Viettel là một trong 5 nhà mạng di động đã ký biên bản cam kết về việc thu hồi SIM kích hoạt sẵn. Ảnh: TTXVN |
Cuối tháng 10/2016, 5 nhà mạng di động (gồm Viettel, MobiFone, VNPT, Vietnamobile và Gtel) đã ký biên bản cam kết với Bộ Thông tin và Truyền thông về việc thu hồi SIM kích hoạt sẵn trên kênh phân phối và nhanh chóng thực hiện việc thu hồi SIM rác. Đến nay, hơn 20 triệu SIM kích hoạt sẵn, trong đó có tới 80% là SIM 11 số, đã được các nhà mạng thu hồi.
Cùng với việc loại bỏ SIM rác, Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông di động tích cực thực hiện việc xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao chính xác nhằm phục vụ công tác đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.
Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, mỗi ngày ở Việt Nam có hàng triệu tin nhắn rác được phát tán. Các tin nhắn rác này chủ yếu xuất phát từ các SIM rác, là những SIM thuê bao di động trả trước đăng ký thông tin chủ thuê bao không chính xác.
Nhiều đối tượng đã dễ dàng mua những số thuê bao này để gửi tin nhắn nặc danh, lừa đảo, gây rối trật tự trị an, ảnh hưởng trực tiếp đến người dân cũng như an ninh thông tin, quốc phòng...
Nhằm góp phần hạn chế tin nhắn rác, bảo vệ quyền lợi của người sử dụng dịch vụ viễn thông, Nghị định 49/2017/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định các doanh nghiệp viễn thông di động sẽ phải chịu trách nhiệm về đăng ký thuê bao trả trước.
Nghị định cũng quy định các doanh nghiệp viễn thông di động chịu hoàn toàn trách nhiệm đối với hoạt động của các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông, kể cả các điểm đại lý được ủy quyền. Đồng thời các doanh nghiệp viễn thông di động phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, đầy đủ của thông tin thuê bao.
Doanh nghiệp viễn thông có 12 tháng để chuẩn hóa toán bộ dữ liệu thuê bao, trước khi phải chịu phạt tiền nếu bị phát hiện thông tin thuê bao sai lệch.
Theo Nghị định, số lượng SIM trả trước đối với mỗi cá nhân, tổ chức được sử dụng sẽ không bị hạn chế như trước đây (3 thuê bao/cá nhân).
Đối với 3 số thuê bao đầu tiên cá nhân chỉ cần xuất trình giấy tờ và ký xác nhận thông tin thuê bao, từ số thuê bao thứ tư trở lên cá nhân cần ký hợp đồng với doanh nghiệp viễn thông. Khách hàng đăng ký thuê bao sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc sử dụng số thuê bao đã được cung cấp, cũng như khi chuyển nhượng thuê bao.
Bà Lê Thị Ngọc Mơ, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông cho biết: “Nghị định 49/2017/NĐ-CP cũng đưa ra mức xử phạt nặng cho các hành vi vi phạm với từng chủ thể (doanh nghiệp, điểm cung cấp dịch vụ và chủ thuê bao viễn thông di động), đặc biệt là hành vi cung cấp dịch vụ cho tổ chức, cá nhân có thông tin thuê bao không đúng quy định”.
Theo đó, doanh nghiệp di động cung cấp dịch vụ cho chủ thuê bao có thông tin thuê bao không đúng quy định sẽ bị phạt với mức phạt cao (1 triệu đồng trên mỗi số thuê bao). Ngoài doanh nghiệp, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp viễn thông di động có thể bị phạt lên tới 100 triệu đồng với các sai phạm lớn.
Ngoài ra còn các hình thức phạt bổ sung, khắc phục hậu quả khác sẽ được áp dụng, nhiều mức phạt đối với các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông sai quy định, các tổ chức, cá nhân lưu thông SIM thuê bao đã nhập sẵn thông tin và kích hoạt dịch vụ. Hành vi cung cấp hoặc ứng dụng công nghệ thông tin để giả mạo thông tin trong các hợp đồng dịch vụ viễn thông sẽ bị phạt tiền từ 80 triệu đến 100 triệu đồng...