Nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn cả đầu vào và đầu ra của hoạt động sản xuất kinh doanh. Ảnh: Lê Tiên |
Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) TP. Hà Nội (HaSME) cho biết, các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội đang gặp khó khăn cả đầu vào và đầu ra trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Về đầu vào, khó khăn trước hết là thiếu nguồn nguyên liệu sản xuất, chi phí logistics tăng cao, thậm chí có hợp đồng vận chuyển chịu mức phí tăng gấp 3 lần so với trước khi xảy ra dịch. Bên cạnh đó, các DNNVV sử dụng vốn vay tương đối nhiều, vì vậy khi doanh thu sụt giảm thì khó khăn tài chính càng lớn. Về đầu ra, nhiều DNNVV đang phải đối mặt với tình trạng tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ sụt giảm mạnh. Dự báo, những ảnh hưởng đến cộng đồng doanh nghiệp còn tiếp diễn ngay cả khi đã hết dịch bệnh.
Một khảo sát của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ cho thấy, nếu Covid-19 kéo dài 6 tháng, 74% số doanh nghiệp được khảo sát có thể sẽ phá sản, gần 30% số doanh nghiệp mất 20 - 50% doanh thu, 60% số doanh nghiệp giảm hơn một nửa doanh thu. “Theo tôi, những con số này là xác đáng. Có thể thấy rõ là nhiều doanh nghiệp có thể sẽ phá sản nếu dịch bệnh kéo dài 6 tháng, chủ yếu do doanh thu không thể bù đắp các khoản chi cho hoạt động như trả lương, lãi vay ngân hàng, thuê mặt bằng...”, ông Quốc Anh nói.
Để vượt qua khó khăn này, ông Quốc Anh cho biết, một số doanh nghiệp đã tìm nhiều giải pháp như tái cơ cấu nguồn lực, thay đổi chiến lược kinh doanh, chiến lược bán hàng. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp không còn chần chừ với việc tận dụng các ứng dụng của thương mại điện tử để bán hàng, quản trị nhân sự trực tuyến… Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp đang tìm cách tận dụng các chính sách hỗ trợ từ các cơ quan chức năng.
Trong lĩnh vực bất động sản, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, lĩnh vực này đang gặp một số thách thức lớn từ đại dịch Covid-19. Cụ thể, nhiều doanh nghiệp sụt giảm nghiêm trọng doanh thu, lợi nhuận, thậm chí có thể mất thanh khoản, từ đó làm tăng nguy cơ thua lỗ, phá sản.
“Dù phải đương đầu với nhiều khó khăn như vậy, nhưng các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội có niềm tin là dịch Covid -19 sẽ được kiểm soát, khống chế hiệu quả, nền kinh tế cũng như thị trường bất động sản sẽ phục hồi và tăng trưởng trở lại”, ông Châu nhận định.
Từ phía cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam, kết quả khảo sát về tác động của dịch Covid-19 đến các hoạt động của doanh nghiệp được Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) công bố ngày 31/3 cho thấy, phần lớn các thành viên của Hiệp hội lo ngại về tác động kinh tế từ dịch bệnh. Các công ty sản xuất tiếp tục phải đối mặt với những thách thức từ việc sụt giảm đơn hàng, dịch vụ hậu cần và quản lý dòng tiền.
Cụ thể, 80% thành viên tham gia khảo sát lo ngại tác động về mặt kinh tế từ dịch bệnh này. Một nửa thành viên tham gia khảo sát đang trì hoãn việc tuyển dụng mới. Đáng chú ý, hơn 75% số thành viên tham gia khảo sát cảm nhận là Chính phủ đang thực thi rất hiệu quả những việc cần phải làm để ứng phó với dịch bệnh.
“Tình trạng dịch bệnh bùng phát gây lo ngại và bất an cho cả người dân và doanh nghiệp tại Việt Nam. Các thành viên của AmCham quan ngại nhất về việc đảm bảo an toàn cho người lao động, sự gián đoạn của chuỗi cung ứng và đối diện với tình trạng sụt giảm mạnh mẽ nhu cầu của khách hàng và người tiêu dùng nói chung”, ông Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành của AmCham cho biết.
“Các thành viên của chúng tôi thể hiện sự ủng hộ và đánh giá cao các nỗ lực của Chính phủ trong việc giữ an toàn và sức khỏe cho người dân trong suốt giai đoạn khó khăn này. Hầu hết những doanh nghiệp tham gia khảo sát cho rằng, Chính phủ đang thực thi hiệu quả các giải pháp ứng phó với khủng hoảng dịch bệnh”, ông Sitkoff nói thêm.