Dự thảo Quy hoạch điện VIII hoàn thiện theo hướng nào?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Dự thảo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2045 (Quy hoạch điện VIII) đã được sửa đổi nhiều lần kể từ lần đầu công bố vào tháng 3/2021. Theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương đang hoàn thiện Dự thảo Quy hoạch để trình Thủ tướng Chính phủ trong quý I này.
Việc bổ sung nguồn điện cần căn cứ trên cơ sở kinh tế, kỹ thuật, dựa vào quy hoạch về phụ tải, nhu cầu điện… Ảnh: Nhã Chi
Việc bổ sung nguồn điện cần căn cứ trên cơ sở kinh tế, kỹ thuật, dựa vào quy hoạch về phụ tải, nhu cầu điện… Ảnh: Nhã Chi

Nhiều không gian cho phát triển năng lượng xanh, sạch

Ông Bùi Quốc Hùng, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết, Dự thảo Quy hoạch hiệu chỉnh theo hướng bền vững, dành nhiều không gian để phát triển các nguồn năng lượng xanh, sạch, thân thiện với môi trường, với chi phí sản xuất hợp lý, đảm bảo lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng điện. Từ đó, đáp ứng các cam kết của Việt Nam với quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính.

Lý do của lần sửa đổi này được ông Hùng cho biết, tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) tháng 11/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có cam kết đưa phát thải ròng của Việt Nam về 0 vào năm 2050. Đồng thời, Nghị quyết 55-NQ/TW của Bộ Chính trị cũng đưa ra quan điểm ưu tiên phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.

Nhiều chuyên gia cho rằng, đây là hướng hoàn thiện phù hợp với xu hướng thế giới nhằm giảm thiểu tác động lên môi trường, phát triển bền vững. Tính toán của Viện Năng lượng cho thấy, tiềm năng điện tái tạo của Việt Nam rất lớn. Riêng tiềm năng điện gió ngoài khơi là 160 GW, điện mặt trời là 386 GW.

Dự thảo Quy hoạch còn đề xuất chính sách để đạt mục tiêu phát thải ròng CO2 bằng 0. Đồng thời, đề xuất xây dựng cơ chế tài chính thu hút mạnh mẽ nguồn vốn đầu tư vào ngành điện, trong đó có đầu tư vào truyền tải điện sau khi một số điểm sửa đổi của Luật Điện lực 2004 liên quan đến nội dung này vừa được Quốc hội thông qua tạo hứng khởi cho khu vực tư nhân tham gia, gỡ “nút thắt” giải tỏa công suất điện tái tạo.

Nhiều điểm cần lưu ý

Liên quan đến việc hàng loạt địa phương đề xuất bổ sung các dự án nguồn điện năng lượng tái tạo vào Quy hoạch điện VIII, ông Hùng cho biết, để đảm bảo kết nối cung cầu và đáp ứng được nhu cầu phụ tải, trong Quy hoạch điện VIII sẽ tính toán đưa vào phân bố theo từng vùng, từng khu vực với nhu cầu của các địa phương.

TS. Nguyễn Thành Sơn, chuyên gia về năng lượng cho rằng, đây là đề xuất hợp lý. Với tính chất đặc thù của năng lượng tái tạo là phụ thuộc vào thời tiết, việc bổ sung cần căn cứ trên cơ sở kinh tế, kỹ thuật, dựa vào quy hoạch về phụ tải, nhu cầu điện… nên việc cân đối đảm bảo an toàn hệ thống điện là rất quan trọng, gắn với an ninh năng lượng, an ninh quốc gia.

Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam Trần Đình Long nhìn nhận, điện gió, điện mặt trời nói riêng và điện tái tạo nói chung không có tính ổn định, có thể ảnh hưởng đến an toàn cung cấp điện. Vì vậy, song song với phát triển điện từ năng lượng tái tạo, vẫn phải đảm bảo một nguồn điện cần thiết (công suất nền từ điện than, điện hạt nhân) để chủ động đảm bảo an toàn hệ thống điện.

Nhìn vào Dự thảo Quy hoạch điện VIII, bà Ngô Thị Tố Nhiên, Giám đốc Tổ chức Sáng kiến về chuyển dịch năng lượng Việt Nam (VIET SE) cho rằng, trong bản Dự thảo Quy hoạch mới nhất, dù Bộ Công Thương đã loại bỏ những dự án điện than không khả thi nhưng lại đưa vào tất cả những dự án khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG). Động thái này phần nào khiến LNG trở thành nguồn cung cấp chính cho công suất phát tải cơ sở của lưới điện, có thể dẫn đến giá điện cao hoặc không ổn định do thay đổi giá nhiên liệu toàn cầu. Việc sửa đổi vẫn chưa đáp ứng được các mục tiêu về chi phí thấp và an ninh năng lượng quốc gia đã đặt ra ban đầu do công suất LNG mới lắp đặt quá cao. Cùng với đó, Dự thảo Quy hoạch đã loại bỏ các trang trại năng lượng mặt trời nổi trong khi chỉ tăng một chút công suất điện gió...

Theo phiên bản sửa đổi mới nhất của Quy hoạch điện VIII (tháng 11/2021), tới năm 2030, tổng công suất lắp đặt điện tái tạo cả nước sẽ đạt 155 GW, cắt giảm 24 GW nhiệt điện than. Trong cơ cấu nguồn điện năm 2030, thuỷ điện chiếm 19%, nhiệt điện than chiếm 25%, nhiệt điện khí chiếm 25%; năng lượng tái tạo chiếm 24% (gồm điện gió, mặt trời, sinh khối). Đến năm 2045, cơ cấu nguồn điện gồm: thủy điện chiếm 14%; nhiệt điện than chiếm 11%; nhiệt điện khí 25%; nguồn năng lượng tái tạo chiếm 45%; nhập khẩu điện 3,3%.

Chuyên đề