Dự án Đồi 79 Mùa Xuân: án nặng cho cựu Giám đốc

(BĐT) - Ngày 8/11, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đã mở lại phiên tòa xét xử Phan Thúy Mai, cựu Giám đốc HĐQT Công ty An Phát bị truy tố tội lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản.
Bị cáo Phan Thúy Mai cùng 3 cổ đông khác đã thành lập Công ty An Phát và tiếp nhận Dự án 79 Mùa Xuân từ Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Toàn Thắng
Bị cáo Phan Thúy Mai cùng 3 cổ đông khác đã thành lập Công ty An Phát và tiếp nhận Dự án 79 Mùa Xuân từ Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Toàn Thắng

Bán cổ phần “giấy” lấy tiền tỷ?

Bị cáo Phan Thúy Mai bị xét xử vì hành vi chuyển nhượng 2 nền đất biệt thự dự án sang sở hữu cá nhân, chiếm đoạt của Công ty An Phát 30,5 tỷ đồng.

Trước đó, năm 1995, Phan Thúy Mai thành lập Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Toàn Thắng (ở TP.HCM, vốn điều lệ 2 tỷ đồng). Năm 2004, Công ty Toàn Thắng được giao chủ đầu tư Dự án Xây dựng Khu du lịch Đồi 79 Mùa Xuân (huyện Mê Linh, Vĩnh Phúc). Nhưng sau đó, bị cáo Mai cùng 3 cổ đông khác thành lập Công ty An Phát với vốn điều lệ 30 tỷ đồng và tiếp nhận Dự án từ Công ty Toàn Thắng.

Quá trình thực hiện Dự án gặp nhiều khó khăn, bị cáo Mai đã xin chia tách Dự án. Cùng lúc đó, các cổ đông sáng lập của Công ty An Phát đề nghị rút vốn.

Tại phiên tòa, bị cáo Mai khai khi bị cáo xin chia tách Dự án thì được giới thiệu với Công ty Long Việt. Hai bên thỏa thuận hợp tác đầu tư với tỷ lệ 50/50. Công ty Long Việt biết việc các cổ đông đòi rút vốn và đồng ý hợp tác, góp vốn để bị cáo Mai có nguồn trả tiền cho các cổ đông. Tuy nhiên, tại cơ quan điều tra, đại diện Công ty Long Việt khẳng định góp vốn đầu tư Dự án, chứ không phải góp vốn để bị cáo Mai lấy tiền trả cho các cổ đông.

Theo kết quả điều tra, Công ty An Phát và Công ty Long Việt đã ký hợp đồng hợp tác đầu tư và chuyển 23 tỷ đồng cho Công ty An Phát. Số tiền này, bị cáo Mai đã hạch toán cá nhân Mai góp vốn vào Công ty sau đó rút ra để trả cho các cổ đông.

Cũng theo thỏa thuận, hai bên lập đơn vị quản lý Dự án và Công ty Long Việt được quyền quản lý chứng từ, hóa đơn thu chi của Dự án, nhưng bị cáo Phan Thúy Mai không chấp nhận. Do đó, Công ty Long Việt yêu cầu rút vốn.

Để có tiền trả Công ty Long Việt, bị cáo Mai sử dụng tư cách pháp nhân Công ty An Phát ký hợp đồng hợp tác đầu tư với Công ty An Thành để nhận 14,5 tỷ đồng. Sau nhiều lần hợp tác không thành, đối tác đòi rút vốn và đến hạn trả nợ ngân hàng, Phan Thúy Mai đã ký hợp đồng chuyển nhượng 33% vốn điều lệ của Công ty An Phát cho bà Trương Kim Bích với giá là 33 tỷ đồng.

Ngoài 33 tỷ đồng mua cổ phần, bà Bích còn chuyển tiền chi trả các chi phí hàng tháng theo chứng từ do kế toán Công ty An Phát theo dõi. Tổng số tiền bà Bích thanh toán cho Phan Thúy Mai và đóng góp vào Công ty An Phát là 43,5 tỷ đồng.

