Dự án Xây dựng 4 đoạn đê bao xung yếu bờ tả sông Sài Gòn: 3 nhà thầu tham dự gói thầu lớn

(BĐT) - Ngày 20/11/2018, tại TP.HCM, Bên mời thầu - Ban Quản lý dự án 1547 (thuộc Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước - Chủ đầu tư) đã tổ chức mở hồ sơ đề xuất kỹ thuật (HSĐXKT) Gói thầu số 14 (xây lắp) Đê bao đoạn 1, đoạn 2, đoạn 3 và đoạn 4 thuộc Dự án Xây dựng 04 đoạn đê bao xung yếu khu vực quận Thủ Đức thuộc bờ tả sông Sài Gòn. 
Khác biệt lớn nhất về thông tin tại Lễ mở thầu thuộc về thời gian thực hiện hợp đồng ghi trong đơn dự thầu của các nhà thầu, thấp nhất là 390 ngày, cao nhất là 450 ngày. Ảnh: Văn Huyền
Khác biệt lớn nhất về thông tin tại Lễ mở thầu thuộc về thời gian thực hiện hợp đồng ghi trong đơn dự thầu của các nhà thầu, thấp nhất là 390 ngày, cao nhất là 450 ngày. Ảnh: Văn Huyền

Đây là một gói thầu có quy mô lớn, với giá trị bảo đảm dự thầu lên tới 5 tỷ đồng. Được biết, gói thầu này trị giá khoảng 265 tỷ đồng.

Trong thời gian phát hành hồ sơ mời thầu (HSMT) - từ ngày 31/10/2018 đến ngày 20/11/2018, có 9 nhà thầu mua HSMT, bao gồm: Công ty CP Đại Thiên Trường (Hà Nội), Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn (Hà Nội), Công ty CP Xây dựng Trường Xuân (Quảng Bình), Công ty TNHH Xây dựng và Khảo sát công trình Thanh Tuấn (TP.HCM), Công ty TNHH Liên doanh xây dựng VIC (TP.HCM), Công ty CP Xây dựng đê kè và Phát triển nông thôn Hải Dương (Hải Dương), Công ty TNHH Lam Vũ (Cần Thơ), Công ty TNHH MTV Trần Trân (TP.HCM) và Công ty CP Xây dựng Minh Anh (Hà Nam).

Đến thời điểm đóng thầu, có 3 nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu (HSDT) theo đúng quy định. Đó là Công ty TNHH Xây dựng và Khảo sát công trình Thanh Tuấn (Nhà thầu Thanh Tuấn), Công ty TNHH MTV Trần Trân (Nhà thầu Trần Trân) và Công ty CP Xây dựng Minh Anh (Nhà thầu Minh Anh).

Theo biên bản mở HSĐXKT, không có nhà thầu nào có văn bản đề nghị sửa đổi, thay thế HSDT.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, đại diện Bên mời thầu cho biết, đây là gói thầu quan trọng đối với Dự án và có tiến độ triển khai rất cấp bách nhằm xây dựng tuyến đê, kè, chống ngập do triều cường.
Một số thông tin chủ yếu trong lễ mở HSĐXKT được công bố cho thấy, cả 3 nhà thầu nộp HSDT còn nguyên niêm phong trước khi mở. Thời gian hiệu lực của HSDT của cả 3 nhà thầu đều là 180 ngày kể từ ngày 20/11/2018. Về bảo đảm dự thầu, 3 nhà thầu dự thầu có cung cấp thư bảo đảm của ngân hàng phát hành với giá trị 5 tỷ đồng, có hiệu lực 210 ngày kể từ ngày 20/11/2018. Khác biệt lớn nhất về thông tin tại Lễ mở thầu thuộc về thời gian thực hiện hợp đồng ghi trong đơn dự thầu của các nhà thầu. Theo đó, Nhà thầu Minh Anh có thời gian thực hiện hợp đồng là 390 ngày, Nhà thầu Trần Trân là 450 ngày và Nhà thầu Thanh Tuấn là 420 ngày.

Sau khi công bố các thông tin chủ yếu tại HSĐXKT của các nhà thầu, Bên mời thầu, đơn vị tư vấn đã tiến hành niêm phong hồ sơ đề xuất tài chính (HSĐXTC) theo quy định với sự xác nhận của các nhà thầu.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, đại diện Bên mời thầu cho biết, đây là gói thầu quan trọng đối với Dự án và có tiến độ triển khai rất cấp bách nhằm xây dựng tuyến đê, kè, chống ngập do triều cường. Dự án đầu tư xây dựng 4 đoạn đê bao xung yếu tại khu vực quận Thủ Đức, thuộc bờ tả sông Sài Gòn. Cụ thể, đoạn 1 thuộc khu vực ký túc xá Trường Đại học Mỹ thuật, dài khoảng 350m với điểm đầu cách rạch Gò Dưa về phía thượng lưu 1000m và điểm cuối cách rạch Gò Dưa về phía thượng lưu 650m. Đoạn 2 thuộc khu phố 1, phường Hiệp Bình Phước, dài khoảng 332m với điểm đầu là ranh giới Công ty May Sài Gòn 3 và điểm cuối là ranh giới Dự án Sông Đà. Đoạn 3 thuộc khu phố 1, phường Hiệp Bình Phước, dài khoảng 77m với điểm đầu là cầu Bình Phước và điểm cuối là ranh giới Nhà máy Đay INDIRA GRANDI. Đoạn 4 thuộc khu vực đình Bình Phước, ngã ba Rạch Vĩnh Bình - sông Sài Gòn, khu phố 1, phường Hiệp Bình Phước, dài khoảng 500m với điểm đầu cách cầu Bình Phước về phía hạ lưu 150m và điểm cuối cách cầu Bình Phước về phía hạ lưu 650m. Kinh phí thực hiện tuyến đê kè này khoảng 444 tỷ đồng.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, để thực hiện Dự án, đoạn đi qua địa bàn Quận 2 gồm các phường Thảo Điền, An Phú và Bình An phải thu hồi hơn 43.300 m2 đất. Còn tại quận Thủ Đức, dự kiến sẽ thu hồi hơn 4.200m2 đất tại phường Trường Thọ.

Theo Chủ đầu tư, Dự án có tổng vốn đầu tư dự kiến là 1.169 tỷ đồng. Mục tiêu của Dự án là nhằm chống nước tràn do lũ từ thượng nguồn, triều cường và thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu và bảo vệ 1.600ha đất đô thị với dân số khoảng 25.000 người thuộc phía bờ tả sông Sài Gòn, đoạn còn lại từ rạch Cầu Ngang đến Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Chuyên đề