Khu dân cư Phước An (huyện Nhơn Trạch) bị bỏ hoang sau hơn 10 năm triển khai. Ảnh: Hương Giang |
Trong giai đoạn 2011 - 2020, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai quy hoạch hơn 300 dự án bất động sản (BĐS) gồm đất nền, nhà ở với diện tích gần 9,3 nghìn ha, trong đó, nhiều dự án có diện tích trên 100 ha. Tuy nhiên, số dự án hoàn thành trong giai đoạn này không nhiều, đa số được chuyển sang giai đoạn 2021 - 2030 để thực hiện tiếp. Huyện Nhơn Trạch, Long Thành, Trảng Bom và TP. Biên Hòa là các địa phương được quy hoạch, cấp phép nhiều dự án BĐS, trong đó có những dự án đã kéo dài 8 - 14 năm vẫn chưa thành hình, ảnh hưởng đến đời sống của các hộ dân trong khu vực dự án.
Bà Lê Thị Linh, xã Phú Hữu (huyện Nhơn Trạch) cho biết, Dự án Khu dân cư (KDC) Phú Hữu rộng 56 ha lấy gần hết đất ở, canh tác của gia đình bà. Tuy nhiên, Dự án kéo dài gần 10 năm nay chưa triển khai khiến gia đình bà gặp nhiều khó khăn khi muốn chia đất cho con cái, hay thế chấp vay vốn đầu tư sản xuất kinh doanh. Vì thế, bà Linh mong tỉnh Đồng Nai xem xét lại việc thực hiện Dự án, trường hợp không triển khai thì hủy bỏ, trả lại quyền lợi trên thửa đất cho các hộ dân trong vùng dự án.
Qua rà soát các dự án để đưa vào danh mục thu hồi đất, tháng 5/2022, HĐND tỉnh Đồng Nai đã hủy bỏ 62 dự án BĐS. Trong đó có không ít dự án đã được HĐND Tỉnh đưa vào danh mục thu hồi đất từ năm 2015, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện. Đơn cử, huyện Nhơn Trạch có 36 dự án BĐS bị hủy bỏ, đa số nằm trong danh mục thu hồi đất từ năm 2015 đến năm 2018 như: Khu đô thị Đại Phước 130 ha; KDC Đại Phước - Phú Hữu rộng 64 ha thuộc địa bàn 2 xã Đại Phước và Phú Hữu; KDC 90 ha ở xã Phú Thạnh; KDC Phước An 70 ha... Huyện Trảng Bom cũng có nhiều dự án BĐS lớn quá thời hạn không thực hiện thu hồi đất, bị hủy bỏ là: KDC mật độ thấp 50 ha nằm trên địa bàn 3 xã: Quảng Tiến, Đồi 61, Giang Điền; KDC dịch vụ Giang Điền (khu B) 105 ha; KDC dịch vụ Giang Điền (Long Điền) 97 ha. Huyện Long Thành có KDC đô thị mới Bình Sơn 555 ha thuộc 2 xã Bình Sơn, Lộc An…
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai, vào thời điểm cuối năm, các địa phương đều gửi lên Sở hàng trăm dự án để đưa vào kế hoạch sử dụng đất cho năm sau. Khi nhận danh sách, Sở Tài nguyên và Môi trường đều tiến hành rà soát và loại những dự án quá thời hạn nhưng chưa thực hiện. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều dự án vướng mắc ở khâu quy hoạch, đất đai, xây dựng nên kéo dài, được Tỉnh tiếp tục gia hạn thực hiện, trong đó có không ít dự án KDC.
Theo quan sát của phóng viên, trong giai đoạn 2005 - 2015, doanh nghiệp (DN) ồ ạt về Đồng Nai đề xuất đầu tư hàng trăm dự án. Việc lựa chọn nhà đầu tư, cấp phép cho các dự án BĐS còn dễ dãi, để lọt nhiều nhà đầu tư chưa bảo đảm về năng lực tài chính, kinh nghiệm dẫn đến hàng loạt dự án “đắp chiếu”. Mặt khác, có tình trạng nhà đầu tư xin cấp phép dự án chờ giá đất tăng để chuyển nhượng kiếm lời thông qua mua, bán cổ phần, góp vốn.
Ông Nguyễn Hữu Nguyên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đồng Nai cho biết, khoảng 4 năm trở lại đây, nhiều dự án hạ tầng giao thông được triển khai thu hút DN đầu tư vào công nghiệp, BĐS tại Đồng Nai. Một số dự án BĐS đã được sang tay bằng cách mua bán cổ phần, góp vốn, chuyển nhượng dự án. Đồng Nai đang rà soát lại các dự án BĐS trên địa bàn, những dự án kéo dài nhiều năm không triển khai do nhà đầu tư chỉ mua “chờ thời” để sang nhượng lại, không đủ khả năng về tài chính để thực hiện sẽ bị thu hồi để mời gọi những DN có đủ năng lực thực hiện.
Tuy nhiên, việc thực thi biện pháp này gặp không ít vướng mắc ở cả khía cạnh pháp lý và tình huống thực tiễn. Đơn cử, theo quy định của Luật Đất đai, các dự án gia hạn thêm 2 năm mà nhà đầu tư vẫn không thực hiện sẽ bị thu hồi, nhưng đó là với những dự án có sẵn đất sạch cho nhà đầu tư thực hiện. Thực tế, phần lớn dự án BĐS ở Đồng Nai phải thu hồi đất của người dân, quá trình bồi thường, giải phóng mặt bằng gặp nhiều trắc trở do sự rung lắc với biên độ lớn của thị trường BĐS, có dự án kéo dài từ 5 đến 8 năm chưa xong. Đó là cái cớ để chủ đầu tư ách lại khâu triển khai xây dựng, thủng thẳng xin chủ trương đầu tư và chờ thời sang lại dự án kiếm lời.
Để khắc phục các khuyết tật kể trên, Đồng Nai sẽ “gạn đục, khơi trong”, chấn chỉnh khâu lựa chọn nhà đầu tư, góp phần dẹp nạn dự án “treo”. Với hàng loạt dự án hạ tầng trọng điểm đang được triển khai như: Cảng hàng không quốc tế Long Thành, cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, Vành đai 3 - TP.HCM…, Đồng Nai kỳ vọng sẽ có chuyển biến về “chất” trong thu hút đầu tư, triển khai thực hiện dự án BĐS và phát triển đô thị trong thời gian tới.