Doanh nghiệp xi măng đối mặt nhiều khó khăn

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 cộng với giá thép xây dựng tăng đột biến… trong thời gian qua khiến tình hình tiêu thụ xi măng trong nước có xu hướng giảm, đặc biệt là từ tháng 7 đến nay. Trong khi đó, xuất khẩu xi măng tăng nhưng hiệu quả thực sự mang lại cho doanh nghiệp (DN) không cao. Vì thế, Hiệp hội Xi măng Việt Nam dự báo từ nay đến cuối năm, bức tranh tiêu thụ xi măng sẽ chưa thể sáng ngay được.
Tiêu thụ xi măng trong nước giảm trong thời gian qua, đặc biệt giảm mạnh kể từ đầu tháng 7/2021 đến nay. Ảnh: Nhã Chi
Tiêu thụ xi măng trong nước giảm trong thời gian qua, đặc biệt giảm mạnh kể từ đầu tháng 7/2021 đến nay. Ảnh: Nhã Chi

Ông Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho biết, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN xi măng đang đối mặt với nhiều khó khăn. Tiêu thụ xi măng trong nước giảm, đặc biệt giảm mạnh kể từ đầu tháng 7/2021 đến nay.

Dẫn số liệu của Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), ông Cung cho hay, trong 8 tháng năm 2021, tiêu thụ tại thị trường nội địa đạt khoảng 43,54 triệu tấn, giảm khoảng 5% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, riêng tháng 8, tiêu thụ trong nước khoảng 4,97 triệu tấn, giảm 23,4% so với tháng 5/2021. Trong tháng 9, sản lượng tiêu thụ sản phẩm xi măng tiếp tục giảm so với tháng 8/2021.

Về xuất khẩu, ông Cung cho hay, mặc dù xuất khẩu xi măng 9 tháng năm nay tăng mạnh, đạt gần 32 triệu tấn và tăng tới 19% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng xét về hiệu quả kinh tế thì không đáng kể.

Nguyên nhân của tình trạng này, theo ông Cung, là do diễn biến thị trường thời gian qua có nhiều yếu tố bất lợi tác động đến hiệu quả xuất khẩu xi măng như: chi phí logicstics tăng cao; giá than (nhiên liệu đầu vào) tăng liên tục… dẫn đến lợi nhuận qua xuất khẩu không đáng kể.

Ông Nguyễn Quang Mạnh, Trưởng phòng Kinh doanh của Xí nghiệp Tiêu thụ thuộc Công ty TNHH MTV Xi măng VICEM Hoàng Thạch chia sẻ, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trong quý III/2021 nên các địa bàn kinh doanh trọng điểm của Công ty như: Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương có lượng tiêu thụ xi măng xuống thấp.

“Trước đây, khi chưa có dịch Covid-19, bình quân mỗi ngày tiêu thụ xi măng của VICEM Hoàng Thạch tại các địa bàn này khoảng 12.000 - 13.000 tấn, nhưng lượng tiêu thụ bình quân trong tháng 7, 8 và 9 chỉ còn ở mức 7.000 - 8.000 tấn/ngày”, ông Mạnh thông tin.

Cũng theo ông Mạnh, VICEM Hoàng Thạch tham gia xuất khẩu, nhưng do chi phí vận tải tăng cao, cùng với đó là giá than tăng… nên hiệu quả kinh doanh của DN chưa được như mong đợi.

Thông tin công bố mới đây của Công ty CP Xi măng Bỉm Sơn, Tổng công ty Xi măng Việt Nam, Công ty CP Xi măng Hà Tiên 1… cũng cho biết, hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN này bị giảm sút so với cùng kỳ năm 2020.

Theo báo cáo mới đây của Hiệp hội Xi măng gửi Thủ tướng Chính phủ và cơ quan chức năng, hiện có 20 nhà máy xi măng công suất nhỏ với 29 dây chuyền công nghệ sản xuất (chiếm 11% tổng công suất thiết kế toàn ngành) đang gặp nhiều khó khăn do chi phí sản xuất cao, khó cạnh tranh, thậm chí đã có 5 dây chuyền phải dừng sản xuất. “Nếu không sản xuất được thì các nhà máy sẽ phải đóng cửa, trước mắt là các nhà máy xi măng ở vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế khó khăn…”, Hiệp hội thông tin.

Dự báo về tình hình tiêu thụ xi măng những tháng cuối năm, đại diện Hiệp hội Xi măng Việt Nam nhận định, bức tranh tiêu thụ xi măng trong nước sẽ chưa sáng lên ngay trong quý IV/2021. “Dự kiến, trong quý IV, tiêu thụ trong nước sẽ không bật tăng ngay được do hoạt động đầu tư xây dựng vẫn bị ảnh hưởng của dịch bệnh khiến nhiều đơn vị xây dựng thiếu nhân công, thiếu vốn, giá thép xây dựng cao… Với xuất khẩu, hiện giá than đang “nhảy múa” theo chiều hướng tăng, cước vận tải dù giảm nhưng không đáng kể”, ông Cung nhận định.

Phân tích thêm lý do khiến tiêu thụ thép - vật liệu xây dựng gắn chặt với xi măng, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng cho biết, thép là một trong những vật liệu xây dựng quan trọng trong ngành xây dựng. Thời gian qua, giá thép tăng phi mã đã khiến nhiều nhà thầu trúng thầu “sống dở, chết dở” vì hầu như họ đều ký kết hợp đồng gói thầu xây dựng theo loại hợp đồng trọn gói hoặc theo đơn giá cố định nên cơ hội điều chỉnh giá là không thể. Đây là một trong những nguyên nhân khiến hoạt động xây dựng đình trệ. Còn hiện nay, khi dịch bệnh đã được kiểm soát, song giá nguyên, nhiên vật liệu đầu vào cho sản xuất xi măng như: giá than, giá dầu lại có xu hướng tăng… cũng sẽ kéo giá thép tăng và tiếp tục tác động bất lợi đến hoạt động xây dựng, trong đó có tiêu thụ xi măng.

Với những khó khăn này, nhiều DN cho rằng, các chủ đầu tư/bên mời thầu cũng như các cấp có thẩm quyền cần vào cuộc mạnh mẽ trong việc tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN, từ đó tạo lực cầu thúc đẩy tiêu thụ vật liệu xây dựng.

Chuyên đề