Dự án BOT ký hợp đồng khi chưa cấp phép đầu tư

(BĐT) - Kết luận thanh tra về Dự án Xây dựng cầu Yên Lệnh, Quốc lộ 38 của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa ban hành đã chỉ rõ nhiều sai phạm trong công tác quản lý và khai thác dự án BOT này. 
Thời gian thu phí hoàn vốn Dự án Cầu Yên Lệnh bị đề xuất giảm 4 năm 3 tháng so với Hợp đồng BOT đã ký. Ảnh: Bích Thảo
Thời gian thu phí hoàn vốn Dự án Cầu Yên Lệnh bị đề xuất giảm 4 năm 3 tháng so với Hợp đồng BOT đã ký. Ảnh: Bích Thảo

Ngoài việc ký hợp đồng BOT trước khi được cấp Giấy phép đầu tư tới gần 1 năm, dự án có giá trị đầu tư hơn 830 tỷ đồng này còn bị yêu cầu phải giảm thời gian thu phí 4 năm 3 tháng so với hợp đồng BOT đã ký kết.

Vi phạm trong ký hợp đồng dự án

Dự án Đầu tư xây dựng cầu Yên Lệnh, Quốc lộ 38, tỉnh Hà Nam và Hưng Yên được Bộ GTVT phê duyệt đầu tư lần đầu năm 2000 với tổng mức đầu tư 360,5 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước chiếm khoảng 30% - 40%, còn lại đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT. Đến ngày 21/8/2001, Bộ GTVT phê duyệt điều chỉnh Dự án với tổng mức đầu tư điều chỉnh lên hơn 338 tỷ đồng, nguồn vốn thực hiện dự án theo cơ chế BOT riêng. Ngày 19/9/2014, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho phép bổ sung Dự án Đầu tư xây dựng Quốc lộ 38 đoạn từ cầu Yên Lệnh đến nút giao Vực Vòng theo hình thức hợp đồng BOT vào Hợp đồng Dự án cầu Yên Lệnh.

Tháng 10/2014, Bộ GTVT đã phê duyệt bổ sung Dự án Đầu tư xây dựng Quốc lộ 38 đoạn từ cầu Yên Lệnh đến nút giao Vực Vòng với tổng mức đầu tư hơn 833 tỷ đồng và giao Ban Quản lý dự án 6 là đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện Dự án. Thời gian thu phí hoàn vốn BOT theo hợp đồng năm 2002 là 17 năm 1 tháng, theo hợp đồng điều chỉnh năm 2012 là 21 năm 4 tháng (trong đó thời gian thu phí hoàn vốn Dự án là 19 năm 10 tháng, thời gian thu phí tạo thuận lợi cho doanh nghiệp là 18 tháng). Nhà đầu tư của Dự án là Liên danh Tổng công ty Xây dựng Thăng Long và Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 4.

Tại Kết luận thanh tra số 13147/KL-BGTVT, Bộ GTVT cho biết, Hợp đồng BOT số 52002/BGTVT-KHĐT được ký kết giữa Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Liên danh Tổng công ty Xây dựng Thăng Long - Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 4 vào tháng 5/2002. Tuy nhiên, đến ngày 8/4/2003, Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới cấp Giấy phép đầu tư số 05/GP-ĐTNN cho Công ty TNHH BOT Cầu Yên Lệnh thực hiện đầu tư Dự án theo hình thức hợp đồng BOT. Như vậy, hợp đồng BOT xây dựng cầu Yên Lệnh đã được ký trước gần 1 năm so với thời điểm được cấp Giấy phép đầu tư. “Ký hợp đồng BOT trước khi được cấp Giấy phép đầu tư là chưa đúng Điều 19, Nghị định số 77/CP ngày 18/7/1997 của Chính phủ”, Bộ GTVT chỉ rõ. 

Tính phương án tài chính sai 148 tỷ đồng

Cũng qua thanh tra, Bộ GTVT còn phát hiện, phương án tài chính trong Hợp đồng BOT cầu Yên Lệnh, Quốc lộ 38 đã tính sai một số nội dung về nguồn thu, chi phí với giá trị hơn 148 tỷ đồng. Sai sót này gây ảnh hưởng đến thời gian hoàn vốn Dự án. Cụ thể, phương án tài chính trong Hợp đồng BOT đã tính thuế thu nhập doanh nghiệp mức 6% giá trị thu phí. Mức thuế được áp dụng này là chưa phù hợp vì theo quy định, thuế suất là 10%; nhà đầu tư được miễn 4 năm đầu kể từ khi có thu nhập chịu thuế và được giảm 50% thuế cho 9 năm tiếp theo. Mức thuế áp dụng chưa phù hợp khiến cho giá trị thuế thu nhập doanh nghiệp theo thực tế phải giảm trừ so với phương án tài chính trong hợp đồng đã ký là hơn 119,6 tỷ đồng.

Đáng chú ý, khoản thuế VAT đầu vào nhà đầu tư được hoàn, khấu trừ cũng chưa được nêu trong Hợp đồng BOT. Điều này gây ảnh hưởng đến chi phí lãi vay trong thời gian xây dựng và thời gian hoàn vốn Dự án, cụ thể, giá trị tính đến ngày 30/6/2016 là gần 12,9 tỷ đồng. Ngoài ra, hơn 15,8 tỷ đồng lãi vay trong thời gian xây dựng và phí bảo toàn vốn cũng chưa được cập nhật trong Hợp đồng BOT. “Tổng lãi vay trong thời gian xây dựng và phí bảo toàn vốn cho Liên danh nhà đầu tư trong Hợp đồng BOT là hơn 26,4 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo kiểm toán độc lập chỉ là gần 10,6 tỷ đồng, giá trị chênh lệch hơn 15,8 tỷ đồng”, Bộ GTVT nêu rõ.

Đặc biệt, cơ quan thanh tra còn phát hiện, giá trị sửa chữa đường dẫn của Dự án là gần 3,4 tỷ đồng năm 2012 mới phát sinh, nhưng phương án tài chính trong Hợp đồng BOT lại tính nhầm dòng tiền chi từ năm 2005.

Dự án Đầu tư xây dựng Quốc lộ 38 đoạn từ cầu Yên Lệnh đến nút giao Vực Vòng là dự án được đầu tư với số vốn lớn, 833 tỷ đồng. Thời gian thu phí hoàn vốn của Dự án theo hợp đồng BOT là 19 năm 10 tháng. Tuy nhiên, qua quá trình thanh tra, Đoàn thanh tra của Bộ GTVT xác định chỉ cần 15 năm 7 tháng (tức là giảm 4 năm 3 tháng so với Hợp đồng BOT đã ký) là nhà đầu tư có thể thu hồi hết vốn (chưa tính thời gian ưu đãi tạo thuận lợi cho nhà đầu tư theo hợp đồng BOT là 18 tháng).

Về sự “chưa khớp nhau” này, Bộ GTVT cho biết, thời gian thu phí hoàn vốn của Dự án sẽ được chuẩn xác lại sau khi quyết toán Dự án và ký lại Phụ lục hợp đồng BOT theo dự án mới bổ sung. Đoàn thanh tra cũng đề nghị Ban PPP thuộc Bộ GTVT tính toán lại phương án tài chính trên cơ sở Hợp đồng BOT đã ký để tham mưu cho Bộ GTVT ký Phụ lục Hợp đồng điều chỉnh với nhà đầu tư nhằm điều chỉnh thời hạn hợp đồng, thời gian thu phí hoàn vốn Dự án đảm bảo phù hợp, tuân thủ đúng quy định của pháp luật.

Chuyên đề