.

Như vậy Công ty Liên kết Việt đã lợi dụng việc bán hàng đa cấp để chiếm đoạt tiền của khách hàng. Trong số tiền 1.900 tỉ đồng nêu trên, Liên kết Việt đã sử dụng để chi hoa hồng trên 65% doanh thu.

LÂM HOÀI

Tiền của người sau là lợi nhuận của người trước

Sản phẩm đa cấp

Phó giáo sư, tiến sĩ Ngô Trí Long - nguyên viện phó Viện Nghiên cứu thị trường giá cả - cho rằng mô hình hoạt động của những công ty đa cấp bất chính là đưa ra mức lợi nhuận khổng lồ, thậm chí là không tưởng để thu hút người tham gia.

Nhiều đơn vị còn cung cấp các mặt hàng kém chất lượng, quảng cáo quá lố hoặc đội sản phẩm giá lên cao trước khi chuyển sang người tham gia để thu lợi. Trong khi đó, người tham gia vì thấy lợi nhuận quá cao nên chỉ quan tâm việc tìm càng nhiều khách hàng cùng tham gia càng tốt.

Giải thích về lý do số tiền còn lại không cao như tổng số tiền thu vào, ông Long cho hay: “Tổng tiền thu vào là rất lớn, trường hợp của Liên kết Việt là gần 2.000 tỷ đồng. Vì cách thức hoạt động là tiền của người tham gia sau sẽ dùng để trả lợi nhuận cho người tham gia trước nên số tiền này đã bị chia nhỏ để trả hoa hồng cho khách hàng nhằm củng cố niềm tin.

Tuy nhiên, số lượng người được trả là rất ít. Thay vào đó, số còn lại sẽ không nhận được gì".

PGS.TS Nguyễn Minh Phong - Viện Nghiên cứu phát triển KT-XH Hà Nội, giảng viên ĐH Kinh tế (ĐHQG Hà Nội) khẳng định: “Bản thân đa cấp không xấu vì nếu xấu thì nhà nước đã không cấp phép hoạt động”.

Theo ông Phong, các công ty bất chính thường làm người dân ngộ nhận về chất lượng sản phẩm sẽ mua và lợi nhuận thu được. Đây cũng chính là đặc điểm nhận dạng những đơn vị hoạt động bất chính.

Ông Phong cho rằng: “Đa cấp bất chính ngày nay có rất nhiều biến tướng. Nhưng chung nhất, người tham gia đều bị bắt buộc phải mua một sản phẩm nào đó và chỉ được trả lợi nhuận dựa trên kết quả kêu gọi người khác cùng tham gia. Mức lợi nhuận rất cao mà không tham gia sản xuất. Tất cả chỉ là lấy của người nay trả cho người kia”.

Dễ thấy lừa đảo, sao vẫn sập bẫy?

Tiến sĩ, luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết về bản chất, bán hàng đa cấp là một hình kinh doanh được pháp luật công nhận và bảo vệ. Các nước trên thế giới cũng có rất nhiều công ty lớn chuyên về lĩnh vực này.

Trong thực tiễn hành nghề, ông Trạch từng gặp rất nhiều trường hợp người dân, đặc biệt là những người ở các vùng nông thôn, học sinh, sinh viên,… bị lừa đảo dưới hình thức kinh doanh đa cấp.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó chủ tịch Hội luật gia TP.HCM - cho biết thêm: “Đội quân đa cấp luôn “gieo rắc” vào khách hàng khát vọng đổi đời, làm giàu. Củng cố niềm tin bằng các buổi hội thảo để cung cấp những hình ảnh, giấy tờ chứng tỏ hoạt động hiệu quả của mình dù tất cả chỉ là giả mạo”.

Khi người dân nghi ngờ, họ sẽ khẳng định ngay: “Nếu lừa đảo thì đã bị bắt lâu rồi, làm gì hoạt động được đến giờ này”. Vì vậy, khách hàng không còn nghi ngờ gì nữa.

“Hơn thế, chúng ta chưa có văn bản pháp lý nào để chế tài, thắt chặt và xử lý nghiêm vấn đề đa cấp biến tướng. Người dân thì chưa chủ động tìm hiểu thông tin về những nơi mình dự định tham gia kinh doanh mà chỉ nhìn vào lợi nhuận, tin lời quảng cáo”, ông Hậu nói.

Trụ sở chính của Liên kết Việt đã ngừng mọi hoạt động sau khi các lãnh đạo của công ty này bị bắt tạm giam về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản - Ảnh: L.Hoài

Khả năng mất trắng rất cao

Luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch cho biết căn cứ theo Điều 6 Nghị định 71/2014/NĐ-CP, trong trường hợp tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh gây ra thì sẽ chịu trách nhiệm bồi thường.

Việc bồi thường sẽ căn cứ trên quy định pháp luật dân sự, tức là sẽ giải quyết dựa vào các sự thỏa thuận, hợp đồng được ký kết giữa các bên.

Trong trường hợp hành vi vi phạm đủ yếu tố cấu thành tội phạm hình sự, vấn đề bồi thường sẽ được căn cứ theo bản án của Hội đồng xét xử.

“Cũng cần lưu ý vào khả năng bồi thường hay tài sản của người có hành vi vi phạm pháp luật”, ông Trạch nhấn mạnh.

Đi vào cụ thể trường hợp Liên kết Việt, luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó chủ tịch Hội luật gia TP.HCM cho biết: “Tùy vào từng trường hợp sẽ có những mức bồi thường khác nhau. Tuy nhiên, với kết quả điều tra ban đầu cho thấy khả năng người bị hại mất trắng là rất cao”.

Ông Hậu cho rằng hành vi này đã gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, để lại nhiều hệ lụy nặng nề với người bị hại, ảnh hưởng niềm tin của người dân với mô hình bán hàng đa cấp. Đây là hành vi lừa đảo có tổ chức, cấu kết nhiều đối tượng.

Hai luật sư đều cho rằng cơ quan nhà nước cần phổ biến đến người dân về loại hình kinh doanh đa cấp để họ biết, làm và tránh các trường hợp vi phạm pháp luật.

Cơ quan có thẩm quyền phải tiến hành kiểm tra hoạt động của doanh nghiệp kinh doanh đa cấp, tránh trường hợp chỉ cấp giấy chứng nhận hoạt động nhưng thiếu đi sự kiểm tra quá trình hoạt động.

Điều 48 Luật Cạnh tranh năm 2004 đã quy định rõ về các hành vi được xem là bán hàng đa cấp bất chính. Điều 5 Nghị định 42/2014/NĐ-CP quy định về các hành vi bị cấm trong kinh doanh đa cấp.

Do công ty Liên kết Việt đã có hành vi vi phạm về bán hàng đa cấp, căn cứ theo Nghị định số 71/2014/NĐ-CP ngày 21/7/2014 quy định chi tiết Luật Cạnh tranh về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh, đơn vị này có thể bị xử phạt hành chính lên đến 100.000.000 đồng.

Bộ luật Hình sự năm 1999 có quy định một số tội danh liên quan như: Tội sản xuất, buôn bán hàng giả (Điều 156), Tội kinh doanh trái phép (Điều 159), Tội lừa dối khách hàng (Điều 162), Tội báo cáo sai trong quản lý kinh tế (Điều 167), Tội quảng cáo gian dối (Điều 168), Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 139),…

Tiến sĩ, luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch

Chuyên đề