Dự án rạch Xuyên Tâm (TP.HCM) 17.220 tỷ đồng: Sắp mời thầu 2 gói xây lắp lớn

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Dự án Nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm (từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến sông Vàm Thuật), quận Bình Thạnh, quận Gò Vấp (TP.HCM) vừa được điều chỉnh tổng mức đầu tư từ 9.664 tỷ đồng lên hơn 17.220 tỷ đồng chủ yếu do tăng chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư. Công tác lựa chọn nhà thầu cũng đang được ráo riết triển khai nhằm sẵn sàng cho việc thi công khi đủ điều kiện về mặt bằng.
Dự án rạch Xuyên Tâm (TP.HCM) tăng tổng mức đầu tư do tăng dự toán chi phí giải phóng mặt bằng theo Luật Đất đai 2024. Ảnh: Quang Định
Dự án rạch Xuyên Tâm (TP.HCM) tăng tổng mức đầu tư do tăng dự toán chi phí giải phóng mặt bằng theo Luật Đất đai 2024. Ảnh: Quang Định

Tại dự án này, Gói thầu XL-03 Đoạn từ đường Lương Ngọc Quyến đến sông Vàm Thuật (từ Km5+216 đến Km6+638) là gói thầu xây lắp đầu tiên được mời thầu. Gói thầu có giá dự toán 598,655 tỷ đồng, hoàn tất mở thầu ngày 16/8/2024. Theo biên bản mở thầu, có 2 nhà thầu tham dự gồm: Liên danh Gói thầu XL-03 rạch Xuyên Tâm (giá dự thầu 558,854 tỷ đồng) với thành viên đứng đầu là Công ty CP Xây dựng Quang Đại Việt; Liên danh Gói thầu XL-03 Dự án rạch Xuyên Tâm (giá dự thầu sau giảm giá là 579,352 tỷ đồng) với thành viên đứng đầu là Công ty CP Công trình giao thông Sài Gòn. Cả 2 nhà thầu đều đề xuất thời gian thực hiện Gói thầu 550 ngày.

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP.HCM, Gói thầu XL-03 đang trong quá trình xét thầu. Đây là gói thầu được lựa chọn để tiến hành khởi công Dự án. Ngoài Gói thầu XL-03, Dự án còn có 2 gói thầu xây lắp lớn sắp được công bố mời thầu. Đó là Gói thầu XL-01 Đoạn từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến cầu Bùi Đình Túy, bao gồm rạch Cầu Sơn (từ Km0+000 đến Km2+512) có giá trị phê duyệt 1.304,91 tỷ đồng; Gói thầu XL-02 Đoạn từ cầu Bùi Đình Túy đến đường Lương Ngọc Quyến, bao gồm rạch Bình Lợi, rạch Bình Triệu (từ Km2+512 đến Km5+216) có giá trị phê duyệt 1.264,65 tỷ đồng.

Chủ đầu tư cho biết thêm, Dự án có mục tiêu đầu tư giải quyết ô nhiễm môi trường, cải tạo thoát nước, kết nối giao thông cục bộ và xây dựng hạ tầng kỹ thuật, thu gom nước thải về nhà máy xử lý nước thải tập trung của Thành phố. Đây cũng là dự án có chi phí giải phóng mặt bằng rất lớn, vừa được TP.HCM thống nhất thông qua quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư. Cụ thể, Thành phố thống nhất điều chỉnh tổng mức đầu tư của Dự án từ 9.660 tỷ đồng lên hơn 17.220 tỷ đồng. Ngoài việc điều chỉnh tổng mức đầu tư, Dự án vẫn giữ nguyên quy mô, các hạng mục và những nội dung khác. Dự án tăng tổng mức đầu tư do dự toán chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư theo Luật Đất đai 2024 là gần 14.000 tỷ đồng, tăng hơn 7.300 tỷ đồng so với dự toán được phê duyệt trước đây. Riêng chi phí xây dựng Dự án tăng gần 295 tỷ đồng. Việc điều chỉnh chi phí giải phóng mặt bằng đã “gỡ nút thắt” rất lớn cho Chủ đầu tư.

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận Bình Thạnh cho biết, Dự án có kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư cao nhất trên địa bàn Quận từ trước đến nay nên khối lượng công việc rất lớn. “Ban đang tổ chức mời thầu Gói thầu số 1 Tư vấn xác định đơn giá quyền sở hữu căn hộ chung cư để bố trí tái định cư. Gói thầu sẽ được đóng thầu vào ngày 14/10/2024”, đại diện Ban này chia sẻ.

Theo UBND quận Bình Thạnh, Dự án đi qua địa bàn 2 quận Bình Thạnh và Gò Vấp, trong đó, riêng quận Bình Thạnh có 2.077 trường hợp bị ảnh hưởng, quy mô thu hồi đất để thực hiện Dự án là 537.100 m2. Trong đó, giải tỏa một phần là 824 trường hợp, giải tỏa toàn phần chiếm 60% với 1.253 trường hợp. “Quận Bình Thạnh sẽ chính thức áp giá đền bù cho tất cả các trường hợp bị ảnh hưởng, phấn đấu chậm nhất đến 30/4/2025 sẽ bàn giao 100% mặt bằng cho Chủ đầu tư và các nhà thầu thi công đồng loạt”, đại diện UBND quận Bình Thạnh cho biết.

Quận Gò Vấp có 137 trường hợp bị ảnh hưởng. Đến nay, Quận đã phê duyệt phương án bồi thường, tiếp nhận mặt bằng của các hộ dân đồng thuận.

Chuyên đề