Dự án đường vành đai phía Tây Đà Nẵng: Chậm tiến độ do giá trúng thầu giảm sâu?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo kế hoạch, đến ngày 30/9/2022, tuyến đường vành đai phía Tây Đà Nẵng (từ Quốc lộ 14B đến đường Hồ Chí Minh) sẽ được đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, từ thực tế công trường và khối lượng công việc các nhà thầu đang thực hiện, công trình có nguy cơ thêm lần nữa “vỡ” tiến độ.
Dự án Tuyến đường vành đai phía Tây Đà Nẵng có nguy cơ tiếp tục chậm tiến độ. Ảnh: Minh Hạnh
Dự án Tuyến đường vành đai phía Tây Đà Nẵng có nguy cơ tiếp tục chậm tiến độ. Ảnh: Minh Hạnh

Dự án Tuyến đường vành đai phía Tây Đà Nẵng có tổng vốn đầu tư 1.134 tỷ đồng, trong đó Gói thầu Xây lắp phần giao thông, thoát nước có giá trị hơn 636,7 tỷ đồng. Liên danh Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn - Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco 1) là nhà thầu thi công. Dự án được khởi công tháng 10/2018, thời gian thực hiện hợp đồng là 776 ngày, tức phải hoàn thành vào tháng 10/2020. Tuy nhiên, công trình đã nhiều lần phải lùi mốc hoàn thành và đến nay vẫn còn ngổn ngang do vướng một số vị trí mặt bằng và khả năng cân đối vốn của Liên danh nhà thầu gặp khó khăn.

Trên tổng chiều dài 19,2 km toàn tuyến, Cienco 1 đảm nhiệm thi công hai hạng mục cầu tại hai đầu tuyến thuộc các xã Hòa Phú và Hòa Khương, đường dẫn và mặt đường dài khoảng 5,5 km. Đây là phần việc đang có tình trạng “xôi đỗ”, ngổn ngang nhất cho đến thời điểm này. Bên cạnh nguyên nhân chính là vướng mặt bằng, nhà thầu này đang gặp khó khăn do “cạn” kinh phí bố trí cho công tác thi công.

Đại diện Nhà thầu Cienco 1 thừa nhận, dù mặt bằng hiện nay đã thông tuyến, nhưng phần việc do Cienco 1 thi công vẫn chưa hoàn chỉnh được đoạn nào. Quan sát thực tế trên công trường sáng 22/8, tại đoạn tuyến này vẫn vắng thiết bị và nhân lực thi công. “Kế hoạch là hết tháng 8 này sẽ thi công xong phần nền đường, sang tháng 9 sẽ rải đá cấp phối. Tuy nhiên, rất khó đạt khối lượng vì kinh phí “rót” xuống các đội thi công nhỏ giọt”, đại diện Nhà thầu Cienco 1 cho biết.

Cũng theo Cienco 1, từ khi hợp đồng giữa Chủ đầu tư và Liên danh nhà thầu được ký kết, Dự án bị vướng mặt bằng. Sau hơn một năm đình trệ do dịch Covid-19, khi có điều kiện thi công thì giá nhiên, vật liệu tăng cao, Nhà thầu càng làm càng lỗ nặng.

Gói thầu Xây lắp phần giao thông, thoát nước có giá 904,856 tỷ đồng. Liên danh Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn - Cienco 1 đã vượt qua 5 nhà thầu khác để trúng thầu với mức giá giảm hơn 31% so với giá gói thầu.

Để tiếp tục thi công và hoàn thành công trình, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn đang “gánh” cho Cienco 1 khoảng 4 km. Theo đại diện Nhà thầu Trường Sơn, với khối lượng của 4 km này, Nhà thầu tính toán sẽ lỗ khoảng 20 tỷ đồng. Nhà thầu thừa nhận lỗ do trúng thầu với tỷ lệ giảm giá sâu, tuy nhiên, nếu được bàn giao mặt bằng đúng theo hợp đồng thì công trình đã hoàn thành, thiệt hại sẽ ít hơn.

Đánh giá về tiến độ thi công (theo tiến độ gia hạn đến 30/9/2022), ông Nguyễn Minh Huy, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Đà Nẵng cho rằng vẫn còn chậm so với kế hoạch. “Mặc dù hiện nay trên tuyến còn một số vị trí vướng mặt bằng, tuy nhiên tiến độ thi công tại các vị trí không vướng vẫn chậm. Nguyên nhân chủ yếu do năng lực tài chính của Nhà thầu Cienco 1 và Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn”, ông Huy nói.

Để hoàn thành công trình vào 30/9/2022 đối với những đoạn có mặt bằng (đối với những đoạn chưa có mặt bằng hoàn thành trong vòng 6 tháng kể từ ngày bàn giao mặt bằng) theo Kế hoạch số 2484/UBND-SKHĐT ngày 9/5/2022 của UBND TP. Đà Nẵng, bên cạnh việc tháo gỡ khó khăn về tài chính, Chủ đầu tư yêu cầu Nhà thầu thay một số nhân sự tại các vị trí thi công. “Hiện các đội thi công mới vào công trường được hơn 2 tháng, đang bắt nhịp công việc nhưng còn rất chậm”, ông Huy cho biết thêm.

Về việc giá trúng thầu của Liên danh nhà thầu giảm nhiều so với giá gói thầu có phải là một trong những nguyên nhân dẫn đến chậm tiến độ, ông Huy cho rằng, tỷ lệ giảm giá đến 31% dẫn đến nhiều hạng mục Nhà thầu phải bỏ ra chi phí thực hiện lớn hơn chi phí được thanh toán, gây khó khăn trong việc huy động vốn. Ngoài ra, công tác giải phóng mặt bằng kéo dài, gặp thời điểm giá cả vật tư, nhiên liệu trên thị trường có biến động lớn nên tác động tiêu cực đến việc đẩy nhanh tiến độ thi công.

Chuyên đề