Dự án kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên: Vinaco rút lui sau khi kiến nghị

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Báo Đấu thầu vừa tiếp nhận đơn kiến nghị của Công ty CP Hạ tầng giao thông Vinaco về nội dung hồ sơ mời thầu (HSMT) một số gói thầu thuộc Dự án Xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên (kết nối tỉnh Long An qua sông Chợ Đệm và tỉnh Bình Dương, tỉnh Đồng Nai qua sông Sài Gòn). Sau kiến nghị, nhà thầu này không tham dự thầu.
Dự án kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên có tổng mức đầu tư 8.200 tỷ đồng. Ảnh: Hữu Khoa
Dự án kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên có tổng mức đầu tư 8.200 tỷ đồng. Ảnh: Hữu Khoa

Theo đơn kiến nghị của Nhà thầu Vinaco, yêu cầu về hợp đồng tương tự của HSMT các gói thầu XL-05, XL-06, XL-07, XL-08 thuộc dự án trên có một số nội dung chưa phù hợp với quy định, dẫn tới hạn chế sự tham dự của nhà thầu.

Cụ thể, HSMT yêu cầu trường hợp gói thầu gồm tổ hợp nhiều công trình (tính từ 1/1/2018), nhà thầu đã hoàn thành tối thiểu 1 công trình có loại kết cấu kè bảo vệ bờ (sông, hồ) sử dụng cừ ván bê tông cốt thép dự ứng lực (SW), trong đó chiều dài tuyến kè >= 2.850m được thi công ở TP.HCM và các tỉnh miền Tây Nam Bộ (nền đất yếu và chịu ảnh hưởng của thủy triều); 1 công trình có loại kết cấu xây dựng mới đường giao thông có bề rộng mặt đường bê tông nhựa >= 12m, vỉa hè >= 3m, tổng bề rộng tuyến >= 20m và chiều dài tuyến >= 2.850m.

Theo Nhà thầu Vinaco, yêu cầu về chiều dài tuyến kè, bề rộng mặt đường, bề rộng vỉa hè, bề rộng tuyến, chiều dài tuyến nêu trên không phản ánh tương tự về loại kết cấu công trình. Ngoài ra, yêu cầu công trình được thi công ở TP.HCM và miền Tây Nam Bộ là vi phạm Thông tư số 08/2022/TT-BKHĐT và Nghị định 63/2014/NĐ-CP.

Cũng liên quan đến hợp đồng tương tự, Nhà thầu Vinaco cho rằng, HSMT yêu cầu phải có biên bản nghiệm thu hoàn thành công trình đưa vào sử dụng, trường hợp chưa có thì phải có biên bản nghiệm thu khối lượng công việc được xác nhận bởi tư vấn giám sát và chủ đầu tư, công việc được nghiệm thu hoàn thành phải có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu của cơ quan xây dựng có thẩm quyền là không phù hợp với quy định.

Về phần tiêu chuẩn đánh giá kỹ thuật, HSMT yêu cầu nhà thầu có khả năng thi công cừ ván bê tông SW hoặc cọc ống dự ứng lực hoặc cọc vuông bê tông cốt thép, khối lượng thi công bình quân trong 3 năm (2019 - 2021 hoặc 2020 - 2022) >= 50% khối lượng thiết kế. Nhà thầu Vinaco cho rằng, yêu cầu này không có trong các quy định hiện hành.

Để xác minh thông tin liên quan đến các nội dung kiến nghị trên, phóng viên Báo Đấu thầu đã liên hệ với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP.HCM (Bên mời thầu - BMT). Đại diện BMT cho biết, ngay sau khi nhận được văn bản của Nhà thầu Vinaco, BMT đã yêu cầu đơn vị tư vấn rà soát lại HSMT. BMT khẳng định, các tiêu chí của HSMT, đặc biệt nội dung về hợp đồng tương tự và yêu cầu kỹ thuật tuân thủ đúng hướng dẫn của Thông tư số 08 và phù hợp với quy mô, tính chất của Dự án.

Các gói thầu xây lắp thuộc dự án trên đều được đấu thầu qua mạng, trong đó, Gói thầu XL-07 và Gói thầu XL-08 đã được mở thầu ngày 27/11. Theo ghi nhận, Nhà thầu kiến nghị không tham dự thầu.

Cụ thể, về kết cấu kè SW, đường giao thông của Dự án là công trình theo tuyến nên tiêu chí năng lực, kinh nghiệm yêu cầu về kết cấu theo chiều dài tuyến là phù hợp. Đường giao thông của Dự án là đường trong đô thị bao gồm mặt đường, vỉa hè, cây xanh, chiếu sáng, thoát nước nhằm đảm bảo tiêu chí kết cấu đường đô thị.

Về yêu cầu công trình tương tự được thi công ở TP.HCM và miền Tây Nam Bộ, BMT cho rằng, Nhà thầu kiến nghị chưa hiểu đúng bản chất yêu cầu công trình được thi công trên nền đất yếu và chịu ảnh hưởng của thủy triều (tương tự như tại TP.HCM, các tỉnh miền Tây Nam Bộ). “Yêu cầu này không phải bắt buộc gói gọn tại một địa phương là TP.HCM và các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Theo đó, nhà thầu chỉ cần kèm theo hồ sơ chứng minh điều kiện thủy văn, địa chất có đặc điểm tương tự là đạt yêu cầu”, BMT cho biết.

Đối với yêu cầu tài liệu chứng minh khối lượng công trình hoàn thành, BMT cho biết, yêu cầu này tuân thủ quy định tại Điều 23, 24 Nghị định 06/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng. “Nội dung này rất quan trọng để đánh giá việc hoàn thành công trình của nhà thầu. Đồng thời, BMT đưa ra 2 trường hợp để nhà thầu cung cấp tài liệu nhằm tạo thuận lợi cho nhà thầu, tuân thủ đúng tinh thần của Thông tư số 08”, BMT khẳng định.

Đối với yêu cầu khả năng thi công cừ ván, cọc ống, BMT cho rằng, Dự án có hạng mục kè chiếm khối lượng công việc lớn nhất, quan trọng nhất. Do đó, tiêu chí này giúp BMT chọn đơn vị đủ năng lực cung ứng số lượng cừ ván huy động cho Dự án.

Trao đổi với phóng viên, một chuyên gia đấu thầu cho biết, các gói thầu xây lắp thuộc Dự án hạ tầng kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên đều có tính chất phức tạp, nhiều hạng mục thi công, bắt buộc nhà thầu phải đủ thực lực, dày dạn kinh nghiệm. HSMT yêu cầu hợp đồng tương tự thể hiện rõ quy mô, chiều dài tuyến, tính chất, kết cấu, cấp và giá trị của công trình (40% giá trị gói thầu đang mời) là cần thiết. Đồng thời, HSMT yêu cầu tài liệu để chứng minh khối lượng hoàn thành của hợp đồng tương tự không đi ngược lại quy định về quản lý chất lượng thi công xây dựng.

Chuyên đề