Doanh nghiệp khó, ngân hàng nặng nợ

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Giá trị nợ xấu đã tăng 40,2% so với cuối năm 2022, tỷ lệ nợ xấu bình quân toàn hệ thống đến cuối tháng 3/2023 là 2,88%, cao hơn đáng kể so với mức 2,05% vào cuối năm 2022. Những con số này cho thấy ngành ngân hàng đang đứng trước áp lực lớn về nợ xấu.
Việc bán tài sản bảo đảm để xử lý nợ xấu, đặc biệt là các khoản nợ lớn khó thực hiện trong điều kiện thị trường bất động sản đóng băng. Ảnh: Lê Tiên
Việc bán tài sản bảo đảm để xử lý nợ xấu, đặc biệt là các khoản nợ lớn khó thực hiện trong điều kiện thị trường bất động sản đóng băng. Ảnh: Lê Tiên

Để giải quyết nợ xấu, điều kiện tiên quyết là các doanh nghiệp phải khôi phục được hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo được dòng tiền và trả nợ. Cùng với đó, một số ý kiến cho rằng, cần mở cơ chế thuận lợi thu hút nhiều chủ thể tham gia xử lý nợ xấu.

Nợ xấu gia tăng

Các số liệu thống kê cho thấy, doanh nghiệp đối mặt với thách thức lớn để tồn tại, duy trì sản xuất, kinh doanh, chờ đợi cơ hội tích cực hơn từ thị trường. Tính chung 5 tháng, có hơn 88 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 22,6% so với cùng kỳ năm 2022. Qua phản ánh của doanh nghiệp, khó khăn lớn nhất hiện nay là sức cầu yếu, đặc biệt các nhóm hàng chủ lực như điện tử, điện thoại, dệt may, da giày, đồ gỗ… Chỉ số quản trị nhà mua hàng (PMI) tháng 5 chỉ đạt 45,3 điểm, kéo dài xu hướng phản ánh sản xuất, đơn hàng yếu đi từ cuối năm 2022.

Bên cạnh đó, thị trường bất động sản khó khăn, tác động lớn đến hoạt động xây dựng, vật liệu xây dựng, đồ gỗ và lao động việc làm trong nước. Theo số liệu của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARs), 5 tháng đầu năm 2023 có 554 doanh nghiệp bất động sản giải thể, tăng 30,4% so cùng kỳ năm trước. Số lượng doanh nghiệp bất động sản thành lập mới cũng giảm tới 61,4% so cùng kỳ năm trước, chỉ có 1.744 doanh nghiệp. Ngoài ra, quý I/2023 doanh thu của doanh nghiệp bất động sản giảm 6,46% và lợi nhuận sau thuế giảm 38,6% so cùng kỳ năm 2022.

Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, dư nợ tín dụng bất động sản đến cuối năm 2022 đạt khoảng 2,58 triệu tỷ đồng, tăng 24,27% so với cuối năm 2021. Đây là một trong những lĩnh vực tăng trưởng cao nhất, chiếm 21,2% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế.

Tại Báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2023 vừa công bố, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, nợ xấu có xu hướng tăng, giá trị nợ xấu tăng 40,2% so với cuối năm 2022 (cùng kỳ 2022 tăng 8,8%). Tỷ lệ nợ xấu bình quân toàn hệ thống đến cuối tháng 3/2023 là 2,88% (cuối năm 2022 là 2,05%).

Tỷ lệ dự phòng rủi ro tín dụng/nợ xấu bình quân toàn hệ thống là 80,8% (cuối năm 2022 là 114,2%). Tỷ lệ dự phòng cụ thể/nợ xấu trong cho vay tổ chức kinh tế và cá nhân bình quân toàn hệ thống là 54,1% (cuối năm 2022 ở mức 77,2%).

Theo TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), chất lượng tài sản của các ngân hàng đang suy giảm, việc kiểm soát nợ xấu của các ngân hàng gặp nhiều khó khăn do một số nguyên nhân. Trước hết, hoạt động sản xuất, kinh doanh của khách hàng vay tiếp tục gặp khó khăn, giảm nguồn thu và khả năng trả nợ, nguy cơ phát sinh nợ xấu. Bên cạnh đó, việc bán tài sản bảo đảm, đặc biệt là các khoản nợ lớn cần tổ chức bán theo giá thị trường khó thực hiện trong điều kiện thị trường bất động sản đóng băng.

Mặt khác, tuy các doanh nghiệp đã từng bước phục hồi sản xuất, kinh doanh, nhưng đến nay, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa đủ khả năng trả các khoản nợ đã được cơ cấu lại và khoản nợ đến hạn gây ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng.

