DN khó khăn, giá cổ phiếu tăng theo kỳ vọng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Chốt phiên giao dịch 8/8, VN-Index đạt 1.242,23 điểm, tương đương tăng 22,7% so với đầu năm. Thị trường sôi động, xuất hiện nhiều phiên giao dịch với mức thanh khoản tỷ USD đã kéo giá của nhiều cổ phiếu tăng cao bất chấp kết quả kinh doanh nửa đầu năm không tương xứng.
Giá cổ phiếu QCG của Công ty CP Quốc Cường Gia Lai tăng hơn 145% dù nửa đầu năm 2023 Công ty lỗ 10,2 tỷ đồng. Ảnh: NC st
Giá cổ phiếu QCG của Công ty CP Quốc Cường Gia Lai tăng hơn 145% dù nửa đầu năm 2023 Công ty lỗ 10,2 tỷ đồng. Ảnh: NC st

Giá cổ phiếu khác biệt với hiệu quả kinh doanh

Tính từ đầu năm đến nay, thị giá cổ phiếu QCG của Công ty CP Quốc Cường Gia Lai đã tăng hơn 145%, từ mức giá 4,25 đồng lên 10,45 đồng/cổ phiếu, đặc biệt trong khoảng thời gian từ 25/5 - 13/6 đã tăng liền một mạch 137%. Giá cổ phiếu QCG tăng mạnh sau khi doanh nghiệp này công bố thông tin thắng kiện Công ty CP Đầu tư Sunny Island trong vụ tranh chấp tại Dự án Phước Kiển, Nhà Bè. Theo phán quyết của Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), Sunny Island phải hoàn trả cho Quốc Cường Gia Lai toàn bộ hồ sơ đền bù đất, giải phóng mặt bằng mà Sunny Island đã nhận theo biên bản giao nhận ngày 31/3/2017.

Về kết quả kinh doanh, 6 tháng đầu năm 2023, doanh thu của Quốc Cường Gia Lai đạt 210 tỷ đồng, chưa bằng một nửa con số 651 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái và lỗ 10,2 tỷ đồng.

Không riêng Quốc Cường Gia Lai, kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bất động sản (BĐS) thời gian qua khá ảm đạm, nhưng giá cổ phiếu lại tăng mạnh. Đơn cử, mã chứng khoán LDG của Công ty CP Đầu tư LDG đã tăng 47% từ đầu năm đến nay dù quý II/2023 lỗ gần 78 tỷ đồng, nâng tổng số lỗ 6 tháng 2023 lên 150,6 tỷ đồng.

Tương tự, Tổng công ty CP Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC CORP, mã chứng khoán: DIG) ghi nhận doanh thu thuần đạt 575 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 81 tỷ đồng trong nửa đầu năm, lần lượt giảm 47% và 43% so với nửa đầu năm ngoái và mới thực hiện được chưa đến 1/10 mục tiêu lợi nhuận cả năm, nhưng giá cổ phiếu DIG đã tăng tới 73% từ đầu năm đến nay.

Được kỳ vọng kinh doanh khởi sắc nhờ các công trình đầu tư công nhưng kết quả kinh doanh của Công ty CP FECON vẫn chưa thể làm hài lòng các nhà đầu tư. Doanh thu 6 tháng đầu năm nay giảm 16,6%, đạt 1.283 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đi ngang ở mức 1,4 tỷ đồng. Điểm tích cực là biên lợi nhuận gộp đã được cải thiện ở mức 19,3% so với 12,5% cùng kỳ năm ngoái. Dù kết quả kinh doanh chưa có nhiều khởi sắc nhưng giá cổ phiếu FCN từ đầu năm đến nay đã tăng tới 70%, từ mức 10,05 nghìn đồng lên 17,1 nghìn đồng.

Cá biệt có những cổ phiếu như VSF của Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) tăng trần 10 phiên liên tiếp, tương ứng mức tăng 300% thị giá trong 2 tuần. Đà tăng của VSF và doanh nghiệp ngành gạo nói chung diễn ra trong bối cảnh Ấn Độ, Nga, UAE cấm xuất khẩu lúa gạo. Điều này được giới chuyên gia đánh giá là tin tốt cho doanh nghiệp có sẵn hàng tại Việt Nam. Theo báo cáo tài chính quý II/2023, doanh thu của Vinafood 2 ghi nhận tăng 57% lên mức 6.867 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế dù chỉ đạt vỏn vẹn 9,4 tỷ đồng, song cũng đã cao hơn gấp đôi so với mức thực hiện cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 6 tháng, lợi nhuận ròng của Vinafood 2 đạt 9,9 tỷ đồng.

Kỳ vọng cải thiện hiệu quả doanh nghiệp

Đánh giá về thực trạng và triển vọng kinh doanh của các nhóm ngành, ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch HĐQT FiinGroup cho biết, các doanh nghiệp đang ở giai đoạn “khó có thể khó khăn hơn” về tình hình kinh doanh và hiệu quả hoạt động tài chính. Giai đoạn hiện nay được đánh giá còn khó khăn hơn giai đoạn đầu năm 2020 (gián đoạn kinh doanh do dịch Covid-19). Tuy nhiên, dấu hiệu hồi phục đã được ghi nhận từ quý I và quý II/2023 khi tốc độ suy giảm có xu hướng co hẹp lại. Số liệu sơ bộ quý II/2023 cho thấy, lợi nhuận sau thuế của ngành ngân hàng tăng 1,3% so với cùng kỳ năm trước (số liệu được tính toán trên 15/27 ngân hàng, chiếm 79% tổng vốn hóa ngành); khối doanh nghiệp phi ngân hàng ghi nhận lợi nhuận sau thuế giảm 41,7% so với cùng kỳ năm trước (số liệu từ 580 doanh nghiệp niêm yết, chiếm 49% tổng vốn hóa khối).

Năm 2023, ông Thuân đánh giá, về tổng thể, lợi nhuận sẽ đi ngang, trong đó, nhóm ngành tài chính vẫn dự kiến duy trì tăng trưởng lợi nhuận sau thuế. Cụ thể, lợi nhuận sau thuế ngành ngân hàng dự kiến tăng 13,6%, chứng khoán tăng 71,6%, trong khi bảo hiểm giảm 7,8%. Đối với nhóm doanh nghiệp phi tài chính, suy giảm lợi nhuận thu hẹp còn khoảng âm 16,5% cho cả năm 2023 (từ mức dự kiến âm 20,6% cách đây 3 tháng), cho thấy sự kỳ vọng về mức độ hồi phục trong nửa cuối năm 2023. Nhóm ngành BĐS, xây dựng, vật liệu suy giảm mạnh cả năm 2022 và nửa đầu năm 2023, dự kiến cả năm lợi nhuận vẫn suy giảm mạnh (nếu không tính Vinhomes). Đối với nhóm ngành xuất khẩu, dự kiến lợi nhuận giảm mạnh năm 2023. Với nhóm ngành liên quan đến cầu tiêu dùng nội địa, lợi nhuận về cơ bản giảm nhẹ hoặc đi ngang.

Chuyên đề