Đồng bộ giải pháp nâng cao hiệu quả công tác đấu thầu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo truyền đạt chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái về việc tăng cường chất lượng công tác đấu thầu. Trong đó, Phó Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh công tác đấu thầu qua mạng, nâng cao chất lượng khâu chuẩn bị đầu tư; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, theo dõi hoạt động lựa chọn nhà thầu và nhà đầu tư.
Một số tồn tại, bất cập trong công tác đấu thầu thời gian qua bắt nguồn từ khâu chuẩn bị chưa tốt. Ảnh minh họa: Tiên Giang
Một số tồn tại, bất cập trong công tác đấu thầu thời gian qua bắt nguồn từ khâu chuẩn bị chưa tốt. Ảnh minh họa: Tiên Giang

Trước đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã có Văn bản số 6071/BKHĐT-QLĐT báo cáo Chính phủ về tình hình thực hiện hoạt động đấu thầu năm 2022. Từ những tồn tại, hạn chế của hoạt động này, Bộ KH&ĐT đã có những đề xuất, giải pháp cụ thể để tham mưu cho Chính phủ ban hành các quyết sách nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả của công tác đấu thầu.

Đồng ý với các đề xuất, giải pháp của Bộ KH&ĐT, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chỉ đạo Văn phòng Chính phủ công bố rộng rãi đến các bộ, ngành, ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tổng công ty nhà nước, tập đoàn kinh tế nhà nước triển khai đầy đủ, đồng bộ các giải pháp này.

Cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty tập trung triển khai thực hiện công tác lựa chọn nhà thầu theo đúng quy định của pháp luật, đặc biệt tại các dự án quan trọng, trọng điểm để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, thúc đẩy công tác giải ngân vốn đầu tư công. Các cấp, ngành cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, theo dõi hoạt động lựa chọn nhà thầu và nhà đầu tư, đặc biệt đối với những gói thầu có nhiều kiến nghị, phản ánh tiêu cực, vi phạm; những gói thầu có ít nhà thầu tham dự và có tỷ lệ tiết kiệm thấp; những trường hợp một nhà thầu trúng nhiều gói thầu tại một địa phương, một chủ đầu tư, bên mời thầu trong thời gian dài. Trường hợp phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì kịp thời có biện pháp xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Trong thời gian qua, theo các phản ánh của Báo Đấu thầu, công tác lập hồ sơ mời thầu (HSMT), đánh giá hồ sơ dự thầu (HSDT), làm rõ HSDT, công khai thông tin khi tổ chức lựa chọn nhà thầu của một số chủ đầu tư, bên mời thầu còn bộc lộ nhiều bất cập. Bộ KH&ĐT đã đưa ra nhiều khuyến cáo, văn bản chấn chỉnh, Thông tư số 08/2022 đã nêu hàng loạt hành vi bị cấm khi tổ chức lựa chọn nhà thầu, Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia liên tục cập nhật các tiêu chí hạn chế nhà thầu đối với từng lĩnh vực đấu thầu, nhưng tình trạng “cài cắm”, đưa ra các tiêu chí không phù hợp trong HSMT vẫn tái diễn. Đặc biệt, tình trạng yêu cầu “giấy phép con”, tự điều chỉnh các mẫu HSMT để cản trở sự tham gia của đông đảo nhà thầu chưa được xử lý triệt để.

Để nâng cao hiệu quả công tác đấu thầu, Chính phủ chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tiếp tục tăng cường, đẩy mạnh việc công khai thông tin đầy đủ, chính xác và tổ chức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư qua Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.

Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng chuẩn bị đầu tư và lựa chọn nhà đầu tư đối với các dự án đầu tư có sử dụng đất, dự án phải đấu thầu theo pháp luật chuyên ngành, pháp luật về xã hội hóa, bảo đảm tính cạnh tranh, hiệu quả tổng thể của dự án đầu tư kinh doanh.

Thực tế, một số tồn tại, bất cập trong công tác đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thời gian qua bắt nguồn từ khâu chuẩn bị chưa tốt, dẫn tới dự án thiếu sức hấp dẫn đối với cộng đồng nhà đầu tư. Nhiều dự án được các địa phương liên tục mời thầu rộng rãi nhưng không thể tìm được đơn vị đủ năng lực. Để tháo gỡ những bất cập, vướng mắc này, Bộ KH&ĐT cho biết sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiếp tục rà soát, nghiên cứu phương án hoàn thiện các hướng dẫn về đấu thầu lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư.

Cùng với đó, theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Bộ KH&ĐT đang chủ trì xây dựng, trình Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Đấu thầu số 22/2023/QH15 để bảo đảm thi hành Luật từ ngày 1/1/2024.

Chuyên đề