“Mặc dù tỷ lệ nợ xấu nội bảng được kiểm soát ở mức dưới 3% nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là một số khoản nợ về nguyên tắc đã trở thành nợ xấu song do được cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ, các khoản đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp với mục đích cơ cấu lại nợ, các khoản phải thu khó đòi, lãi dự thu phải thoái...”, ông Hùng nhấn mạnh.

Việc kiểm soát nợ xấu của các ngân hàng gặp nhiều khó khăn hoạt động sản xuất, kinh doanh của khách hàng vay tiếp tục gặp khó khăn, giảm nguồn thu và khả năng trả nợ

Việc kiểm soát nợ xấu của các ngân hàng gặp nhiều khó khăn hoạt động sản xuất, kinh doanh của khách hàng vay tiếp tục gặp khó khăn, giảm nguồn thu và khả năng trả nợ

Xử lý nợ xấu: Cần cơ chế cởi mở hơn

Ông Trần Tánh, Phó phòng Phân tích Công ty TNHH Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, áp lực lớn nhất với ngành ngân hàng trong năm nay chính là nợ xấu, đặc biệt là nợ xấu của lĩnh vực bất động sản, bao gồm cả khối trái phiếu doanh nghiệp bất động sản. Dù vậy, vẫn có một số ngân hàng có dư nợ tín dụng bất động sản ở mức thấp và tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao nên áp lực trong thời gian tới không quá lớn. Mặt khác, với các chính sách hỗ trợ của Chính phủ và NHNN như: giải pháp gỡ khó cho trái phiếu doanh nghiệp, cho phép gia hạn nợ và chưa chuyển nhóm nợ với một số nhóm đối tượng đã giúp các ngân hàng và doanh nghiệp có thêm thời gian xử lý các khoản vay đang gặp khó khăn.

Theo ông Tánh, bức tranh kinh doanh của quý II có thể sẽ xấu hơn quý I với nợ xấu tăng. “Trong thời gian tới, nếu các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phát huy hiệu quả tốt, đặc biệt lãi suất đã có xu hướng giảm, giúp doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh thì hoạt động của ngân hàng có thể hồi phục trở lại từ quý III/2023”, ông Tánh nói.

Tại Báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2023 vừa công bố, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, nợ xấu có xu hướng tăng, giá trị nợ xấu tăng 40,2% so với cuối năm 2022 (cùng kỳ 2022 tăng 8,8%). Tỷ lệ nợ xấu bình quân toàn hệ thống đến cuối tháng 3/2023 là 2,88% (cuối năm 2022 là 2,05%).

Liên quan đến làm cách nào để xử lý nợ xấu ngân hàng, một số đại biểu Quốc hội đã đề xuất tạo cơ chế mới cho phép nhiều chủ thể được mua nợ khi tham gia thảo luận về Dự án Luật Các tổ chức tín dụng, chiều ngày 9/6/2023.

Theo đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (Bà Rịa - Vũng Tàu), hiện nay, Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư đã bãi bỏ các rào cản cho việc thành lập doanh nghiệp mua bán nợ, nhưng các doanh nghiệp này không hoạt động được vì không được hưởng các cơ chế như tại Nghị quyết 42/NQ-QH về xử lý nợ xấu. Cụ thể, các doanh nghiệp không có quyền thu giữ tài sản bảo đảm như các tổ chức tín dụng. Ông Hùng đề nghị trong lần sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng hiện nay, cần cân nhắc cho phép các doanh nghiệp khi mua nợ xấu cũng được hưởng cơ chế xử lý nợ xấu như các tổ chức tín dụng để thu hút nhiều chủ thể tham gia xử lý nợ xấu, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xử lý nợ xấu. Cùng với đó, ông Hùng đề xuất việc nhận và xử lý tài sản bảo đảm là bất động sản có thể được thực hiện theo hình thức trực tiếp hoặc ủy quyền thông qua 1 tổ chức hoạt động tại Việt Nam.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) kiến nghị, bên cạnh đối tượng được mua bán, xử lý nợ gồm Công ty Quản lý tài sản (VAMC), Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC), Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi cần mở thêm các đối tượng khác nếu có khả năng tài chính, không sai phạm trong hoạt động để có thị trường mua bán nợ công khai, minh bạch, không nên bó hẹp chỉ có 2 công ty.

Đồng ý với nội dung việc bán nợ xấu và tài sản đảm bảo phải "phù hợp với giá thị trường", ông Hòa cho rằng, nghe qua thì hợp lý nhưng cần phải rõ thế nào là giá thị trường để xác định cho chuẩn xác. Theo đó, ông Hòa kiến nghị cần quy định chi tiết về bán nợ xấu phù hợp với giá thị trường trong nghị định hướng dẫn thực thi Luật của Chính phủ.

Chuyên đề