Độc quyền khiến giá thiết bị y tế bất hợp lý

(BĐT) - Theo Phó Tổng Kiểm toán nhà nước (KTNN) Cao Tấn Khổng, công tác kiểm toán chuyên đề đầu tư, mua sắm, quản lý và sử dụng trang thiết bị y tế năm 2015 chỉ là một phần rất nhỏ.
Qua kiểm toán cho thấy, công tác xây dựng, phê duyệt kế hoạch đấu thầu mua sắm hóa chất, vật tư y tế tiêu hao còn nhiều bất cập. Ảnh: Tiên Giang
Qua kiểm toán cho thấy, công tác xây dựng, phê duyệt kế hoạch đấu thầu mua sắm hóa chất, vật tư y tế tiêu hao còn nhiều bất cập. Ảnh: Tiên Giang

Kết quả kiểm toán là để cảnh báo cho ngành y tế có những nghiên cứu, biện pháp chấn chỉnh nhằm hạn chế, sửa đổi, bảo đảm trong công tác quản lý toàn bộ kinh phí của Nhà nước ở các đơn vị của ngành này được chặt chẽ hơn.  

Nếu được kiểm toán ở phạm vi rộng hơn, có thời gian, điều kiện thì KTNN toàn diện vấn đề đấu thầu thuốc, dược, vật tư, trang thiết bị y tế (TTBYT) trong toàn quốc, khi đó trách nhiệm quản lý của ngành y tế, trách nhiệm của người đứng đầu sẽ còn nhiều vấn đề để bình luận.

Theo KTNN, trong năm 2015, Bộ Y tế chưa xây dựng kế hoạch trung hạn và kế hoạch dài hạn về đầu tư mua sắm TTBYT để làm căn cứ xác định nhu cầu mua sắm trang thiết bị hàng năm.

Liên quan đến công tác đấu thầu, Bộ Y tế cũng chưa ban hành các văn bản quy định cụ thể về đấu thầu TTBYT. Đặc biệt là công tác xây dựng, phê duyệt kế hoạch đấu thầu mua sắm hóa chất, vật tư tiêu hao còn nhiều bất cập. Việc phê duyệt giá kế hoạch giữa các bệnh viện hầu hết là khác nhau cho một loại vật tư, hóa chất của cùng một nhà cung cấp và có sự chênh lệch rất lớn giữa giá được phê duyệt cao nhất và thấp nhất.

Đơn cử như kim cánh bướm, giá của BV Việt Đức là 1.090đ, trong khi đó giá của BV Chợ Rẫy gấp 6,7 lần là 7.350đ; dây truyền huyết thanh BV Bạch Mai là 3.675đ, BV Hữu nghị Việt Đức gấp 4,8 lần là 18.000đ…

Đối với hóa chất, 1 hộp Series Retic Pak reagen kit, 1x380ml+1.900ml được Viện Huyết học Truyền máu TƯ mua với giá 16.718.000đ, Bệnh viện Thống nhất mua với giá 2.874.375đ; 1 hộp Cleaning Solution (Clean A), 1x500ml thì Bệnh viện Chợ Rẫy mua với giá 1.597.000đ, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức mua với giá 5.067.000đ…

Ngoài ra, việc xây dựng giá kế hoạch mua sắm căn cứ theo chứng thư thẩm định giá đối với những mặt hàng không cần phải thẩm định giá và không xem xét đến trường hợp một số nhà thầu báo giá thấp hơn giá thẩm định (tại tỉnh Gia Lai, Đăk Nông, Kon Tum). Cá biệt, KTNN cho biết đã phát hiện 1 gói thầu gây thiệt hại 10,77 tỷ đồng và KTNN đã kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước.

Thông tin thêm về kết quả kiểm toán, đại diện KTNN khu vực 12 cho biết, kết quả kiểm toán mua sắm trang thiết bị của một số tỉnh cho thấy đã thực hiện đúng quy trình, thủ tục mua sắm, đấu thầu trang thiết bị.

Tuy nhiên qua nghiên cứu, giá trúng thầu của nhiều trang thiết bị có bất hợp lý so với giá nhập khẩu của chính trang thiết bị đó. Do đó, KTNN đã kiểm toán giá dự toán các gói thầu, so sánh với giá trúng thầu. Khi đó, tại tỉnh Gia Lai, kiểm toán một số gói thầu phát hiện rằng, giá trúng thầu so với giá nhập khẩu bán đến Việt Nam của nhà sản xuất cao hơn 2,53 lần. Trong đó, một số trang thiết bị có giá mua so với giá nhập khẩu cao gấp từ 4-7 lần, cá biệt có trang thiết bị mua với giá cao hơn 20 lần (monitor mua 114 triệu đồng nhưng giá nhập khẩu là 5,3 triệu đồng).

KTNN không phát hiện được dấu hiệu của thông thầu, vi phạm quá trình đấu thầu. Tuy nhiên, kiểm toán chính xác thì mặt bằng chung của giá có sự bất hợp lý cho thấy chính sách độc quyền về lựa chọn nhà phân phối của các nhà sản xuất. Nhiều nhà sản xuất chỉ ủy quyền cho 1 doanh nghiệp trong nước nhập khẩu và phân phối sản phẩm. Chính chính sách độc quyền này đã chi phối, làm cho giá trang thiết bị y tế cao lên như vậy.

KTNN cho rằng, đây là vấn đề mà cơ quan quản lý nhà nước về giá phải quan tâm. Nếu cơ quan nhà nước quản lý được giá trang thiết bị y tế công khai, minh bạch được như giá ô tô thì giá mặt hàng này sẽ giảm, có lợi cho nhân dân, những người thụ hưởng dịch vụ khám, chữa bệnh.

Chuyên đề