“Đọc vị” các chiêu bài cài cắm địa phương

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nhiều gói thầu gần đây bị tiêu chí địa phương, cục bộ tác động đến tính minh bạch, hiệu quả. Dù Luật Đấu thầu và các văn bản hướng dẫn thực thi, trong đó có Chỉ thị số 47 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 03 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nghiêm cấm nhưng các hành vi này trong xây dựng hồ sơ mời thầu (HSMT) vẫn tồn tại.
Nhiều tiêu chí mang tính địa phương hóa được nhiều bên mời thầu đưa ra để chốt chặn nhà thầu đến từ địa phương khác. Ảnh: Nhã Chi
Nhiều tiêu chí mang tính địa phương hóa được nhiều bên mời thầu đưa ra để chốt chặn nhà thầu đến từ địa phương khác. Ảnh: Nhã Chi

Chỉ đích danh nhà thầu, người có hộ khẩu tại địa phương

Nhiều gói thầu mua sắm hàng hóa theo hình thức mua sắm tập trung tại Bình Thuận, Bình Định, TP.HCM, Gia Lai… thời gian qua lạm dụng tiêu chí yêu cầu trung tâm bảo hành, bảo trì có địa chỉ đăng ký hoạt động tại địa bàn triển khai gói thầu. Khi bị nhà thầu phản ứng, các bên mời thầu (BMT) thường lấy lý do để phục vụ cho công tác sau bán hàng, sửa chữa, khắc phục, bảo hành, bảo trì kịp thời cho đơn vị sử dụng. Nhiều BMT cho phép nhà thầu ký hợp đồng với đơn vị có chức năng thực hiện bảo hành, bảo trì nhưng với điều kiện phải sử dụng người lao động có hộ khẩu tại địa bàn kèm theo hợp đồng lao động tối thiểu từ 6 tháng trở lên. “Vừa cài bằng được nhà thầu địa phương, vừa bắt buộc phải thuê lao động là người của địa phương như vậy, quả thực rất khó cho các nhà thầu ngoại tỉnh tham gia dự thầu”, một nhà thầu tại Tiền Giang than thở.

Một số BMT lại đưa ra yêu cầu dị biệt đối với hợp đồng tương tự để làm khó nhà thầu “lạ”. Chi cục Thủy lợi TP Cần Thơ liên tục đưa ra yêu cầu “Hợp đồng tương tự đã thực hiện trên địa bàn các tỉnh miền Tây” đối với hàng loạt gói thầu xây lắp kè giá trị lớn. Nhiều BMT khu vực Tây Nguyên yêu cầu “hợp đồng tương tự đã thực hiện trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên”.

Cá biệt hơn, một BMT trong ngành giáo dục tuy không nêu đích danh địa bàn nhưng lại yêu cầu hợp đồng tương tự đã từng cung cấp hàng hóa cho 150 trường học, 25 huyện, thị. “Mỗi tỉnh có số lượng trường học, huyện, thị khác nhau. Nhà thầu chỉ cần cung cấp hợp đồng tương tự có giá trị từ 70% giá trị gói thầu, tương tự về quy mô, tính chất hàng hóa là phải được đánh giá đáp ứng yêu cầu. Việc các BMT nêu rõ số lượng đơn vị sử dụng như vậy, không khác gì “đo ni đóng giày” cho nhà thầu từng cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho chính họ trong các năm trước. Do đó, các gói thầu như vậy chỉ là sân chơi của những nhà thầu quen, thiếu tinh thần cạnh tranh”, một nhà thầu đến từ TP. Đà Nẵng cho biết.

Biến tướng khó lường

Địa phương hóa tiêu chí mời thầu - chốt chặn nhà thầu đến từ tỉnh khác -đang được nhiều BMT dựng lên bởi nhiều chiêu thức mà Báo Đấu thầu đã phản ánh trong thời gian qua. Trước hết là các yêu cầu về xác nhận vị trí đổ thải, bãi thải. Đây là chiêu thức phổ biến để loại các nhà thầu “lạ”. Thậm chí, nhiều gói thầu có lượng chất thải xây dựng không nhiều nhưng HSMT cố tình đưa ra tiêu chí này để nhà thầu “lạ” khó xoay xở được tờ giấy xác nhận của chính quyền địa phương về vị trí đổ thải.

Thứ hai là HSMT đưa ra nhiều yêu cầu quá cao về các giấy phép khai thác vật liệu. Bãi đá, mỏ khai thác đất, sỏi… trong phạm vi gần công trình đều bắt buộc nhà thầu phải có hợp đồng nguyên tắc, thậm chí sở hữu giấy phép khai thác còn hiệu lực. Nhiều công trình xây dựng trường học, trụ sở làm việc của đơn vị nhà nước quy mô cấp III cũng bắt buộc tiêu chí này. Các nhà thầu cho rằng, nhà thầu chịu trách nhiệm về số lượng, chất lượng vật liệu đầu vào, có đơn vị tư vấn giám sát, có sự quản lý của chủ đầu tư để đảm bảo vật liệu có nguồn gốc xuất xứ cụ thể, có chứng từ, hóa đơn kèm theo vẫn không được chấp nhận.

Thứ ba, đưa cả tính chất của nguồn vật liệu của địa phương khiến nhiều nhà thầu bỏ cuộc. Cụ thể như Công ty TNHH Xây dựng dịch vụ T&T Tây Ninh khi lập HSMT các gói thầu thuộc Dự án Nâng cấp, mở rộng đường từ Huyện đội - Ngã ba Sọ - Đường huyện 3 - Đường huyện 4 đã đưa ra yêu cầu hợp đồng tương tự phải có đầy đủ các hạng mục như: kết cấu mặt đường bê tông nhựa, lớp móng trên đá 4x6 chèn đá dăm, lớp móng dưới đá 4x6 chèn sỏi đỏ. “Đây là một yêu cầu lạ mà chỉ nhà thầu nào từng thi công công trình giao thông tại Tây Ninh mới có khả năng dự. Bởi, dù cùng khu vực và có tính chất địa lý tương tự như Đồng Nai, Bình Phước, Lâm Đồng…, không BMT nào yêu cầu chi tiết đến từng lớp móng trên và dưới đá như vậy”, một nhà thầu nhận xét. Chính đại diện BMT còn cho rằng, yêu cầu như vậy là phù hợp với các mỏ đá, sỏi của Tây Ninh.

Thứ tư là một số BMT tự đưa ra yêu cầu nhà thầu phải có xác nhận về việc khảo sát công trình. Yêu cầu này đã khiến nhiều nhà thầu “mướt mồ hôi” khi bị BMT làm khó khi đi khảo sát hiện trường, rồi không xác nhận cho nhà thầu.

Chuyên đề