Theo lời khai tại tòa của một cổ đông sáng lập của Công ty An Phát thì thực chất khi thành lập Công ty An Phát, bà Mai cam kết góp 19,8 tỷ đồng nhưng không bỏ tiền túi và bán cổ phần ra bên ngoài. 

Kết quả điều tra cho thấy, sau nhiều lần kê khai điều chỉnh đăng ký kinh doanh, Phan Thúy Mai kê khống tới 27,9 tỷ đồng vốn góp, chiếm dụng 12 tỷ đồng của Công ty An Phát. 

Biến tài sản công ty thành tài sản cá nhân

Có dòng tiền từ cổ đông mới, Công ty An Phát tiếp tục thực hiện Dự án. Năm 2008, Công ty An Phát nộp 41 tỷ đồng tiền sử dụng đất và sau đó cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Công ty. Tổng cộng, có 194 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Tại phiên tòa, bị cáo Mai đã thừa nhận hành vi tự ý ký hợp đồng chuyển nhượng hai nền đất biệt thự (5.045m2 và 1.529m2)  từ Công ty An Phát sang cho cá nhân bị cáo mà không thông qua HĐQT, trái với quy định của Luật Doanh nghiệp, trái với điều lệ Công ty.

Phan Thúy Mai cũng thừa nhận thủ tục sang tên 2 nền đất biệt thự từ Công ty An Phát sang cá nhân bị cáo là không đúng với quy định của pháp luật về quản lý đất đai. Tuy nhiên, bị cáo phủ nhận không có chuyện dùng tiền "bôi trơn" để được hợp pháp hóa 2 nền đất (từ cấp xã đến cấp sở).

Sau khi hợp pháp hóa 2 nền đất biệt thự của Công ty An Phát, Mai sử dụng một nền đất hơn 5.000m2 cầm cố cho Ngân hàng Đông Á để vay 28 tỷ đồng sử dụng vào mục đích cá nhân. Sau đó, do không trả được nợ nên Ngân hàng Đông Á đã bán cho VAMC thuộc Ngân hàng Nhà nước.

Nền đất biệt thự còn lại 1.500m2, bị cáo Mai khai từng mang đi thế chấp ngân hàng để vay tiền chi tiêu cá nhân. Nhưng về sau đã tất toán với ngân hàng và giải chấp, lấy sổ đỏ về. Hiện thửa đất này không cầm cố hoặc thế chấp cho tổ chức, cá nhân nào. Nhưng sổ đỏ thửa đất này đã bị thất lạc, bị cáo cũng không biết.

Có mặt tại phiên tòa, đại diện Ngân hàng Đông Á trình bày có việc chuyển nhượng khoản nợ có tài sản bảo đảm là nền đất hơn 5.000m2 cho VAMC. Nhưng mới đây, VAMC đã đơn phương chấp dứt hợp đồng, đồng thời hoàn trả ngân hàng giấy tờ về thửa đất này.

“Nếu tòa tuyên Ngân hàng Đông Á phải trả lại Công ty An Phát sổ đỏ và nền đất biệt thự nêu trên vì lý do là tài sản bất hợp pháp thì Ngân hàng sẽ chấp hành quyết định của Tòa án và sẽ khởi kiện Phan Thúy Mai ra tòa để yêu cầu trả nợ 28 tỷ đồng cùng tiền lãi phát sinh” - đại diện Ngân hàng Đông Á cho biết.

Sau 1 ngày xét xử, Tòa án tuyên phạt bị cáo Phan Thúy Mai 16 năm tù giam vì tội lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản. Tòa án cũng buộc Ngân hàng Đông Á và bị cáo Mai trả lại Công ty An Phát 2 nền đất biệt thự đã chiếm đoạt. Ngược lại, Công ty An Phát trả cho bị cáo Mai 9,8 tỷ đồng đã nộp vào doanh nghiệp.

Chuyên đề