Đến nay, giá trị giải ngân của Dự án Trường THPT Trần Đại Nghĩa mới đạt 12,349 tỷ đồng. Ảnh: TL st |
Tình huống trên xảy ra tại Dự án Trường THPT Trần Đại Nghĩa (huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam) do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Nam làm Chủ đầu tư. Công trình có tổng mức đầu tư 61,1 tỷ đồng, trong đó, Gói thầu xây lắp trị giá 45,337 tỷ đồng. Liên danh Công ty TNHH Thuận Gia - Công ty CP Xây dựng và Kinh doanh nhà Tam Kỳ - Công ty TNHH MTV Thương mại và Dịch vụ Đại Thiên là nhà thầu thi công, thực hiện hợp đồng trong 360 ngày. Theo thỏa thuận liên danh, Thuận Gia đảm nhiệm khối lượng công việc tương đương 24,903 tỷ đồng; Công ty CP Xây dựng và Kinh doanh nhà Tam Kỳ thực hiện khối lượng công việc tương ứng 18,976 tỷ đồng; Công ty TNHH MTV Thương mại và Dịch vụ Đại Thiên 1,458 tỷ đồng.
Theo Chủ đầu tư, Dự án được phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu ngày 23/3/2020. Trước đó, Ban Quản lý dự án - quỹ đất huyện Quế Sơn cam kết bàn giao 100% mặt bằng, tổng diện tích 27.254 m2 trong tháng 3/2020. Tuy nhiên, khi hợp đồng được ký kết (tháng 7/2020), mặt bằng vẫn chưa được giải phóng. Ban tiếp tục cam kết bàn giao mặt bằng đợt 1 vào tháng 8/2020 với phần diện tích 19.903 m2 đất nông nghiệp; đợt 2 trong tháng 12/2020 với phần diện tích còn lại.
Đến nay, mặt bằng Dự án mới được bàn giao hoàn chỉnh ở một hạng mục. Các hạng mục còn lại được giao một phần nên Nhà thầu không triển khai dẫn đến giá trị giải ngân mới đạt 12,349 tỷ đồng (8,504 tỷ đồng quyết toán khối lượng thực tế và 3,854 tỷ đồng tạm ứng). Số kinh phí này được giải ngân cho Nhà thầu Thuận Gia, các thành viên còn lại trong Liên danh chưa thi công nên không có khối lượng để thanh toán.
Liên danh nhà thầu đã gửi liên tiếp 3 công văn đề nghị Chủ đầu tư bàn giao mặt bằng và có phương án điều chỉnh giá vật liệu cho phù hợp với thời điểm bàn giao mặt bằng. Sau đó, mặt bằng hạng mục khối nhà hiệu bộ, bộ môn, nhà đa năng lần lượt được bàn giao tháng 5/2022, tháng 10/2022 và tháng 2/2023. Hạng mục này do Công ty CP Xây dựng và Kinh doanh nhà Tam Kỳ đảm nhiệm. Tuy nhiên, khi có mặt bằng thì Nhà thầu lại không nhận bàn giao và từ chối thi công với lý do thời gian bàn giao mặt bằng chậm dẫn đến giá vật liệu, nhân công tăng cao, nếu tiếp tục làm sẽ lỗ nặng. Tháng 11/2022, Công ty CP Xây dựng và Kinh doanh nhà Tam Kỳ chủ động gửi công văn đề nghị Chủ đầu tư thanh lý hợp đồng.
Trước đề nghị này, Chủ đầu tư đã tổ chức các cuộc làm việc với Liên danh nhà thầu để tìm cách tháo gỡ nhưng bất thành. Ngày 12/6/2023, đại diện Liên danh nhà thầu tiếp tục gửi công văn đề nghị Chủ đầu tư chấm dứt hợp đồng với phần việc mà Công ty CP Xây dựng và Kinh doanh nhà Tam Kỳ đảm nhận.
Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, ông Trịnh Xuân Đông, Giám đốc Công ty CP Xây dựng và Kinh doanh nhà Tam Kỳ cho biết, khâu GPMB tại dự án này có vấn đề ngay từ đầu. “Ngày động thổ Dự án, dân kéo ra ngăn cản không cho thi công vì chính quyền chưa đo đạc diện tích, kiểm kê tài sản, hoa màu, nhà cửa, chưa có phương án đền bù... Sau đó hơn 3 năm, Nhà thầu vẫn ngóng mặt bằng dù vật giá tăng gấp 2 - 3 lần. Trước khi đề nghị chấm dứt hợp đồng, Nhà thầu đã hoàn trả kinh phí tạm ứng. Chủ đầu tư đang đề xuất chuyển phần việc của Nhà thầu cho Thuận Gia”, ông Đông chia sẻ.
“Sau khi xem xét năng lực, kinh nghiệm của Nhà thầu Thuận Gia, Chủ đầu tư đã đề nghị UBND Tỉnh, Sở Xây dựng thống nhất giao lại phần khối lượng công việc của Công ty CP Xây dựng và Kinh doanh nhà Tam Kỳ để Thuận Gia tiếp tục triển khai hoàn thành Dự án”, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Nam cho biết.
Cùng với đề nghị trên, Chủ đầu tư cho biết, theo quyết định của cấp có thẩm quyền, Dự án được triển khai giai đoạn 2019 - 2023. Đối với thời gian thực hiện hợp đồng Gói thầu xây lắp, các bên thỏa thuận là 360 ngày (kể từ ngày bàn giao mặt bằng) nên hiệu lực hợp đồng vẫn còn. Tuy nhiên, do mới thực hiện được 25% khối lượng nên không thể hoàn thành trước tháng 12/2023. Vì vậy, Chủ đầu tư đã đề nghị UBND Tỉnh được kéo dài thời gian thực hiện Dự án đến tháng 12/2024.