Dự án Trung tâm Khí điện miền Trung: Hệ lụy từ “đá bóng” trách nhiệm bồi thường

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Chậm chi trả tiền bồi thường dẫn đến phát sinh chi phí trên phần diện tích gần 3 ha thuộc Dự án Trung tâm Khí điện miền Trung tại Khu kinh tế (KKT) Dung Quất (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) nhưng không bên nào chấp nhận tiếp tục chi trả. Cấp huyện cho rằng Dự án không thuộc danh mục đầu tư công, Huyện không có kinh phí đền bù, trong khi Chủ đầu tư khẳng định, Dự án được duyệt sau quyết định phê duyệt phương án bồi thường nên việc chi trả là không có cơ sở...
Dự án Trung tâm Khí điện miền Trung có tổng diện tích sử dụng đất 93,5 ha tại xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh minh họa: Nhã Chi
Dự án Trung tâm Khí điện miền Trung có tổng diện tích sử dụng đất 93,5 ha tại xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh minh họa: Nhã Chi

Năm 2016, để tạo quỹ đất sạch thu hút đầu tư, cấp thẩm quyền tỉnh Quảng Ngãi có quyết định cho Ban Quản lý KKT Dung Quất và các khu công nghiệp Tỉnh (chủ đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp Sài Gòn - Quảng Ngãi thuộc KKT Dung Quất) tạm ứng 190,5 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Tỉnh để giao Trung tâm Phát triển quỹ đất Dung Quất (sau này là Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Bình Sơn) bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) đối với phần diện tích 166 ha tại huyện Bình Sơn.

Trong thời gian này, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tiến hành khảo sát đề xuất đầu tư Dự án Trung tâm Khí điện miền Trung, diện tích sử dụng đất 93,5 ha. Trong đó, 60/93,5 ha mà EVN đề xuất trùng với phần diện tích 166 ha mà tỉnh Quảng Ngãi đang chỉ đạo GPMB, kinh phí từ ngân sách Tỉnh. Trong phần diện tích 60 ha này, có gần 3 ha đất nông nghiệp đã được UBND huyện Bình Sơn phê duyệt phương án bồi thường từ năm 2016 - 2018, nhưng chưa chi trả tiền bồi thường cho các hộ dân theo quy định do thiếu kinh phí. Ban Quản lý điện 1 cho biết, đối với phần diện tích này, từ năm 2020 đã chuyển 5,1 tỷ đồng để Trung tâm Phát triển quỹ đất Dung Quất chi trả cho các hộ dân. Tuy nhiên, Trung tâm cho hay chỉ chi trả được 2,04 tỷ đồng, còn 119 hộ dân không đồng ý nhận tiền và yêu cầu Nhà nước bồi thường, hỗ trợ theo đơn giá mới, nên số kinh phí 3,06 tỷ đồng đang tồn đọng.

Tiền bồi thường chậm chi trả, mặt bằng Dự án chưa được giải quyết dứt điểm, UBND huyện Bình Sơn đã đề xuất hủy phương án bồi thường cũ, lập phương án mới đối với 119 hộ dân còn lại. Tuy nhiên, Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Ngãi khẳng định không có cơ sở để hủy phương án bồi thường đã được duyệt, mà phải thực hiện chi trả tiền bồi thường chậm chi trả theo khoản 2 Điều 93 Luật Đất đai năm 2013 (nay được quy định tại điểm b khoản 3 Điều 94 Luật Đất đai năm 2024) và UBND huyện Bình Sơn là cấp phê duyệt phương án bồi thường phải bố trí kinh phí để chi trả.

Dù vậy, UBND huyện Bình Sơn cho rằng, Huyện không có cơ sở bố trí kinh phí vì Dự án Trung tâm Khí điện miền Trung sử dụng vốn ngoài ngân sách địa phương và Dự án KCN Sài Gòn - Quảng Ngãi không nằm trong dự án đầu tư công của UBND Huyện; Huyện không có kinh phí để thực hiện chi trả đối với phần chậm trả. UBND huyện Bình Sơn đề nghị UBND tỉnh Quảng Ngãi làm việc với EVN để thống nhất xem xét bố trí kinh phí bồi thường chậm trả.

Phản hồi thông tin này, Ban Quản lý điện 1 cho rằng, Dự án Trung tâm Khí điện miền Trung được Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư và EVN phê duyệt dự án đầu tư vào năm 2019, nhưng các phương án bồi thường đã được phê duyệt từ năm 2016 - 2018, trước thời điểm Dự án được duyệt nên không có cơ sở để EVN ứng trước kinh phí bồi thường chậm trả này.

Trước “lùng bùng” về xác định nguồn kinh phí nêu trên, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã giao Thanh tra Tỉnh rà soát công tác GPMB đối với Dự án Trung tâm Khí điện miền Trung.

Theo Thanh tra tỉnh Quảng Ngãi, để chậm chi trả bồi thường, GPMB, trách nhiệm thuộc về Ban Quản lý KKT Dung Quất và các khu công nghiệp Tỉnh, UBND huyện Bình Sơn, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Bình Sơn. Trước mắt, để hoàn thành GPMB Dự án, Thanh tra tỉnh Quảng Ngãi đề xuất lãnh đạo Tỉnh chỉ đạo UBND huyện Bình Sơn dự thảo, trình UBND Tỉnh văn bản đề nghị EVN xem xét, thống nhất, cho phép UBND huyện Bình Sơn được sử dụng một phần kinh phí từ nguồn mà EVN đã tự nguyện ứng trước phục vụ bồi thường, GPMB của Dự án để chi trả cho hộ dân bị ảnh hưởng.

Theo Ban Quản lý điện 1, đối với dự án này, đến nay Ban đã ứng trước kinh phí GPMB và tạm ứng chi phí phục vụ công tác bồi thường, hỗ trợ và GPMB là 91,266 tỷ đồng.

Để có cơ sở bồi thường, GPMB Dự án Trung tâm Khí điện miền Trung, UBND tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục giao Thanh tra Tỉnh rà soát nguyên nhân, xác định chủ thể chi trả, tham mưu UBND Tỉnh xử lý dứt điểm trong năm 2024.

Chuyên đề